Hồ sơ tài liệu

Nga nói thẳng Phương Tây có lợi ích trong vụ khủng bố Crocus

04/04/2024, 14:01

Sau vụ việc xảy ra ở nhà hát Crocus, Nga đã lên tiếng yêu cầu Mỹ cùng các quốc gia đồng minh điều tra về việc tổ chức và tài trợ cho các hoạt động khủng bố nhằm vào nước này.

Yêu cầu điều tra, làm rõ những tổ chức tài trợ tấn công

Theo hãng tin RT, Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga đã chính thức gửi yêu cầu đến Bộ Tư pháp các nước Mỹ, Đức, Pháp và Síp, trong đó yêu cầu tiến hành điều tra việc các cơ quan tình báo, cùng các thực thể, cá nhân của họ tiến hành tổ chức và tài trợ cho các vụ tấn công khủng bố trên đất Nga.

Nga nói thẳng Phương Tây có lợi ích trong vụ khủng bố Crocus- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Crocus đêm 22/3 (Ảnh: RIA)

Yêu cầu này được các thành viên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đệ trình bằng văn bản lên Văn phòng Tổng Công tố Liên Bang Nga một tháng sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Crocus, ngoại ô Moscow đêm 22/3. Trong đó, các nghị sĩ Nga mô tả vụ khủng bố này là "một hành động phi nhân tính, thù hận và tàn bạo" của "những kẻ thù bên ngoài nước Nga".

Văn bản này nêu rõ, chỉ có các chính trị gia phương Tây mới có lợi ích trong vụ tấn công khủng bố nói trên và nhấn mạnh: "Chủ nghĩa khủng bố theo kiểu tập thể của phương Tây phải bị ngăn chặn".

Căn cứ pháp lý

Trong văn bản nói trên, các nghị sĩ Nga đã viện dẫn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng các công ước về chống khủng bố được Mỹ, Đức, Pháp và Síp phê chuẩn làm căn cứ cho các yêu cầu của họ. Văn bản nêu rõ, theo Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mọi quốc gia có trách nhiệm ngăn chặn và trấn áp hành vi tài trợ khủng bố, đóng băng tài sản, tiền quỹ của bất kỳ cá nhân nào bị cáo buộc tội khủng bố.

Trong khi đó, theo Công ước châu Âu 1977 về Trấn áp Khủng bố được cả Ukraine phê chuẩn, bất kỳ cá nhân nào thực hiện hành vi khủng bố đó cũng có thể bị dẫn độ về quốc gia nêu yêu cầu. Theo Công ước Quốc tế 1997 về Trấn áp Hành vi Khủng bố bằng bom, tất cả các quốc gia thành viên được yêu cầu phải tiến hành điều tra bất kỳ thông tin nào liên quan đến khả năng những kẻ tình nghi khủng bố hiện diện trên lãnh thổ của họ với mục đích khởi tố hoặc dẫn độ.

Nghi ngờ tình báo Ukraine có liên hệ chặt chẽ với CIA

Các nghị sĩ Nga cũng lưu ý mức độ và hệ lụy của các vụ tấn công "đã cho thấy sự hiện diện của một số cơ quan tình báo nước ngoài trong quá trình những kẻ khủng bố thực hiện âm mưu".

Trong đó Nga cho rằng "hành vi tấn công đáng lên án nhất trong vài thập kỷ gần đây" chính là vụ phá hủy đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 và 2 năm 2022 được xây dựng để dẫn khí tự nhiên từ Nga sang Đức.

Các nghị sĩ Nga đã liệt kê một loạt những tuyên bố của các quan chức hàng đầu của Mỹ ở thời điểm đó như Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Victoria Nuland cùng nhiều bằng chứng liên quan đến vụ việc cho thấy Washington đóng vai trò trực tiếp trong việc tổ chức và tiến hành vụ phá hoại nói trên.

Cũng theo văn bản đó, phía Nga nghi ngờ các cơ quan tình báo của Ukraine có liên hệ chặt chẽ với CIA trong suốt thập kỷ qua bị cáo buộc tiến hành khá nhiều các vụ tấn công khủng bố chống lại Nga bao gồm vụ ám sát nhà báo Daria Dugina năm 2022, vụ đánh bom sát hại blogger quân sự Vladlen Tatarsky trong một quán cà phê ở St. Petersburg và vụ ám sát hụt nhà văn Zakhar Prilepin năm 2023...

Ngoài ra, các nghị sĩ Nga còn đặc biệt đề cập đến vụ đánh bom Cầu Crimea vào ngày 8/10/2022. 

Nga nói thẳng Phương Tây có lợi ích trong vụ khủng bố Crocus- Ảnh 2.

Hiện trường vụ tấn công cầu Kerch ở Crimea hồi năm 2022 (Ảnh: AP)

Theo đó, một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đã phá hủy vài trăm mét đường dẫn lên cầu khiến 5 người thiệt mạng hay nhiều vụ tấn công khác của Kiev tại khu vực biên giới Belgorod giữa 2 nước khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ sơ sinh, hoặc vụ sát hại nhà báo Mỹ Gonzalo Lira ở trại tạm giam Kharkov. 

Đó là chưa kể đến hàng loạt âm mưu mà Nga cho là do cơ quan tình báo Ukraine thực hiện để tuồn chất nổ vào Nga nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự của nước này.

Các nguồn tài trợ chính

Trong văn bản, các nghị sĩ Nga còn cho rằng, phần lớn các vụ tấn công nói trên được tiến hành "với nguồn tiền mà những kẻ tấn công đã nhận được từ trước, trong đó có cả tiền mặt, để tránh bị lộ lọt thông tin".

Các nghị sĩ Nga cáo buộc một trong những nhà tài trợ tư nhân lớn nhất cho các hoạt động tấn công mà Nga nghi do Kiev thực hiện là Nikolay Zlochevsky - chủ công ty khí đốt Burisma.

Văn bản trên kết thúc bằng việc yêu cầu các quốc gia khác hỗ trợ Nga trong quá trình điều tra các hành vi tổ chức và tài trợ tấn công, có các bước đi cần thiết để "xác định, định vị, ngăn chặn và bắt giữ bất kỳ một tổ chức quỹ nào được sử dụng hoặc dùng để phân bổ tiền cho mục đích tiến hành các hành vi tấn công khủng bố" và đưa mọi cá nhân và thực thể pháp lý có liên quan ra trước công lý.

Các nghị sĩ Nga cũng kêu gọi các bên được nêu tên cần phải cung cấp cho công chúng những thông tin liên quan đến các cuộc điều tra bao gồm số liệu, những cá nhân có liên quan và những quyết định được đưa ra để buộc chúng phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

Hiện chưa rõ phản ứng của các nước đã nhận được đề nghị điều tra từ Nga. 

Khoảng 1 tuần sau khi vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus ở ngoại ô Moscow xảy ra, Ủy ban điều tra Nga tuyên bố có bằng chứng cho thấy những tay súng tiến hành vụ khủng bố có liên hệ với "những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine".

Ủy ban này khẳng định nắm được "bằng chứng rõ ràng" cho thấy, những kẻ tấn công khủng bố "đã nhận được một khoản tiền lớn" từ Ukraine dưới dạng tiền ảo và sử dụng để lên kế hoạch tấn công. Nga đã bắt giữ một kẻ tình nghi liên quan đến việc cung cấp tài chính cho vụ khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc từ phía cơ quan điều tra Nga và cho rằng Moscow đang kiếm cớ đổ lỗi vụ tấn công khủng bố ở Crocus lên đầu Kiev.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.