Chuyện dọc đường

Một nửa sự thật không phải là sự thật!

29/05/2015, 14:17

Những ngày gần đây, câu chuyện về các dự án BOT giao thông dù không có gì mới mẻ, nhưng vẫn làm “nóng”...

7-0529
 QL 18 từ Uông Bí đi Hạ Long được đầu tư theo hình thức BOT

Những ngày gần đây, câu chuyện về các dự án BOT giao thông dù không có gì mới mẻ, nhưng vẫn làm “nóng” dư luận xã hội, nhất là trên báo chí và mạng xã hội. nói là không mới, vì hình thức này được triển khai phổ biến tại hầu khắp các nước trên thế giới. Tại Việt Nam cũng đã làm cách đây chục năm và thực sự triển khai mạnh mẽ, thu hút được một nguồn vốn khổng lồ trong vòng ba, bốn năm nay.

Cùng đó, từ chủ trương, sự cần thiết phải xã hội hóa để tạo sự đột phá hạ tầng giao thông phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đến những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý liên quan đều được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nhiều lần khẳng định, các cơ quan thông tấn, báo chí liên tục đăng tải.

Với chủ trương đúng đắn và xuyên suốt đó, có thể đánh giá hạ tầng giao thông của Việt Nam những năm gần đây thay đổi rõ rệt. Nhiều công trình hiện đại, nhiều bến cảng, sân bay, đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, những cây cầu lớn, đẹp, hiện đại được xây dựng mang lại diện mạo mới và nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Đa phần các cơ quan thông tấn, báo chí đều phản ánh khách quan, trung thực về những thay đổi tích cực đó. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do sâu xa nào, hay vì những mục đích gì khác, vẫn có một số tờ báo cố tình đưa tin, phản ánh lập lờ, cắt xén để làm sai bản chất sự việc và đánh lừa dư luận.

Theo Điều 2, Thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định: “Các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km và nếu không đảm bảo khoảng cách 70 km trên cùng một tuyến đường này thì trước khi xây dựng Trạm, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định”. Trên thực tế, khi thực hiện các dự án, Bộ GTVT đều đã thỏa thuận với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính và với UBND các tỉnh để điều chỉnh, đặt vị trí trạm thu phí thuận lợi hơn cho người dân.

Tuy nhiên, các tờ báo này chỉ xoáy vào vế thứ nhất, còn cố tình lờ đi vế thứ hai, đồng thời dồn dập đưa thông tin một chiều là nhiều trạm không đủ khoảng cách tối thiểu 70 km như quy định tại Thông tư 159, rồi suy diễn nào là “chặt khúc quốc lộ ra bán”, “phí chồng phí”, “dân oằn mình gánh phí”, đặt nhiều trạm thu phí sai quy định...

Trước khi trở thành một nhà báo, một phóng viên, từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tất cả sinh viên báo chí đều được học và thuộc nằm lòng câu: “Một nửa chiếc bánh mỳ là chiếc bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật chưa chắc là sự thật”. Cách đưa tin và phản ánh theo kiểu cắt xén, nửa vời như nêu trên rõ ràng đã làm thay đổi bản chất sự việc và đánh lừa dư luận, hướng dư luận đến cách hiểu sai trái theo mục đích thiếu trong sáng của người thông tin. Điều đáng nói hơn, chính cách đưa đẩy đó đã làm “nóng”, gây ngờ vực trong dư luận về chủ trương đột phá thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa phát triển hạ tầng thời gian qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.