Đây được coi là giải pháp để hạn chế tình trạng “nhà xây đằng nhà, đường kẹt đằng đường” tại đô thị lớn, không có cơ quan nào tổng chỉ huy trong khi mật độ giao thông ngày càng dày đặc.
Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến được gửi về hộp thư bạn đọc của Báo Giao thông cho rằng, Hà Nội cũng cần tham khảo giải pháp này.
Bạn đọc Minh Quân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu ý kiến: “Hy vọng khi tiến hành đánh giá tác động giao thông độc lập sẽ không còn tình trạng đường chật như nêm mà nhà cao tầng ở hai bên vẫn mọc lên như nấm. Ai cũng thấy, chỉ cơ quan cấp phép xây dựng là không thấy”.
Bạn đọc Huỳnh Tố Anh (quận 3, TP.HCM) viết: “Cứ có mảnh đất trống nào đủ rộng, đủ đẹp là thấy mọc lên ở đó nhà cao tầng. Rừng cao ốc không biết bao giờ mới ngừng lan rộng. Giá mà những nơi đó biến thành công viên hay các nhà sinh hoạt văn hóa thì tốt biết mấy”.
Bạn đọc Tuấn Việt (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có quan điểm ngược lại: “Rừng cao ốc thì cũng có sao, đất chật người đông, thế giới người ta đều xây nhà cao tầng cả. Vấn đề là năng lực giao thông đi theo như thế nào. Nếu tàu điện ngầm, xe buýt, tàu điện trên cao đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân thì xây cao ốc trong trung tâm là quá tốt. Nếu chỉ nhìn vào giao thông hiện tại mà cấp phép thì chắc tới đây chả có chung cư nào mọc lên ở trung tâm nữa cả”.
Bạn đọc Hoàng Anh Vinh (quận Ba Đình, Hà Nội) đặt vấn đề: “Đánh giá tác động là đúng, nhưng đánh giá trên tiêu chí nào mới là điều cần bàn. Nếu làm chặt quá thì đóng băng khu trung tâm, nếu làm lỏng quá thì lại vẫn y nguyên. Sợ nhất là đưa ra thêm 1 quy trình, rồi người ta tìm mọi cách hợp thức hóa bằng chạy chọt, xin cho. Như vậy, một số người giàu thêm, chủ đầu tư mất chi phí, người mua nhà bị tăng giá. Rồi đâu lại vào đấy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận