Xem - ăn - chơi

Mặc “áo gấm” cho xẩm

19/01/2015, 07:23

Ngày xưa xẩm ngồi bờ hồ, trên tàu điện, ngồi góc đình thì bây giờ xẩm được đưa lên nhà hát sang trọng nhất.

151
Nhóm Xẩm Hà Thành trong một lần biểu diễn

Giữ gìn, bảo tồn xẩm

GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết ngày xưa xẩm ngồi bên bờ hồ, trên tàu điện, ngồi góc đình thì bây giờ xẩm được đưa lên nhà hát sang trọng nhất Thủ đô. Đó là một bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn xẩm. Sự trở lại của xẩm lần này sẽ mang dáng dấp phố thị, giúp công chúng thấy được xẩm đã sống trong lòng Hà Nội ra sao và đang phát triển trong đời sống, trong đối tượng công chúng trẻ ngày nay thế nào. Trên thực tế, xẩm không bị “nuốt” trong không gian lộng lẫy của Nhà hát lớn Hà Nội, bởi xẩm thực sự là một nghệ thuật hấp dẫn, thu hút người xem. Mặt khác, cách tạo hình sân khấu cũng phù hợp với nghệ thuật xẩm để cho các diễn viên có đất diễn.

Vào lúc 20h ngày 20/1/2015 tại Nhà hát lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền sẽ diễn ra chương trình "Xẩm & Đời" với sự tham gia của các nghệ sĩ biểu diễn: Nhóm xẩm Hà Thành: Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Đình Dũng, Văn Tuấn và các nghệ sĩ khách mời: NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, Nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng, Ca sĩ Hà Linh, Minh Kiên beatbox, MK Dancer (Milkyway Crew).

Nghệ sĩ Quang Long chia sẻ, trong quá trình phục hồi xẩm các nhà nghiên cứu đã đi nhiều nơi tìm nghệ nhân hát xẩm. Bên cạnh nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng có thêm hai hay ba nghệ nhân nhưng họ đều già yếu và quên rất nhiều làn điệu trong xẩm. Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Hát xẩm đặc biệt ở chỗ nghệ thuật này dù có thể biểu diễn không nuột nà nhưng âm nhạc, lời ca phải chú ý đến từng nốt, từng chữ. Điều đó gần như vắng bóng từ sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu và Nguyễn Văn Giang. Bởi vậy, những người biểu diễn trong chương trình ngày 20/1 tới đây đều là những nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ với mong mỏi cố gắng giữ gìn hồn xẩm.

Dự kiến trong chương trình, ngoài sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Mận - con gái cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, còn có cháu ngoại của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sẽ biểu diễn xẩm trên sân khấu tới đây. “Khi gia đình cân nhắc tìm một bộ môn nghệ thuật để cháu theo đuổi, bác Lê Khả Phiêu đã quyết định cho cháu gái mình học hát xẩm. Sau quá trình theo học, giờ đây, cô bé đã có thể hát xẩm một cách tương đối thành thục và sẽ tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ”, GS. Hoàng Chương cho biết.

Trẻ hóa… xẩm

Bên cạnh cố gắng đưa xẩm vào nhà hát sang trọng, BTC còn nỗ lực làm “trẻ hóa" xẩm. Đêm nghệ thuật “Xẩm & Đời” sẽ do “cặp đũa lệch” dẫn chuyện là nhà thơ Vũ Quần Phương và người mẫu Trà Ngọc Hằng. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, việc bố trí một già một trẻ dẫn chương trình nhằm ngầm gửi thông điệp rằng, “nghệ thuật xẩm đang có những thế hệ nối tiếp”.

Bất ngờ nhất trong đêm diễn và cũng là sự liều lĩnh của các nghệ sỹ khi quyết định đưa “Xẩm thể nghiệm” làm màn kết của đêm “Xẩm & Đời”.

Theo nghệ sĩ Khương Cường, hát xẩm giờ không phải để kiếm sống như các cụ xưa, mà chúng ta hát để bảo tồn. Vì thế, cần kết hợp xẩm với những dòng nhạc đương đại để khai thác những ưu điểm của hát xẩm với dòng chảy của những dòng âm nhạc thế giới. Phần xẩm thử nghiệm sẽ kết hợp xẩm với Hip hop và Beatbox thành loại hình nghệ thuật xẩm đương đại. Bởi bản thân xẩm có chất ngẫu hứng, ngẫu hứng từ những nhạc cụ cho đến lời ca, rất tương đồng với jazz hay những dòng nhạc thiên về tiết tấu.

Đã bán hết vé

Kinh phí đầu tư cho chương trình "Xẩm & Đời" lần này do một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tiết lộ: “Chúng tôi dự định tổ chức từ đầu năm 2014 nhưng không đủ kinh phí nên hoãn lại. Sau đó chúng tôi phải vác đàn đến các doanh nghiệp, tổ chức để hát, biểu diễn tận nơi cho họ xem nghệ thuật hát xẩm thế nào. Nghe xong, họ đã xúc động và hỗ trợ một phần kinh phí giúp chúng tôi tổ chức tại Nhà hát lớn. Và bản thân Nhà hát lớn cũng giúp một phần kinh phí để chúng tôi làm chương trình”.

Nghệ sĩ Quang Long cho biết, lần đầu tiên tổ chức chương trình "Xẩm & Đời" khán giả ngồi đã chật kín Nhà hát lớn. Khi về, nhiều khán giả cảm thấy hụt hẫng vì thời lượng chương trình quá ngắn. “Lần tới này, chúng tôi sẽ làm chương trình dài hơn 1h30 phút. Hiện vé đã không còn”, nghệ sĩ Quang Long nói.

Trải qua vài thập kỷ bị “đánh đắm” giờ đây xẩm - con tàu bị đắm ấy được trục vớt lên và lại tiếp tục nhiệm vụ phản ánh sinh động đời sống đương đại.

Phạm Lý

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.