Y tế

Nam sinh 18 tuổi nhập viện vì stress trước kỳ thi tốt nghiệp

08/06/2022, 07:52

Trước áp lực của các kỳ thi đang cận kề, không ít thí sinh bị stress, mắc hội chứng lo âu... buộc phải nhập viện điều trị.

Stress căng thẳng, khó nhớ, hay quên khi học

Theo chia sẻ của các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, tại đây đã tiếp nhận không ít bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập, nhất là khi các kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.

img

Không ít trẻ mắc rối loạn lo âu, stress phải nhập viện điều trị trong thời gian ôn thi

Ths. BS. Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, mới đây, một nam sinh tên V.H.P. (18 tuổi, sống ở Hà Nội) được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt. Qua tìm hiểu, nam sinh vốn sống trong gia đình hòa thuận, tuy nhiên bản tính khá nhút nhát, hay lo lắng và thiếu tự tin.

Mẹ bệnh nhân cho biết, khi học cấp 1 sức học của P chỉ mức trung bình. Muốn con có môi trường học tập tốt hơn nên gia đình chuyển P. vào học cấp 2 ở trường quốc tế. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường mới, tự ti vì gia đình không bằng các bạn, nên P. thường xa cách, không tham gia hoạt động với bạn bè. Đến lớp 7, P. thường lo lắng, học giảm sút, nên đã được mẹ đưa đi khám BV Nhi TƯ với chẩn đoán rối loạn cảm xúc, được tư vấn chuyển môi trường học tập.

Nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress:

Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức để trẻ vượt qua, thích ứng với stress

Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an.

Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…

Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý.

Sau khi chuyển về trường công lập, tình hình của P. có cải thiện hơn, nhưng bất cứ khi nào gặp mâu thuẫn hay các kỳ thi P. luôn sợ hãi, lo lắng. Ngay ở kỳ thi vào cấp 3, vì con lo lắng quá mức, gia đình phải đưa đi khám, được truyền dịch và ra viện.

BS. Dung cho biết, ở thời điểm hiện tại, đang chuẩn bị thì tốt nghiệp, theo chia sẻ của nam sinh là dự kiến thi học viện Ngân hàng. Tuy nhiên, 1 tháng nay, lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc.

“Mới đây do bệnh nhân thấy mệt mỏi, khó thở ở lớp, nên giáo viên thông báo cha mẹ đón về đưa đến viện. Tại viện, qua các bài test, xét nghiệm… bệnh nhân không có dấu hiệu hoang tưởng, chỉ cảm xúc lo lắng, giảm tập trung chú ý, không có biểu hiện sa sút chậm trí tuệ… chẩn đoán có hội chứng lo âu”, BS. Dung cho hay.

Sau 5 ngày điều trị tại viện bằng thuốc và trị liệu tâm lý, nam sinh P. đỡ lo lắng, căng thẳng. Bệnh nhân nhận thức ra vấn đề của mình hiện tại khá ổn định, đang học tập và được theo dõi theo đơn của bệnh viện.

Cũng tương tự, là 1 nam sinh tên T.T, (18 tuổi ở Hà Nội) nhập viện gần 1 tuần để điều trị stress, rối loạn cảm xúc. Dù đang giai đoạn quan trọng, nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng T. học không vào. Theo trao đổi của người nhà, từ lớp 11 T. đã khó kiểm soát cảm xúc, trên tay có nhiều vết bầm tím, và luôn áp lực “vì không biết học nhiều để làm gì”; T. luôn chống đối, làm ngược lại ý cha mẹ. Gần dây không theo được guồng ôn thi, T. lo lắng, và càng không học được nên trốn học. Gia đình đưa T tới khám tại Viện sức khỏe tâm thần.

Làm gì để vượt qua stress trong mùa thi?

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, stress ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc, hành vi…

Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi: ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…

img

Stress ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc, hành vi…

Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu, và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.

Tuy nhiên, nhân cách là yếu tố quyết định cần được bồi dưỡng từ nhỏ từ cha mẹ, nhà trường môi trường sống, trải nghiệm của con, giúp trẻ có nhân cách mạnh mẽ vượt qua các áp lực và stress.

"Nhân cách trẻ càng mạnh, stress càng khó thắng, do vậy những người lãng mạn, bay bổng, thiếu ý chí, tự ti… dễ stress. Khi trẻ thuộc tuýp người này, cha mẹ cần xây dựng hỗ trợ nâng cao tinh thần chiến đấu cho trẻ. Vai trò của phụ huynh và gia đình rất quan trọng giúp trẻ tránh stress đặc biệt trong mùa thi", BS. Tâm cho biết.

Ông Tâm cũng nhấn mạnh, "cần nhận thức stress là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp hoàn thiện và trưởng thành hơn. Tuy nhiên nếu không có kỹ năng đối mặt với stress sẽ khiến trẻ tăng stress".

Trả lời câu hỏi trong tình huống nào cần cho trẻ đi khám sức khỏe tâm thần, BS. Tâm cho biết: "Cha mẹ luôn là người gần gũi với con, nên chú ý quan sát những thay đổi từ cảm xúc, sức khỏe thể chất ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày nếu có khác thường so với trước đó. Dù tâm sự, chia sẻ, nhưng 1-2 tuần không chuyển biến, cha mẹ nên cho con gặp bác sĩ, nhà tâm lý để được can thiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tránh không tạo áp lực cho con trẻ trong mùa thi. Dù áp lực không phải lúc nào cũng bất lợi, nếu trẻ có mục tiêu thì coi mùa thi là bước ngoặt động lực vượt qua, nhưng với trẻ có nhân cách yếu đuối đó lại là nguyên nhân khiến trẻ gia tăng stress.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.