Xã hội

Lương công chức tăng 30% từ 1/7, lấy nguồn từ đâu?

04/04/2024, 14:56

Tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Chi bao nhiêu tiền cho việc tăng lương?

Mới đây, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.

Lương công chức tăng 30% từ 1/7, lấy nguồn từ đâu?- Ảnh 1.

Mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30% 

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.

Dự kiến cuối năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương lương tối thiểu vùng. Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.

Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.

Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Bao giờ kết thúc lấy ý kiến việc tăng lương tối thiểu vùng 6%?

Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp là 6% không phụ thuộc vào tính toán mỗi doanh nghiệp.

Việc tăng lương tối thiểu vùng 6% sẽ kết thúc lấy ý kiến sau 45 ngày kể từ 1/7/2024. Theo Bộ LĐTB&XH, sau thời gian này khi lấy hết ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức sẽ bắt đầu tính toán phương án.

Theo Đại diện Bộ LĐTB&XH, tiền lương tăng thêm trong đợt cải cách lần này được trích từ ngân sách chi cho việc tăng lương từ Bộ Tài chính. Nhà nước hỗ trợ chi cho vấn đề an sinh, còn việc áp dụng lương tối thiểu vùng 6% doanh nghiệp tự tính.

Lương công chức ở trong hệ thống ngân sách nhà nước. Còn các tỉnh trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức 10% để sử dụng vào trả lương cho công chức, viên chức.

“Riêng việc điều chỉnh cho đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội lấy từ ngân sách nhà nước. Hiện Bộ Tài chính vẫn đang cân đối ngân sách để quyết định với mức bao nhiêu phần trăm cho hợp lý”, Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.