Y tế

Nam sinh sốc nhiệt, ngất xỉu sau 30 phút chạy thể dục ở trường

05/05/2023, 15:36

BV Nhi đồng TP.HCM vừa tiếp nhận 1 nam sinh 14 tuổi ngất xỉu, tổn thương gan, thận do sốc nhiệt sau 30 phút chạy thể dục trong trường.

Ngất xỉu sau khi chạy trong thời tiết nắng nóng

BS. Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi đồng Thành phố thông tin, chiều 4/5, tại đây đã tiếp nhận bé trai tên Tr.T.Kh. 14 tuổi, sốc nhiệt sau khi chạy thể dục tại trường. Được biết khoảng 8h30 cùng ngày, Kh. tập chạy quanh sân bóng đá của trường, được 10 vòng (400m/vòng) khoảng 30 phút thì than mệt, vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu, ngất xỉu.

Kh. được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C. Tại đây, em được đặt nội khí quản giúp thở truyền dịch chống sốc, được làm CT scan não không ghi nhận tổn thương. Tuy nhiên, diễn tiến nặng nên Kh. được chuyển về BV Nhi đồng Thành phố.

img

Nam sinh bị sốc nhiệt điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố

Kh. được chẩn đoán sốc nhiệt trên trẻ vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. Kết quả chiếu chụp cho thấy em có tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng. Em Kh. được tiếp tục truyền dịch, lau mát bằng nước thường kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết, truyền bicarbonate...

Kết quả sau 6 giờ điều trị, tình trạng Kh. được cải thiện, còn sốt 38 độ C, tỉnh táo tự thở khá, nên được cai máy thở oxy, tiếp tục điều trị hỗ trợ gan thận và theo dõi tình trạng huyết động.

Dự báo thời tiết ngày 5-6/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 40 độ.

Khu vực phía Đông Bắc bộ, Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; riêng phía Đông Bắc bộ ngày 6/5 có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ.

“Qua trường hợp này, chúng tôi lưu ý đến quý phụ huynh vào mùa nắng nóng cho con em minh mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt tránh hấp thu nhiệt, uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng, cho trẻ đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng”, BS. Tiến khuyến cáo.

Xử trí sốc nhiệt ra sao?

Theo Ths.BS Hà Tuấn Hùng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, say nắng hay sốc nhiệt là khi cơ thể tăng cao nhiệt độ (thường trên 40 độ C), đồng thời kết hợp với tình trạng mất nước. Hậu quả là cơ thể mất kiểm soát hệ thống điều hòa nhiệt, dẫn đến hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh... bị rối loạn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của nắng nóng hay những hoạt động quá mức.

Những dấu hiệu của hiện tượng say nắng có thể dựa trên thời gian và mức độ thân nhiệt tăng. Những dấu hiệu từ ban đầu là tăng nhịp thở, nhịp tim, trống ngực hồi hộp rồi đến trạng thái hoa mắt, mệt mỏi, tay chân rã rời, nhức đầu, khó thở tăng dần, chuột rút... thậm chí có thể là hôn mê, ngất, hay nghiêm trọng hơn cả là trụy tim và tử vong.

ThS. Hùng chia sẻ, một trong các lý do mà say nắng có thể đặc biệt nguy hiểm là vì các tia nắng sẽ trực tiếp chiếu vào phần gáy và cổ khi đi hoặc hoạt động ngoài trời nắng quá lâu. Dưới ảnh hưởng của ánh nắng gay gắt của mặt trời trong thời gian dài, hệ thống điều hòa thân nhiệt sẽ bị rối loạn cùng với tình trạng cơ thể mất nước cấp sẽ làm cơ thể tăng nhiệt.

Trước tình trạng này, theo BS. Hùng, cần xử trí nhanh và đúng để kịp thời cứu tính mạng người bị say nắng.

Trước hết, cần giảm thân nhiệt cho người say nắng bằng cách đưa người bệnh vào chỗ thoáng gió, uống nước pha muối hoặc nước điện giải, bỏ bớt áo quần, chườm bằng khăn lạnh hoặc nước đá tại các vị trí có động mạch lớn ở gần ngoài da như cổ, bẹn, nách.

Nếu người bệnh ngất xỉu không thể uống nước hoặc liên tục sốt cao, nôn đi kèm với những biểu hiện như đau ngực, bụng đau, khó thở thì phải chuyển đến cơ sở y tế nhanh chóng. Thường xuyên chườm mát cho người bệnh trong quá trình di chuyển.

"Cần hạn chế làm việc dưới ánh nắng mặt trời hoặc môi trường nóng bức quá lâu, cũng như không vận động thể lực quá sức. Khi lao động nặng hoặc dưới trời nóng cần bổ sung đủ nước. Luôn chuẩn bị cho bản thân các dụng cụ chống nắng khi làm việc, vận động ngoài trời như nón, mũ, kính…", BS. Hùng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.