Pháp đình

Lý lẽ của cựu thứ trưởng nhận hối lộ hơn 21 tỷ đồng vụ chuyến bay giải cứu

18/07/2023, 19:02

Ông Tô Anh Dũng nói rằng, ban đầu bị cáo nhận thức đơn giản, không nghĩ rằng hành vi nhận tiền cảm ơn từ doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng không nghĩ nhận tiền cảm ơn là vi phạm

Chiều 18/7, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội dành thời gian cho nhóm cựu lãnh đạo và cán bộ Bộ Ngoại giao tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) trong ngày làm việc thứ 6 phiên xử vụ chuyến bay giải cứu.

Trình bày trước tòa sau khi bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (59 tuổi) tái khẳng định ông luôn thành khẩn, thừa nhận những cáo buộc đã nêu trong cáo trạng về việc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng từ 13 đại diện doanh nghiệp.

img

Ông Tô Anh Dũng bị đề nghị tối đa 13 năm tù.

Ông Dũng nhấn mạnh khi có chủ trương đưa công dân về nước tránh dịch, bị cáo là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch nên nhận thức được trách nhiệm. Ông luôn tỏ ra nỗ lực, cố gắng thực hiện các công việc được giao, trong đó có nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài.

"Trong việc tham mưu chính sách, bị cáo không bao giờ nghĩ đến việc trục lợi", bị cáo Dũng nói và lý giải với việc nhận hối lộ số tiền trên, ông xuất phát từ sự nể nang, mong muốn các công ty được triển khai sớm các chuyến bay. Theo cựu thứ trưởng, ông nhận thức đơn giản, không có suy nghĩ hành vi nhận tiền cảm ơn là vi phạm pháp luật.

Theo VKS, bị cáo vụ án đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng và 1,5 triệu USD. Riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ nộp được hơn 80 tỷ đồng.

Người nộp lại số tiền nhiều nhất là Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), nộp 20 tỷ đồng trong số 19,6 tỷ đồng đã chiếm hưởng.

"Quá trình điều tra, các cán bộ giải thích và đọc luật, nên bị cáo nhận thức được hành vi, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo", ông Tô Anh Dũng trình bày và nói thêm, trong hơn một năm bị tạm giam, bản thân luôn ăn năn hối lỗi về những sai phạm và tác động gia đình tích cực khắc phục hậu quả.

"Tôi thành khẩn nhận lỗi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao. Mong Hội đồng xét xử xem xét thêm cho các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện và bị cáo ở những bộ, ngành khác", cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ.

Lời trần tình của cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng

Cũng trình bày khi tranh luận chiều nay, ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) nói rằng thời điểm mình được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội, bị cáo luôn đề cao trách nhiệm, nhiệt huyết và làm việc tập trung, nhất là ở vị trí của Thủ đô với yêu cầu đặt ra là không được có sai sót.

Tuy nhiên, ông Dũng tỏ ra băn khoăn và bức xúc khi bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương) khai việc đưa tiền cho ông Dũng. Ngọc Anh khai lúc thì đưa 4 lần, khi lại 5 lần và số tiền đưa cũng khác nhau. Tại bản ghi lời khai cuối cùng, ông Dũng không xác nhận mà đành xin chấp nhận số tiền, bởi bản thân không còn nhớ đã nhận bao nhiêu tiền và bao nhiêu lần.

img

Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho ông Chử Xuân Dũng.

Nhắc lại cáo buộc và thừa nhận cáo trạng, cựu phó chủ tịch Hà Nội nói mình có tội và rất đau đớn khi phải hầu tòa. Ông chỉ tiếc nuối khi trong quá trình chống dịch, bản thân không ngần ngại làm bất kỳ điều gì nhằm góp một phần nhỏ cho công cuộc khống chế dịch.

"Hôm nay đứng ở đây, tôi trở thành một tội đồ của thành phố, tội đồ trong công tác phòng chống dịch, trở thành người phạm tội, rất đau xót", ông Dũng nghẹn ngào nói và bày tỏ mong tòa sơ thẩm mở lượng khoan hồng để ông giảm được gánh nặng cho gia đình, xã hội và sớm trở về để tiếp tục cống hiến.

Đáng chú ý, một trong những người bào chữa cho ông Chử Xuân Dũng là luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng là học trò của ông Dũng.

Theo luật sư Tuyến, hành vi của cựu phó chủ tịch Hà Nội mang tính thụ động, nghĩa là đưa bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Xuyên suốt hành vi và các lời khai, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, luật sư đánh giá ông Dũng không có bất kỳ thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ cho doanh nghiệp để được nhận tiền.

Điển hình một lần gặp ông Dũng vào tháng 12/2021, Lê Thị Ngọc Anh đề xuất ông Chử Xuân Dũng ký duyệt chủ chương cách ly cho 720 khách nhưng không đưa tiền. Lúc đó, ông Dũng đã ký duyệt chủ trương này mà không đòi hỏi, yêu cầu gì.

Luật sư đề nghị VKS và Hội đồng xét xử xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của ông Dũng, áp dụng mức hình phạt thấp hơn đề nghị trước đó là 4-5 năm tù.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.