Du lịch

Máy bay Việt Nam cấp tập cất hạ cánh, tạo nên hiện tượng lạ ở đất nước 27 triệu dân

26/09/2023, 19:34

Ông Geoff Culbert đặc biệt tán dương 4 cái tên đến từ Việt Nam, gọi thị trường Việt Nam là “minh chứng hoàn hảo” cho những gì đang diễn ra.

Gần như tại khắp các khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, du lịch hàng không quốc tế là ngành mất nhiều thời gian để phục hồi nhất sau các biện pháp thắt chặt biên giới giữa các nước do đại dịch.

Các hãng hàng không và sân bay ở những quốc gia có thị trường nội địa quy mô lớn như Trung Quốc, Indonesia đã nhanh chóng khôi phục ngành du lịch hàng không nội địa. Tuy nhiên, tình hình không tiến triển nhanh như vậy với du lịch hàng không quốc tế.

Máy bay Việt Nam cấp tập cất hạ cánh, tạo nên hiện tượng lạ ở đất nước 27 triệu dân - Ảnh 1.

Các chuyến bay khứ hồi từ các hãng hàng không của Việt Nam đang góp phần giúp sân bay Sydney phục hồi mạnh mẽ mảng du lịch hàng không quốc tế.

Hiện tượng lạ ở sân bay Sydney

Australia với dân số gần 27 triệu người, là một quốc gia có thị trường hàng không nội địa lớn. Tuy nhiên, tại sân bay Sydney (Kingsford Smith) - cửa ngõ quốc tế trọng yếu của nước này đang diễn ra một hiện tượng thú vị: du lịch hàng không quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn cả hàng không nội địa. Điều này được minh chứng bởi lưu lượng hành khách quốc tế thông qua sân bay này.

Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, 3,25 triệu lượt hành khách đã đi qua sân bay Sydney, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, dù vẫn thấp hơn 11,4% so với mức 3,67 triệu lượt hành khách mà sân bay Sydney đã tiếp đón trong tháng 8/2019, Simple Flying dẫn số liệu chính thức của Sân bay Sydney (SYD) cho biết. 

Trong 3,25 triệu lượt hành khách này có 1,23 triệu lượt hành khách quốc tế và 2,02 triệu lượt hành khách nội địa, tỷ lệ phục hồi so với chỉ số tháng 8/2019 lần lượt là 89,7% (lượt hành khách quốc tế) và 88% (lượt hành khách nội địa).

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp sân bay Sydney ghi nhận hoạt động hàng không quốc tế có tốc độ phục hồi về mức trước đại dịch mạnh hơn hoạt động hàng không nội địa.

Theo Simple Flying, một trong những động lực chính dẫn tới mức phục hồi này là sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong các dịch vụ hàng không giữa Sydney và Việt Nam, cũng như Sydney và Hàn Quốc.

Khách du lịch mang hộ chiếu Việt Nam tới sân bay Sydney đã tăng 29% so với tháng 8/2019. Bên cạnh đó, hiện có tới 4 hãng hàng không cung cấp chuyến bay hai chiều giữa sân bay Sydney và Việt Nam (năm 2019 chỉ có 2 hãng).

Vietnam Airlines dẫn đầu với 9 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần, tiếp theo là hãng Vietjet với 4 chuyến, Jetstar với 3 chuyến và Bamboo Airways với 2 chuyến mỗi tuần.

Máy bay Việt Nam cấp tập cất hạ cánh, tạo nên hiện tượng lạ ở đất nước 27 triệu dân - Ảnh 2.

Hiện có tới 4 hãng hàng không Việt Nam cung cấp chuyến bay khứ hồi giữa sân bay Sydney và Việt Nam (năm 2019 chỉ có 2 hãng).

Thị trường Việt Nam là "minh chứng hoàn hảo"

Thời gian qua, ông Geoff Culbert - Giám đốc điều hành Sân bay Sydney đã tích cực đề xuất các hãng hàng không, cả quốc tế và nội địa, tăng cường khả năng vận chuyển để khai thác các nhu cầu đang bị dồn nén ở mức chưa từng có.

Ông Culbert cho biết, việc các hãng hàng không quốc tế tăng công suất hoạt động đã mang tới Sydney một làn sóng khách du lịch nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc và Philippines.

"Thị trường Việt Nam là một minh chứng hoàn hảo cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ, đi đôi với việc tăng cường khả năng vận chuyển có thể dẫn tới nhu cầu lớn hơn. 

Trước đại dịch, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi với 2 hãng hàng không cung cấp các chuyến bay thẳng", ông Culbert nói.

"Sự tăng trưởng này đã được thúc đẩy hơn nữa sau khi hai hãng không mới là Vietjet và Bamboo Airways tham gia, với các chuyến bay nối giữa Sydney và TP Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, chúng tôi có 4 hãng hàng không cung cấp hơn 5.000 chỗ ngồi/tuần tới Việt Nam, và việc tăng cường khả năng vận chuyển này đã thúc đẩy du lịch cho cả hai nước", ông Culbert cho biết thêm.

Vietnam Airlines đang tổ chức các chuyến bay khứ hồi hàng ngày giữa sân bay Sydney và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hãng cũng có 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ Sydney tới Hà Nội. Đa số các chuyến bay này do đội tàu bay Airbus A350-900 của Vietnam Airlines thực hiện.

Theo thống kê của SYD, trong số 10 thị trường hàng đầu của sân bay Sydney, chỉ có 4 thị trường vượt mức năm 2019, dẫn đầu là Hàn Quốc (+44%), Việt Nam (+29%), Philippines (+13%) và Hoa Kỳ (+1%). 

Sau người Australia, số khách đến sân bay Sydney nhiều nhất trong tháng 8 là từ Trung Quốc, tiếp theo là các hành khách đến từ New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Mặc dù lưu lượng hành khách Trung Quốc tới Sydney đang ở mức cao thứ 2 trong danh sách trên nhưng trên thực tế, mức này vẫn thấp hơn 33% so với năm 2019.

(Theo Simple Flying)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.