Thời sự Quốc tế

Mỹ sắp bán hàng chục tên lửa uy lực cho Đài Loan bất chấp Bắc Kinh có thể nổi giận

06/02/2024, 14:48

Đài Loan sẽ nhận bàn giao 50 tên lửa không đối đất AGM-154C từ Mỹ vào năm 2028 trong bối cảnh giới chức hòn đảo tìm cách nâng cao năng lực tác chiến của đội tiêm kích F-16V.

Mỹ sẽ bàn giao 50 tên lửa không đối đất cho Đài Loan

Ngày 5/2, báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tập đoàn Raytheon Missiles & Defence (RMD) đã được trao hợp đồng trị giá 68 triệu USD để sản xuất và bàn giao cho Đài Loan 50 tên lửa không đối đất AGM-154 Block III C JSOW.

Theo SCMP, phần lớn quá trình sản xuất số tên lửa trên sẽ diễn ra tại nhà máy của RMD tại thành phố Tucson, bang Arizona. Tập đoàn này dự kiến cung cấp số tên lửa theo hợp đồng cho Đài Loan trong vòng bốn năm.

Hợp đồng nằm trong quyết định bán gói vũ khí có tổng trị giá 333 triệu USD được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt vào tháng 6/2017 nhằm hỗ trợ Đài Loan tăng cường năng lực phòng vệ răn đe.

Gói vũ khí này còn bao gồm 50 tên lửa không đối đất tốc độ cao chống bức xạ AGM-88, 10 tên lửa huấn luyện AGM-88B, tên lửa huấn luyện giả định, phụ tùng, thiết bị huấn luyện cá nhân.

Đài Loan sẽ nhận bàn giao 50 tên lửa từ Mỹ để tăng cường năng lực của tiêm kích- Ảnh 1.

Ảnh minh họa tên lửa không đối đất AGM-154 Block III C JSOW của Mỹ.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp 56 tên lửa AGM-154C cho Đài Loan. Tuy nhiên, thông báo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu lý do tại sao chỉ có 50 tên lửa loại này được bàn giao vào năm 2028.

Trước đó, vào tháng 12/2022, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan thông báo đã nhận bàn giao một số tên lửa AGM-88B từ tập đoàn Raytheon nhưng không nêu rõ số lượng cụ thể.

Uy lực 2 loại tên lửa Mỹ sắp bán cho Đài Loan

Cả hai loại tên lửa AGM-154C và AGM-88B đều có thể phóng từ tiêm kích F-16V do Mỹ sản xuất. Đội tiêm kích của Đài Loan hiện gồm 140 tiêm kích F-16A/B phiên bản nâng cấp và 66 máy bay mới dự kiến bàn giao vào năm 2026.

Báo SCMP dẫn lời ông Shu Hsiao-huang, nhà phân tích an ninh tại Đài Bắc cho biết khi được phóng từ tầm cao, tên lửa AGM-154C có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 130km.

Theo ông Shu, tên lửa hành trình AGM-154C được trang bị thiết bị dò tìm dựa trên hình ảnh hồng ngoại với khả năng điều hướng tự động sẽ mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến trên không của Đài Loan trước các cuộc tấn công trên bộ.

Trong khi đó, tên lửa không đối đất AGM-88 vô cùng hiệu quả khi tập kích các hệ thống phòng không của đối phương như radar, thiết bị liên lạc, thiết bị gây nhiễu điện từ. Do đó, ông Shu kết luận hai loại tên lửa này sẽ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của đội tiêm kích F-16V của Đài Loan.

Theo tập đoàn RMD - đơn vị sản xuất hai loại tên lửa trên, AGM-154C là vũ khí dẫn đường độ chính xác cao tầm trung được thiết kế để tấn công các mục tiêu phòng thủ. Trong khi đó, AGM-88 là tên lửa không đối đất chiến thuật có khả năng kiềm chế hoặc phá hủy radar tên lửa đất đối không, hệ thống pháo phòng không điều hướng bằng radar.

Theo SCMP, đây là hợp đồng cung cấp vũ khí đầu tiên của Mỹ cho Đài Loan được Lầu năm góc công bố sau khi ông Lại Thanh Đức (William Lai Ching-te) được bầu làm lãnh đạo mới của Đài Loan, kế nhiệm bà Thái Anh Văn vào tháng trước. SCMP nhận định thông tin về hợp đồng mua bán vũ khí này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận bởi Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất và luôn phản đối các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Washington và Đài Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.