Đô thị

Metro Nhổn - ga Hà Nội sắp vận hành, xe buýt kết nối thế nào?

18/02/2023, 10:15

Theo chuyên gia, cần rút kinh nghiệm việc tổ chức giao thông, kết nối xe buýt của tuyến Cát Linh- Hà Đông khi vận hành tuyến Nhổn- ga Hà Nội.

Dự kiến đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được vận hành ngay trong quý I/2023.

Vấn đề người dân quan tâm là hệ thống xe buýt kết nối của Hà Nội với các nhà ga của tuyến metro như thế nào để tạo thuận tiện khi lưu thông.

Điểm chờ xe buýt vẫn cách xa ga

img

Hiện có 31 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Tạ Hải

Có mặt trên trục đường từ Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Nhổn những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện chưa có thay đổi về hệ thống điểm dừng, chờ xe buýt.

Tại khu vực chân ga tàu, ở cả hai chiều đều chưa có điểm dừng xe buýt theo hướng liên thông (đi từ tàu xuống chân ga có thể đón ngay xe buýt). Biển báo tổ chức giao thông, sơn kẻ ở các nhà ga chưa được triển khai.

5 ga gồm: Chùa Hà, Đại học Quốc gia, Lê Đức Thọ, Minh Khai, Cầu Diễn đều không gần điểm dừng, chờ xe buýt.

Dù số lượng xe buýt hoạt động trên trục đường khá lớn (chiếm gần 22% toàn mạng lưới buýt), song phân bổ hoạt động của các tuyến dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị không đều, tập trung chủ yếu tại các nhà ga trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy.

Các ga nằm trên trục QL32 như Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ kết nối rất ít tuyến buýt.

Tại ga đầu cuối Nhổn và ga trung chuyển Cầu Giấy, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt số 3 cũng có sự khác nhau, tập trung lớn tại ga Cầu Giấy.

Trong khi đó, các tuyến buýt kết nối với ga Nhổn chưa nhiều, hướng tuyến chưa đa dạng. Hiện chỉ có 2 tuyến buýt trợ giá kết nối với bến xe Sơn Tây - tuyến 20A, 20B.

Một tuyến buýt trợ giá kết nối với huyện Ba Vì - tuyến 92; 3 tuyến buýt trợ giá kết nối với huyện Đan Phượng (tuyến số 29, 20B, 162) và 3 tuyến buýt trợ giá kết nối huyện Phúc Thọ (tuyến số 204, 20B, 117).

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt - Đức, để thu hút khách đi tàu, các điểm chờ xe buýt cần được bố trí ngay dưới chân nhà ga. Cùng đó, cần mở thêm tuyến buýt gom từ khu dân cư.

“Cần rút kinh nghiệm trong việc tổ chức giao thông, kết nối xe buýt từ tuyến Cát Linh - Hà Đông để có những điều chỉnh cần thiết”, ông Tuấn góp ý.

Thêm 12 tuyến buýt kết nối với tàu điện

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện có 31 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy.

Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình 1 ngày khoảng hơn 118.000 lượt hành khách.

Theo thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách.

Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.

“Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí, bổ sung lại để thuận tiện cho việc kết nối với các ga”, ông Phương nhận định.

Cũng theo ông Phương, sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, nâng tổng số tuyến buýt kết nối lên 42 tuyến. Trong 12 tuyến này, có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới.

Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.

Trục hoạt động chính của tuyến (từ Cầu Giấy - Nhổn) năng lực vận chuyển tăng từ 3 - 4 lần so với hiện nay, đáp ứng khoảng 30 - 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, trong thời gian đầu, dự báo khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị số 3, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Lưu lượng xe taxi, Grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến cũng sẽ giảm do khi đó, người dân sẽ có xu hướng chuyển từ sử dụng xe buýt sang sử dụng metro do chi phí thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Sở đã nghiên cứu tổ chức giao thông và sẵn sàng điều chỉnh khi đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động.

Ngoài xe buýt, sẽ có xe điện 2 bánh, xe ôm công nghệ, xe taxi phục vụ người dân; hệ thống biển báo cũng đã được rà soát và chờ triển khai.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Hiện nay, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành nhưng đoạn đi ngầm đang chậm trễ do vướng mắc về mặt bằng trong thời gian qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.