Thị trường

Bộ Công thương lý giải việc rút Xuyên Việt Oil khỏi danh sách kiểm tra

20/10/2023, 10:48

Vụ Thị trường trong nước và Thanh tra Bộ Công thương vừa cung cấp thông tin liên quan lùm xùm sai phạm ở Công ty Xuyên Việt Oil và một số vấn đề của thị trường xăng dầu.

"Điều chỉnh kế hoạch kiểm tra là hoàn toàn khách quan"

Gần đây, dư luận đặt nghi vấn về hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ Công thương đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong đó có Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (số 465-467 Hai Bà Trưng, TP.HCM). Sau khi 2 lãnh đạo của doanh nghiệp này bị bắt hồi tháng 9 do liên quan việc nợ thuế và chiếm dụng quỹ bình ổn xăng dầu, nhiều người thắc mắc vì sao Xuyên Việt Oil được rút ra khỏi danh sách kiểm tra năm 2021 và được cấp lại giấy phép kinh doanh.

Về việc này, Bộ Công thương giải thích ngày 31/12/2020, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2021 đối với một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil.

Tuy nhiên, việc kiểm tra bị gián đoạn, không thể thực hiện do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (từ tháng 4 đến hết 10/2021). Do đó, Bộ Công thương không thể tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch.

Lùm xùm thanh tra ở xăng dầu Xuyên Việt Oil: Bộ Công thương nói gì? - Ảnh 1.

Dư luận đặt nghi vấn xung quanh việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Về kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, giấy phép của Công ty Xuyên Việt Oil hết hạn vào tháng 8/2021. Công ty này đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công thương xem xét, cấp lại vào tháng 11/2021.

"Thời điểm đó, công ty đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95", đại diện Bộ Công thương thông tin.

Còn về việc rút khỏi danh sách thanh tra, kiểm tra năm 2021, Thanh tra Bộ Công thương cho biết trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, cập nhật thông tin về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra của Bộ Công thương, Thanh tra Bộ đã tổng hợp việc xin điều chỉnh kế hoạch kiểm tra năm 2021 báo cáo lãnh đạo.

Sau khi xem xét, lãnh đạo Bộ Công thương đã thống nhất, ký ban hành quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra năm 2021 của Bộ Công thương (Quyết định số 1392/QĐ-BCT ngày 13/5/2021), trong đó rút tên Xuyên Việt Oil khỏi danh sách kiểm tra.

"Việc Bộ Công thương ban hành quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra năm 2021 là hoàn toàn khách quan, phù hợp với tình hình thực tế", Bộ Công thương thông tin.

Nhiều lần vi phạm quy định về quỹ bình ổn giá

Bộ Công thương cũng cho biết năm 2022, Bộ đã ban hành 4 quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil.

Kết thúc quá trình kiểm tra, Bộ Công thương đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính Công ty Xuyên Việt Oil 390 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng, từ 10/8-13/9/2022.

Còn trong năm 2023, ngày 24/7, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1896 về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đối với một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty Hải Hà, Công ty Thiên Minh Đức.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil. 

Căn cứ kết quả và đối chiếu với quy định hiện hành về xử lý vi phạm, Bộ Công thương đã ban hành quyết định ngày 11/8 về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil.

Quyết định này được đưa ra trên cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng về việc không khắc phục được các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về quỹ bình ổn giá theo phản ánh từ Bộ Tài chính.

Xuyên Việt Oil là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Đầu tháng 9, Bộ Công an khởi tố, ra lệnh tạm giam bị can Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) và Phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Khi đó, Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.244 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế bảo vệ môi trường được tính trong cơ cấu giá xăng dầu mà doanh nghiệp này còn nợ, phát sinh trên tờ khai từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn "ôm" quỹ bình ổn xăng dầu hàng trăm tỷ đồng.

Để được trở thành đầu mối phân phối, Xuyên Việt Oil kê khai 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Nhưng cũng trong ngày Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Lộ diện 6 doanh nghiệp đầu mối vi phạm về Quỹ bình ổn xăng dầuLộ diện 6 doanh nghiệp đầu mối vi phạm về Quỹ bình ổn xăng dầu

Các doanh nghiệp đầu mối vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định và không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định của Nghị định 95.

'Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu'"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"

Nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội nhận định hành vi BIDV Long Biên cấn nợ gần 270 tỷ từ quỹ bình ổn xăng dầu là vi phạm pháp luật. Nếu ngân hàng không trả lại số tiền trên, doanh nghiệp có quyền khởi kiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.