Showbiz

MC Trác Thúy Miêu: Đã có lúc tưởng mình không nói thật nữa

21/06/2017, 13:05

Là cây bút được săn đón, nhưng MC Trác Thúy Miêu đã có lúc tưởng mình không bao giờ nói thật bao giờ nữa.

Giam khao Trac Thuy Mieu (1)

MC Trác Thúy Miêu chia sẻ, đã có lúc chị tưởng chừng mình không bao giờ mở miệng ra nói thật bao giờ nữa.

Là cây bút sắc sảo và cá tính, không ít lần chị vấp phải thị phi bởi những bình luận và quan điểm thẳng thắn của mình. Chị có nhớ lần đầu tiên mình gặp phản ứng trái chiều của dư luận là khi nào?

Không thể nhớ được nhưng tôi nghĩ “dư luận” đầu đời có thể đã là sự dè chừng, thậm chí ghẻ lạnh của bạn học trong cùng một lớp mỗi khi tôi đứng lên và nói cái gì đó. Hồi nhỏ, tôi là đứa trẻ ít nói vì ít dám nói. Việc tích tụ những quan sát và phân tích cá nhân trong một thời gian dài khiến mỗi lần tôi mở miệng nói luôn là một thứ bộc phát, hoặc làm người khác thấy thú vị, hoặc tạo ra sự kỳ thị hướng về mình. Còn những người lớn quanh tôi, họ lấy làm thú vị và quan tâm hoặc giành cho tôi sự dè chừng cùng các biện pháp răn đe.

Tôi sống trong bầu không khí ấy và thấy khá hợp với mình. Những người đến với tôi không nhiều nhưng với sự tôn trọng và quan tâm đặc biệt. Còn số đông hơn sẽ phản ứng, thậm chí kỳ thị. Điều này giúp tôi nhiều trong việc soi chiếu bản thân, quan sát được rất nhiều về thuộc tính của đám đông, rèn luyện khả năng đối biện và phản biện khi cần tự vệ.

Có thể nói tôi đã là một đứa trẻ may mắn, vì không phải đứa trẻ nào cũng được huấn luyện và có cơ hội quan sát tâm lí đám đông. Còn cái giá của khoá huấn luyện trọn đời này, đôi khi là cảm giác đơn độc. Nhưng tôi nghĩ ai chẳng đơn độc, không vì lý do này thì cũng bởi nguyên nhân khác.

Mỗi khi phải hứng “gạch đá”, cảm giác của chị ra sao?

Đến tận bây giờ cũng vậy, cảm giác đầu tiên của tôi vẫn là một thoáng chạnh lòng, thậm chí hoảng sợ nếu phản ứng của đám đông đã trở nên hung hãn. Có những ngày tôi mở hộp thư và thẫn thờ trước những dòng hằn học từ một ai đó không quen biết. Những con người đó, nếu gặp trực diện tôi, họ liệu có thể hiện ra một cách thẳng thắn những lời đe doạ, nguyền rủa mà họ đã không ngần ngại ném vào thùng thư điện tử của tôi? Tôi cho là không. Bởi nếu họ bộc trực như vậy, ắt đã không phải xả năng lượng tiêu cực qua điện thư cho một người xa lạ như tôi.

Đã có lúc tôi tự hỏi tại sao mình không thể khôn ngoan hơn, nhũn nhặn và kín đáo hơn trong thái độ và thông điệp thể hiện. Thậm chí đã có lúc tôi đã tưởng như sẽ không bao giờ mở miệng ra nói thật bao giờ nữa.

MC-Trac-Thuy-Mieu-Tinh-Bolero5

 

Hành trình lớn lên và trưởng thành đã phủ lên đứa con nít hoang dã như tôi một tấm áo của văn minh hình thức. Tôi “tinh chế” và hoàn thiện hoá bản thân mình bằng vài món hoả mù của ngôn ngữ, giọng nói, học cách tô những màu trung tính dễ chịu hơn. Nhưng tất thảy là để bảo đảm thông điệp ở bên trong được nói ra không chỉ thoả đáp nhu cầu bộc phát của cá nhân tôi, mà còn có thể dễ dàng tiếp cận và tiêu hoá bởi đối tượng nhận thông điệp. Quá trình hoàn thiện đó vẫn đang tiếp diễn.

Đôi khi tôi thấy mình may mắn, nếu những hòn đá đầu tiên đã khiến tôi vĩnh viễn im miệng hay chỉ nói ra những điều nhàn nhạt, nhè nhẹ, vô hại tặng kèm nụ cười công nghiệp đã được lập trình để “hoà nhập cộng đồng”, thì có lẽ ngày hôm nay, thay vì dành thời gian trả lời những điều này, tôi có thể đang hì hục viết một lời bình luận hằn học gửi cho một nhân vật xa lạ nào đó, để phóng thích những ẩn ức đã tù hãm trong tôi quá lâu.

Nhưng thực sự chị đã bao giờ tức giận hay chán nản? 

Tức giận, chán nản, thậm chí sợ hãi. Tôi đã đi qua tất thảy những cảm giác này và trân quý tất cả như nhau. Tôi sẽ né vô một góc, nghiền ngẫm nỗi sợ của mình cho đến khi nhìn thấy rõ như ban ngày cơ chế hoạt động của nó. Một trong những nhân vật phỏng vấn ưa thích của tôi là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Có lần anh tâm sự về những cảm giác tương tự mà anh đã phải đi qua khi hứng “đá”. Đêm hôm ấy, anh đã sợ hãi đến mức chùn chân khi phải bước ra sân khấu với nỗi ám ảnh rằng bên dưới kia là những kẻ căm ghét đến sẵn sàng thấy mình biến mất khỏi đời sống. Anh lấy hết can đảm bước ra sân khấu, tiến thẳng vào vùng ánh sáng, và bạn biết anh ấy đã nhìn thấy điều gì không? Không gì cả!

Khi đứng trong vùng sáng chói chang của sân khấu, nghệ sĩ không thể nhìn thấy dù là hàng ghế đầu của khán phòng. Nhưng ngập ngụa trong tiếng hò la và những tiếng vỗ tay. Thế thôi, và anh bắt đầu hát.

Bản thân chị thường làm thế nào để đối phó với những phiền phức mà mình gặp phải?

Có thể tôi đã gặp ít nhiều phiền phức nào đó, nhưng hình như tôi không chọn nhớ đến. Tôi chỉ ghi nhớ lại những thuận lợi vượt trội khi mang bản ngã của mình một cách thẳng thắn vào từng bài viết hay từng tác vụ phỏng vấn. Thay cho mảng tin tường thuật đòi hỏi sự thuật lại bằng những ngôn ngữ báo chí đã được khoanh vùng và quy hoạch cho nghề báo, tôi có được những bài viết mà chủ kiến được đặt vào lập luận, cấu tứ và câu từ. Tôi nghiễm nhiên trở thành chủ thể của góc nhìn và hạnh phúc trong vị trí đó. Vì tôi thấy rằng góc nhìn của mình đáng giá.

Cũng bởi điều này, tôi có những cuộc tiếp xúc phỏng vấn thật sự thú vị, tính tương tác của tư duy đa chiều tạo nên những tư liệu biên tập phong phú và khác biệt. Cuộc phỏng vấn trở thành cuộc đối thoại, mà chỉ từ đối thoại, người ta kích phát những tư duy không bị sắp xếp sẵn trong bộ “mẫu câu trả lời đối phó truyền thông”.

Từ một cuộc đối thoại, tôi quan sát được bản ngã của sự thật bên trong nhân vật của mình, tương tác, ứng phó, đối biện với tình huống phát sinh… Cũng dựa trên cơ sở lập trường và chủ kiến cá nhân, tôi có thể nhìn thấy sự thật chủ quan, bất khả che đậy của đối phương và từ đó có những bài viết mà cả người phỏng vấn và nhân vật đều được phóng thích năng lượng cá nhân và sự thật được giải phóng, bất kể nó có vừa mắt lọt tai đám đông hay không.

Thai-Chau-doa-lay-roi-danh-chau-gai-ngay-tren-san-

 

Từ nãy, chúng ta đã nói nhiều về những chuyện tiêu cực. Còn những điều tốt đẹp chị nhận về từ nghề báo thì sao?

Mãi mới có một câu hỏi về những điều tốt đẹp! Bạn thấy không? Khi nói về sự công chính, bộc trực, ta thường có phản xạ nghĩ ngay về những cái giá tiêu cực nhiều hơn là những tưởng thưởng tích cực. Họ đã cài đặt phản xạ tội nghiệp và sai trái này vào tư duy chúng ta như thế nào vậy? Tôi thật sự tò mò muốn biết.

Đầu tiên tôi tri ân bản ngã của mình, đó là sự tồn tại luôn luôn của đứa trẻ đã từng là tôi và vẫn luôn là tôi. Quá trình trưởng thành và sự công kích của đám đông ngoài kia đã không thể giết chết đứa con nít trong tôi và bắt nó phải trở thành một người già dối trá.

Tôi ghê sợ những câu ca dao tục ngữ kì cục như “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tôi rùng mình trước những em bé tiểu học trong những cuộc thi tài năng, phim ảnh hay trên truyền hình mỗi khi mở miệng ra nói, bé sẽ uốn miệng nói một giọng đều đều những thứ đã được dạy cho đến khi thuộc làu. Tôi rùng mình khi bạn bè người quen đẩy con của họ đến trước mặt tôi vào ngày Tết để leo lẻo những lời chúc tốt đẹp hoặc kì cục.

Điều tốt đẹp nhất tôi được nhận, và cũng là lời nguyền khủng khiếp nhất mà tôi phải chịu cho sự công chính trong lối sống lẫn phát ngôn, cũng là điều chúng ta tôn thờ nhưng luôn trốn tránh: Sự thật.

Và chị đã chuyển sang làm báo hình, điều này khiến chị dễ nói lên sự thật và cũng nhiều điều thú vị hơn?

Thực ra sau một thời gian hoạt động trong ngữ cảnh của sự đọc-hiểu của đối tượng độc giả, tôi tăng độ khó của kỹ năng truyền tải sang cảm giác nghe-nhìn của đối tượng khán giả truyền hình. Ở đây, ngoài kho ngữ vựng, những cấu trúc ngữ pháp và ngôn từ, tôi tự nghiên cứu cao độ, tốc độ, và cả trường độ giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, tác động của hình thái trang phục,… Tất cả những yếu tố phụ trợ đó thêm thắt rất nhiều vào độ nặng và chuẩn xác của tinh thần thông điệp.

Đối tượng khán giả của là một thành phần thú vị và phức tạp hơn độc giả rất nhiều. Họ đòi hỏi được chiều chuộng nhiều hơn vào cái thời giá trị giải trí thống trị giá trị thông tin. Tôi học cách dùng chiếc cầu “giải trí” để “dẫn dụ” đối tượng vào cảm xúc được định trước, rồi để ngỏ những kết luận để tạo nên đối thoại, bắt đầu bằng đối thoại tự thân, đối thoại nội tại và sẽ dẫn dắt đến đối thoại đa phương trong cái thời tương tác bình luận trên internet. Hẳn nhiên, các cuộc đối thoại dân chủ, vào khi mới bắt đầu, sẽ là cuộc đại hỗn mang. Nhưng nếu ta đủ kiên nhẫn và bình tĩnh, các nguyên tắc văn minh sẽ được chậm chạp thiết lập.

Yêu thích và nhiệt huyết với nghề báo như thế, cá tính như thế, nhưng có khi nào chị muốn chuyển nghề?

Cho đến bây giờ thì chưa.

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.