Đời sống

Miền Tây linh hoạt ứng phó xâm nhập mặn đe dọa vùng trồng cây đặc sản

21/02/2023, 10:23

Trước mùa hạn hán, mặn xâm nhập năm 2023, các địa phương và nông dân ở một số tỉnh miền Tây đã chủ động các biện pháp ứng phó linh hoạt.

Sóc Trăng là địa phương ở hạ nguồn sông Hậu, có 3 cửa sông đổ ra biển gồm: Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh.

Hàng năm, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập vào những tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 âm lịch của năm sau).

Nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, nước mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh này diễn biến phức tạp.

Có thời điểm, độ mặn 4‰ theo tuyến sông Hậu xâm nhập gần 50km, đe dọa tình hình sản xuất ở một số vùng chuyên trồng cây ăn trái (vùng ngọt hóa).

img

Cống âu thuyền Ninh Quới điều tiết mặn, ngọt khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng.

Tại huyện Kế Sách - được xem là thủ phủ trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích 17.773ha trồng các loại trái cây chủ lực như: bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, mít...

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, nước mặn xâm nhập vào địa bàn, với số liệu đo mặn cao nhất tại trung tâm huyện Kế Sách là 4‰, ảnh hưởng khá lớn.

Anh Đoàn Văn Út Em (ngụ xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách) chia sẻ: “Tôi phải chủ động mua thiết bị đo độ mặn cầm tay để thử nước trước khi bơm vào vườn tưới cho cây sầu riêng và chủ động nạo vét ao, mương, bơm nước dự trữ vào ao lắng phòng mặn xâm nhập vào”.

Theo ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, huyện này có 24km tiếp giáp với sông Hậu (cách biển từ 42 - 64km), thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn từ các sông giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30 - 50ha, nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều.

“Phòng mặn xâm nhập, chúng tôi kích hoạt các Tổ đo mặn ở các xã, thị trấn tiến hành đo nước mặn hàng ngày ở những khu vực xung yếu.

Cập nhật số liệu mặn xâm nhập hàng ngày trên các nhóm Zalo, phát thông báo mặn xâm nhập trên hệ thống loa truyền thanh của huyện để người dân chủ động lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Mặt khác, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật giúp nông dân có biện pháp thích ứng phù hợp, tăng cường khả năng cho cây trồng chống chịu hạn mặn, khuyến cáo nhà vườn chủ động dự trữ nước ngọt cho những tháng tiếp theo”, ông Quan thông tin thêm.

img

Người dân ở Sóc Trăng chủ động trang bị máy đo độ mặn cầm tay để lấy nước phục vụ sản xuất.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện có 4.700ha diện tích trồng cây ăn trái và 2.800ha diện tích trồng mía.

Ngay từ đầu năm 2023, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó hạn mặn, trong đó, chủ đạo tuyên truyền các biện pháp ứng phó linh hoạt đến người dân.

“Huyện cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cống ngăn mặn, vận hành thông suốt, đảm bảo hệ thống đê bao an toàn. Vận dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất”, ông Nguyên chia sẻ thêm.

Chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó

Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào nội đồng, nguy cơ nhiều khu vực trọng điểm sản xuất lúa, cây ăn trái của tỉnh như: vùng Long Phú - Tiếp Nhật; Kế Sách; Cù Lao Dung;… nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, Chi cục Thủy lợi đã chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, mặn. Trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có thông báo, cảnh báo kịp thời với các địa phương và người dân chủ động ứng phó.

img

Một trạm quan trắc trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

Bên cạnh đó, phối hợp đơn vị liên quan tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là ở các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất và số liệu đo mặn được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin của địa phương…

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có thể vận dụng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 để áp dụng cho từng địa bàn cụ thể.

Theo ông Lai Thanh Ân, Chỉ cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, sắp tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp tốt với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) đạt hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp vận hành hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn được mặn xâm nhập lên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và tiếp được nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về phục vụ vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

“Để giảm thiểu những tác động do hạn hán, mặn xâm nhập và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, Chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện việc nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng.

Đồng thời, bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh, đảm bảo việc sản xuất lúa và nuôi tôm của người dân”, ông Ân thông tin thêm.

Hàng tháng, Sở TN&MT phải lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để phục vụ việc sản xuất của người dân...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.