Vận tải

Mua vé qua "cò", không trùng số CMND không được lên tàu

12/12/2014, 06:47

Dù hệ thống bán vé điện tử của ngành Đường sắt đã được đưa vào phục vụ, tuy nhiên tại một số ga, nhất là ga Sài Gòn và ga Hà Nội vẫn còn hiện tượng "cò" vé lừa hành khách.

Một tốp
Một tốp "cò" tụ tập chèo kéo khách (chụp sáng 11/12)

Thâm nhập giới “cò”

Những ngày qua tại ga Sài Gòn xuất hiện nhiều “cò” tụ tập trước cổng ga chèo kéo khách... Sáng 11/12, trong vai một người tìm mua vé, PV Báo Giao thông vừa xuất hiện ở khu vực ga Sài Gòn, lập tức có hàng chục “cò” vẫy gọi. Nhiều “cò” thậm chí còn chặn đầu xe: “Vé đây, vé đây, mua vé đi anh…”. Chỉ trên một đoạn đường ngắn (khoảng chưa đầy trăm mét), chúng tôi đếm có tới hơn 30 “cò” hoạt động ngang nhiên.

Một “cò” tên Kim nằng nặc bám đầu xe chúng tôi, miệng nhanh nhảu: “Em cần vé về đâu, đi ngày nào chị cũng có hết”. Tôi nói là đi mua hộ vé cho mấy người bà con trong khu phố và ngỏ ý muốn mua vé về Vinh, Thanh Hóa, ngày đi tàu khoảng 25 - 27 tháng Chạp. 

“Cò” Kim cho biết, giá vé về hai ga này như nhau, ngồi cứng hơn 1.083.000 đồng, ngồi mềm là 1.444.000 đồng. “Ngày 25 hết vé, em mua vé đi 26 hoặc 27 nhé?”, “cò” này gạ gẫm. 

Khi được hỏi “có chắc vé của chị là vé xịn? Nhỡ lên tàu lại bị người ta đuổi xuống thì sao?”, “cò” Kim khẳng định “như đinh đóng cột”: “Vé là vé “xịn” của ngành Đường sắt phát hành chứ những người môi giới như chị đâu có in được”. “Cò” này thậm chí còn cung cấp số máy điện thoại cho chúng tôi (0913603***) để… tiện liên lạc.

Cách đó hơn chục mét, nhóm của “cò” Vui làm ăn khá “quy mô”. Cả dãy ghế nhựa được bày ra lề đường để cho 4 - 5 “cò” tiếp thị khách. Vừa trông thấy chúng tôi, các “cò” thi nhau vẫy chào mua vé Tết. Khi chúng tôi hỏi vé đi Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Đồng Hới… liền bị các “cò” thắc mắc sao hỏi nhiều ga thế! Sau khi được giải thích là có nhiều người nhờ hỏi giùm, “cò” Vui đon đả: “Không cần hỏi nhiều, muốn mua bao nhiêu, đi đâu, ngày nào… chị đều có hết. Em chỉ cần trả chị tiền hoa hồng, mỗi vé 200 nghìn đồng là xong”. 

Chúng tôi thắc mắc tiền chênh lệch này cao quá, các “cò” cho biết, giá này là còn rẻ, chỗ khác đắt hơn nhiều và khẳng định, họ không được hưởng tất cả mà còn phải chi chỗ này, chỗ khác. “Nếu em có thiện chí mua vé thì gọi vào số máy 0908645*** cho chị nhé!”, “cò” Vui vội vã nói trong khi vừa đi, vừa chạy ra đường chèo kéo khách.

Ngồi vắt vẻo trên xe máy ngay đối diện cổng vào ga, “cò” Liễu cho hay, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu mua vé Tết 2015 của khách, chi phí môi giới là 250 nghìn đồng/vé. “Tui không có số điện thoại, nếu cần cứ đến ga là gặp…”, “cò” này tỏ vẻ rất cẩn thận.

Thực tế thời điểm này, hoạt động “cò” vé tại ga Sài Gòn diễn ra nhộn nhịp hơn so với ga Hà Nội, bởi nhu cầu đi từ Nam ra Bắc trước Tết tăng cao. Tuy nhiên, tại ga Hà Nội, chúng tôi cũng ghi nhận có hiện tượng “cò” vé hoạt động. Chỉ cần gửi xe là lập tức các “cò” xuất hiện mời chào mua vé. Tuy nhiên các “cò” này chỉ dám hoạt động ngoài phạm vi ga.

Mua vé qua “cò”, tiền mất tật mang

Đây là cảnh báo của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt VN (VNR) tại cuộc họp chiều qua (11/12) để đánh giá toàn diện việc bán vé tàu qua hệ thống điện tử của ngành Đường sắt phối hợp với FPT mới được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 11. 

Ông Thành cho biết thêm, vừa đi thực tế tại ga Sài Gòn và thấy hiện tượng “cò” vé là có thật. Ga Sài Gòn có hiện tượng khai CMND rởm để mua vé... Các “cò” vé tuyên bố có thể lo được cho hành khách lên tàu là không đúng. 

“Chúng tôi đã quy định bán vé tàu qua mạng phải ghi số CMND của hành khách nhằm đảm bảo quyền lợi hành khách có nhu cầu đi tàu thực sự. Tất cả hành khách mua vé trên hệ thống bán vé điện tử đều phải ghi số CMND để hệ thống lưu và in trên vé. Nếu số CMND không khớp trên vé, coi như không hợp lệ”, ông Thành nói.

Còn ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, mục tiêu khi xây dựng hệ thống này là hành khách phải được hưởng dịch vụ thân thiện, giao diện đơn giản, dễ dùng, chống đầu cơ “vé chợ đen”. Bây giờ không thể mua hộ vé được. 

“Bài toán mà TCT đặt hàng FPT là làm thế nào để cả tôi (TGĐ) cũng không can thiệp được khi có người nhờ mua giúp mới đạt yêu cầu”, ông Tùng nói. Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết TCT đã phát hiện có những đối tượng dùng thủ đoạn để đặt chỗ. “Có những địa chỉ IP đặt hàng trăm vé, nhưng chỉ một người mua. Về kỹ thuật, chúng tôi đã khóa luôn trường hợp này. Theo quy định, mỗi người truy cập được mua 4 vé đi và 4 vé về để chống đầu cơ”, ông Tùng tiết lộ.

Để chống nạn đầu cơ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nên áp dụng hình thức nếu hành khách mua vé trực tuyến và thanh toán qua thẻ ATM thì không cần đến nhà ga in vé, chỉ cần đưa code và số ghế phù hợp là có thể lên tàu. Ưu tiên khách mua theo hình thức này. Bên cạnh đó làm sao để nếu trường hợp đưa số chứng minh thư giả thì không thể in được vé. Về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định, nếu Bộ Tài chính cho phép thì ba ngày sau sẽ làm được ngay. 

Được biết, theo quy định hiện nay, chỉ nhà ga đường sắt mới đủ thẩm quyền để in vé tàu.  

Thiện Anh - Mai Huyên  

Nghiên cứu giảm phí hủy vé tàu

Đánh giá cao sự phối hợp giữa FPT và VNR, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây là lần đầu tiên áp dụng hệ thống nên không thể tránh được những sai sót cần phải điều chỉnh. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hệ thống, làm sao thuận lợi nhất cho người dân mua vé tàu, chống được nạn đầu cơ, “cò” vé. Phải tổ chức lại các chuyến tàu, dứt khoát không được để khách không thể về quê vì thiếu phương tiện. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải tăng cường truyền thông về hệ thống bán vé điện tử để người dân biết và nắm rõ; Công bố nhiều đường dây nóng tại các ga. VNR cần chuẩn bị tăng cường thêm tàu tuyến ngắn, điều chỉnh lại vận chuyển hàng với tàu khách; Nghiên cứu vận chuyển hai chiều cho phù hợp, dự kiến luôn lượng ghế phụ giá rẻ. Nghiên cứu phương án giảm bớt phí nếu hành khách hủy vé; Hoàn chỉnh hệ thống bán vé điện tử theo hướng thuận lợi nhất cho dân, kết nối vận tải. “Phải làm sao áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào quản lý, tăng năng suất lao động, chất lượng dịch vụ để cạnh tranh”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Sẽ kiểm tra đột xuất, bắt “cò” vé

Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, sáng hôm qua vừa đi kiểm tra kín công tác bán vé tại ga Hà Nội. Qua kiểm tra thấy nhà ga thông thoáng, bán vé qua mạng có đầy đủ thông tin, hệ thống truy cập nhanh, dễ dàng. Khách hàng không được mua quá 4 vé mỗi người. Tuy nhiên, trước cửa ga Hà Nội vẫn có “cò” vé. Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm nếu có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.