Doanh nghiệp

Ngân hàng "ngó lơ", doanh nghiệp nhỏ khát vốn

28/03/2014, 13:37

Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho thấy thiếu vốn là một trong hai nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động năm 2013.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được hỗ trợ các nguồn vốn vay thương mại để đảm bảo sản xuất
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được hỗ trợ các nguồn vốn vay thương mại để đảm bảo sản xuất

 
Doanh nghiệp nhỏ khát vốn

Khoảng hai năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Nội thất Sông Hồng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Hàng sản xuất ra ế ẩm, công ty đã phải vay mượn, thế chấp nhà xưởng, xe ôtô cho ngân hàng để vay vốn duy trì sản xuất, kinh doanh. Cuối năm 2013, công ty nhận được đơn hàng cung cấp toàn bộ đồ gỗ cho một khách sạn tư nhân đang xây dựng. Thiếu khoảng 500 triệu đồng để mua nguyên vật liệu, máy móc hiện đại hơn, công ty đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng vẫn không vay được vốn. “Ngân hàng không cho dùng hợp đồng, hàng tồn kho làm tài sản thế chấp”, anh Trần Lâm, Giám đốc công ty kể. 
 

"Cần xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng đồng thời tuyên truyền và giới thiệu quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNVVN thông qua Ngân hàng phát triển Việt Nam để DNVVN có thể vay vốn tại ngân hàng thương mại. Cần đào tạo và nâng cao năng lực thẩm định dự án cho cán bộ của các thiết chế tài chính vi mô để các cán bộ này có thể cho vay các khoản lớn hơn 10 triệu đồng mà không đòi hỏi tài sản thế chấp”.

 

Ông Đinh Mạnh Hùng
Phó giám đốc 
Trung tâm Hỗ trợ DNVVN, VCCI

Ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết, thiếu vốn và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là những khó khăn trọng tâm của các DNVVN. Hiện DNVVN chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó, trường hợp có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng chiếm 42%, từ 1-5 tỷ đồng chiếm 37%, từ 5 -10 tỷ đồng chiếm 8%, còn lại là trên 10 tỷ đồng. Do số vốn tự có ít, nên 90% số DNVVN phải vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong đó 70% là vay ngân hàng. Tuy nhiên, DNVVN rất khó tiếp cận vốn vay, do quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất cũng nhỏ, quản trị doanh nghiệp còn yếu, chưa đáp ứng điều kiện của ngân hàng về lập kế hoạch kinh doanh, tài sản đảm bảo, cân đối tài chính... 


Ông Đinh Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNVVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, khảo sát những doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2013, thì thấy có hai nguyên nhân lớn nhất là do doanh nghiệp không tìm được thị trường đầu ra và không vay được vốn.


Nghịch lý là, hệ thống ngân hàng đang tiếp tục rơi vào tình trạng “tồn kho vốn”. Tính riêng tại Hà Nội, tháng 3, tín dụng trên địa bàn vẫn tăng trưởng âm 1,7% so với cuối tháng 2, và âm 0,4% tính từ đầu năm đến nay; trong khi huy động vốn tăng 1,1% so cuối tháng trước và tăng 3,1% so cuối năm 2013.

Càng nhỏ càng cần hỗ trợ


Tại buổi đối thoại công - tư của APEC về giải quyết những rào cản của doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại (do Bộ Công thương và Ban Thư ký APEC tổ chức ngày 27-28/3, tại Hà Nội), các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp để DNVVN có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn vay thương mại. Trong đó, bên cạnh thay đổi cơ chế vay, giải pháp trọng tâm được nhiều đại biểu đồng tình là phải tăng thêm sự hỗ trợ về mặt thông tin, thủ tục, liên kết cho khối DNVVN.


Cụ thể, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cần xây dựng Luật DNVVN để tạo hành lang pháp lý, tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ tiếp cận vốn, lãi suất, thuế, mặt bằng, đào tạo nguồn lực... Cùng với đó, cần tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho khối doanh nghiệp này, như xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...


Về góc độ ngân hàng, bà Hà Thu Giang - Phó trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, cần xây dựng Quỹ hỗ trợ DNVVN làm cầu nối cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp cận nhau, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường đầu ra, chủ động gửi danh sách các DNVVN cần vay vốn để các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả. Bà Hà Thu Giang cho biết, Việt Nam cũng đang xúc tiến hoàn thiện trung tâm thông tin tín dụng để có thể cung cấp thông tin cụ thể hơn cho các DNVVN tiếp cận vốn vay.

Hải Quỳnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.