Bất động sản

Loạt dự án hưởng lợi khi cải tạo sông Sài Gòn

18/10/2023, 09:00

Cải tạo bờ sông Sài Gòn không chỉ đem lại diện mạo mới cho đô thị, tạo không gian công cộng phục vụ cộng đồng, phát triển du lịch mà còn là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực trong tương lai.

Giá bất động sản sẽ tăng

Khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn từ chân cầu Ba Son đến nóc hầm vượt sông Sài Gòn dự kiến được TP.HCM chỉnh trang tạo không gian công cộng, có đường đi bộ phục vụ người dân và du khách dừng chân, ngắm cảnh.

Loạt dự án hưởng lợi khi cải tạo sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Phối cảnh ý tưởng (chưa chính thức) nhìn từ bờ Thủ Thiêm qua trung tâm thành phố. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

Theo ý tưởng đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, 830m ven sông Sài Gòn phía Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được cải tạo cảnh quan, trồng cây, bố trí màn hình led cùng các hạng mục trang trí khác. 

Ở đây, người dân và du khách sẽ có không gian ngắm cảnh, dạo bộ dọc sông. Bên cạnh đó, sẽ có đường giao thông, có lối cho người đi bộ lẫn đi xe đạp và bãi đậu xe…

Ngoài việc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng cơ sở, TP.HCM đã đầu tư mạnh vào hạ tầng ngay khi bắt đầu phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Nắm bắt tầm nhìn này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã xây dựng hàng loạt dự án, khu phức hợp căn hộ, văn phòng tại đây.

Hưởng lợi trực tiếp khi công trình này đi vào vận hành thực tế là các khu phức hợp căn hộ - văn phòng - trung tâm thương mại The Metropole Thủ Thiêm, khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City, khu đô thị Sala…

Loạt dự án hưởng lợi khi cải tạo sông Sài Gòn - Ảnh 2.

Nhiều dự án khu phức hợp căn hộ - văn phòng - trung tâm thương mại đã, đang hoàn thành tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Phạm Danh.

Hướng ngược lại, đối diện The Metropole Thủ Thiêm là khu phức hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng và khách sạn The Nexus nằm trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1). Dự án 8,6ha này dự kiến có 3 tòa tháp với 750 căn hộ hạng sang.

Với vị trí đắc địa trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, các căn hộ tại đây có mức giá đồn đoán khoảng 10.000 USD/m2, bằng một nửa giá so với các căn hộ tại dự án cao cấp xung quanh như Grand Marina Saigon và One Central Saigon.

Cách đó không xa, dự án căn hộ cao cấp Thủ Thiêm Zeit River cũng đang được xây dựng với tiến độ nhanh chóng. Theo ghi nhận, cả hai tòa tháp đang xây dựng tới sàn 20 và có thể cất nóc trong năm nay.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết: Thủ Thiêm là một trong những khu đô thị hiếm hoi được định hướng phát triển theo hình thái nén ngay bước đầu. 

Cũng như mô hình quốc tế, Thủ Thiêm quy hoạch rất rõ 4 khu chức năng. Việc này nhằm đảm bảo được việc bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống song song với phát triển cơ sở hạ tầng.

"Tuy nhiên, với vị trí nén, đất làm hạ tầng phải nhiều, dẫn đến đất nhà ở sẽ có giá cao. Trong tương lai, giá đất Thủ Thiêm sẽ không thua các đô thị nén trên thế giới.

Mặt khác, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút đầu tư rất tốt. Nếu trước đây, các chuyên gia nước ngoài khi đến TP.HCM thường chọn lưu trú quận 1, thì với quy hoạch bài bản như khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay, đây sẽ là lựa chọn mới của họ", ông Điền nhận định.

Theo vị chuyên gia, bán đảo Thủ Thiêm có cả hai yếu tố "cận thị, cận giang". Từ lâu, viễn cảnh dọc theo những con sông lớn quanh thành phố là những khu đô thị khang trang, có không gian công cộng, bến tàu để đi lại là lựa chọn của nhiều thế hệ người dân đô thị. 

Đây cũng là lý do khiến các căn hộ gần sông luôn được định giá cao hơn các căn hộ thông thường trong cùng phân khúc.

"TP.HCM quy hoạch ven sông Sài Gòn gắn với nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại chắc chắn kéo giá bất động sản tăng theo", ông Điền nói.

Khơi thông hạ tầng đường thủy

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định: Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp triển khai dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian với cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận.

Loạt dự án hưởng lợi khi cải tạo sông Sài Gòn - Ảnh 3.

Bán đảo Thủ Thiêm quy mô 930ha được bao bọc giữa lòng sông Sài Gòn. Ảnh: Phạm Danh.

"Từ đây có thể tái hiện cảnh truyền thống trên bến dưới thuyền. Thuyền đưa du khách tham quan qua lại, kết nối với hàng loạt di tích, địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng… ", ông nói và cho rằng, từ lợi thế của dòng sông, các hoạt động như kinh doanh du thuyền ngắm cảnh, phục vụ ẩm thực, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông… có thể đẩy mạnh.

TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng, để hiện thực những gợi ý trên, ngân sách phải chi rất lớn. Thành phố nên quy hoạch, lập dự án và kêu gọi đấu thầu. Bù lại, thành phố dùng nguồn kinh phí đó để tiếp tục đầu tư hạ tầng.

"Nhà đầu tư chỉ tham gia khi họ thấy cơ hội phát triển. Thành phố phải quy hoạch một vài điểm để nhà đầu tư kinh doanh thì họ mới tham gia. Còn đơn thuần chỉ là đường đi bộ, vui chơi thì doanh nghiệp sẽ không có động lực", ông Điền nói.

Theo quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 24/6/2004, chiều rộng hành lang bờ sông tính từ ranh quy hoạch phải có khoảng lùi từ 30 - 50m.

Vấn đề là trong khoảng lùi ven sông vẫn còn nhà, đường đi bộ ven sông thường bị các công trình chắn ngang. Đó là bất cập và theo các chuyên gia kinh tế, TP.HCM cần sử dụng dòng sông để kết nối hạ tầng đường thủy. Hình thức này có thể dùng làm du lịch giải trí, vừa đóng vai trò kết nối giao thông, giảm áp lực cho đường bộ.

"Cải tạo không gian, phát triển kinh tế, du lịch ven sông là đúng. Tuy nhiên, cần lưu ý còn có những rủi ro. Nếu sử dụng không bền vững, con sông sẽ chính là nguồn gây ô nhiễm, tạo tác động xấu cho môi trường", TS Huỳnh Thanh Điền góp ý.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường tại cuộc họp nghe báo cáo về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang không gian bờ Đông sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Đây là khu vực nằm đối diện bến tàu Bạch Đằng, quận 1. UBND TP.HCM đã thống nhất ý kiến đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TP Thủ Đức và các đơn vị chuyên môn tại cuộc họp về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang không gian bờ Đông sông Sài Gòn.

Dự kiến, kinh phí thực hiện huy động từ nguồn xã hội hóa. Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm được giao phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phân công với lộ trình cụ thể, phấn đấu hoàn thành công trình trước dịp Tết Dương lịch năm 2024.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.