Đường bộ

Mặt bằng cản tiến độ dự án đường ven biển 1.200 tỷ ở Quảng Ngãi

20/02/2024, 17:34

Tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm hoàn thành tuyến đường ven biển dài hơn 13km với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng ngay trong năm 2024. Song, tình trạng mặt bằng "xôi đỗ" đang cản tiến độ của dự án.

Nhà thầu thi công cầm chừng

Sáng 20/2, công trường dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh đoạn qua địa bàn TP Quảng Ngãi, Tư Nghĩa và Mộ Đức đã tái khởi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết.

Mặt bằng

Nhà thầu thi công không liền mạch khi phía đằng xa vướng mặt bằng với nhà dân san sát.

Song, công tác tổ chức thi công không liền mạch, các gói thầu nhà thầu phải thi công cầm chừng, chia làm nhiều đoạn, điểm do vướng mặt bằng.

Tại đoạn tuyến qua xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi), một đoạn nền đường dài khoảng 200m do nhà thầu Đồng Khánh thi công đã hoàn thành việc đắp đất nền, lu lèn và tiến hành thảm bê tông nhựa lớp mặt.

Để phương tiện xe tải chở nhựa đường vào được công trường phục vụ thi công, cánh tài xế phải điều khiển phương tiện đi theo tuyến đường dân sinh dẫn vào.

Hai bên đầu đoạn tuyến đều vướng nhà dân. Ở điểm đầu phía bắc công trình một bên nhà thầu đang tổ chức thi công rầm rộ, cách đó vài bước chân là… bờ rào lưới BL40 và vườn tược, nhà dân mọc san sát.

Ở điểm đầu phía nam đoạn tuyến đâm vào bụi tre. Nguyên đoạn vướng mắc về mặt bằng dài khoảng 300m là nhà dân và cây cối hoa màu.

Mặt bằng

Một điểm thi công đứt quãng trên tuyến qua địa bàn xã Nghĩa Hà vì chưa giải phóng được mặt bằng.

Từ xa nhìn đến không ai có thể hình dung dự án đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024 như kế hoạch đề ra. Cả công trường nhộn nhịp chỉ khoảng 200m, còn lại mọi thứ vẫn đứng bánh do chưa giải phóng được mặt bằng.

Đi tiếp về phía nam dọc theo tuyến, một số vị trí mặt bằng đang được giải tỏa, một số điểm mặt bằng không có động thái nào rõ rệt.

Đoạn qua địa bàn giáp ranh giữa hai xã Nghĩa Hà và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vẫn là nhà dân xây dựng kiên cố từ lâu.

Tương tự, đoạn tiếp giáp đường dẫn và mố cầu Vực Hồng vẫn là nhà dân. Để vào được công trường, nhà thầu phải điều khiển phương tiện đi đường vòng khoảng 10km.

Để thi công mố cầu phía bắc cầu Vực Hồng, nhà thầu Gia Hưng phải thương lượng với hộ dân có đất để được cho phép triển khai máy móc.

Đi dọc theo tuyến qua địa bàn các xã Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh (Mộ Đức) tình trạng mặt bằng xôi đỗ cũng tương tự. Các nhà thầu thi công đứt quãng dẫn đến công trường dự án không liên tục.

Mặt bằng

Nhà dân vẫn tồn tại trên hành lang tuyến chính.

Một cán bộ kỹ thuật của nhà thầu cho biết, nếu có mặt bằng thuận lợi đơn vị sẽ triển khai liền mạch, tạo nền đường liên tục sẽ giúp quá trình tiếp cận công trường thi công tốt hơn.

Tuy nhiên, với mặt bằng hiện tại công tác tổ chức thi công rất khó khăn, tốn kém do phải liên tục điều động nhân sự, thiết bị.

Giải quyết dứt điểm các tồn tại

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, đến nay, công tác bồi thường, GPMB được hơn 10,8/13,2km.

Trong đó, vẫn còn 234 thửa đất/203 hộ dân, tương ứng với diện tích đất 2,88ha chưa lập phương án bồi thường. Phần lớn tồn tại về mặt bằng liên quan đến đất ở với 168 thửa đất/161 hộ dân.

Liên quan đến công tác tái định cư, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 9 hộ/11 lô đất được phê duyệt phương án trong tổng số 157 lô đất/151 hộ dân phải được tái định cư.

Tuy nhiên, hai khu TĐC Cổ Lũy Bắc và Nghĩa Hà đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, thi công.

Trong khi đó, đối với công tác thi công tuyến chính, đến nay các nhà thầu mới tổ chức thi công được thảm nhựa mặt đường được 4/13,2km.

Dù tồn tại về mặt bằng tuyến chính và tái định cư không hề nhỏ, song đại diện chủ đầu tư báo cáo sẽ hoàn thành 100% công tác GPMB toàn tuyến trước 30/6 và hoàn thành dứt điểm công trình trong năm 2024, bàn giao đưa vào khai thác.

Mặt bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh kiểm tra thực tế công trường, chỉ đạo các bên liên quan phải nỗ lực giải quyết dứt điểm tồn tại về mặt bằng của dự án.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, tồn tại về mặt bằng là do các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt, chậm trễ trong xây dựng giá đất cụ thể; chưa thực hiện tốt vai trò vận động người dân bàn giao mặt bằng…

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho rằng, thành phố phối hợp tốt trong việc giải quyết vướng mắc về mặt bằng, song có nhiều bất cập liên quan đến chính sách pháp luật quy định về thu hồi đất, giao đất tái định cư… cần phải được nghiên cứu và có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, công tác bồi thường, GPMB dự án qua địa bàn thành phố chưa như mong muốn.

"Đơn cử như địa bàn xã Nghĩa Hà, đã có đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000, thành phố quản lý và cấp phép xây dựng theo phân khu 1/2000 như quản lý các phường ở đô thị.

Song, tại dự án này nhiều diện tích đất của người dân sau khi thu hồi còn dôi lại dưới 100m2, thành phố phải xem xét từng trường hợp cụ thể có đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng hay không.

Hiện nay cơ chế còn bất cập, vì không có quy định cụ thể "thế nào là đất đủ điều kiện để ở", nên thành phố buộc phải tổ chức vận động người dân giao đất để được bố trí tái định cư.

Trường hợp người dân không đồng thuận thì phải chuyển sang việc xét từng thửa đất có đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng hay không, khi đó mới giải quyết được tồn tại về mặt bằng và nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi trong giao đất tái định cư", ông Danh nói.

Mặt bằng

Công tác thi công dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đang gặp nhiều điểm nghẽn về mặt bằng.

Kiểm tra thực tế vào sáng 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ghi nhận nỗ lực của các bên trong quá trình triển khai dự án. Tuy vậy, trên tuyến vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc về mặt bằng.

Tồn tại này có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 30/4. Riêng TP Quảng Ngãi đến 30/7 bàn giao 100% mặt bằng.

Về vốn bố trí cho dự án năm 2024 đã bố trí đủ bao gồm vốn trung ương và ngân sách tỉnh. Do đó, yêu cầu chủ đầu tư phải chỉ đạo các chủ thể liên quan đẩy nhanh tiến độ, tăng giá trị giải ngân đảm bảo kế hoạch được giao.

"Đây là dự án đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương ven biển, do đó tinh thần là dự án phải khẩn trương hoàn thành đưa vào khai thác theo kế hoạch đề ra", ông Minh chỉ đạo.

Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2a, thành phần 1, có chiều dài 13,2km, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 800 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách tỉnh). Trong đó, chi phí xây lắp 716 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 2019-2024.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.