Xã hội

Ngăn thói hành xử côn đồ khi tham gia giao thông

Khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, thậm chí giết người. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và phải làm gì để dẹp bỏ thói ứng xử côn đồ?

Va chạm nhỏ cũng đánh người

Tại Hà Nội, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tài xế vi phạm giao thông, dù chỉ va chạm nhỏ nhưng sẵn sàng chửi bới, gây gổ, hành hung, hủy hoại tài sản của người khác.

Ngăn thói hành xử côn đồ khi tham gia giao thông- Ảnh 1.

Khi va chạm giao thông, cần giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hoá. Hành xử côn đồ sẽ gây hậu quả đáng tiếc. Ảnh: Nguyễn Đạt.

Gần đây nhất, Trần Văn Hiệp (SN 1986, trú tại quận Hai Bà Trưng) lái xe máy chở Trịnh Thịnh (SN 1980) lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao và bị một phụ nữ đi ô tô quay video. Hai đối tượng này đã lạng lách tạt đầu, chửi bới, đập vào xe của người phụ nữ. Hiệp và Thịnh còn chặn đầu, gây gổ với 2 người đàn ông đi trên xe ô tô khác dẫn đến xô xát.

Trước đó, Lê Văn Q (SN 1992, ở Hà Nội) điều khiển ô tô BKS 30G-470.59, đến đoạn cây xăng Xa La, quận Hà Đông nghĩ anh Đ.V.H đi xe máy phía sau va vào nên Q hạ kính chửi rồi xuống xe lao vào đấm đá anh H.

Cũng trong tháng 2/2024, Nguyễn Lê Tuấn Đ. (SN 1991, trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô va chạm với một xe buýt. Sau đó, Đ chửi bới, dùng dao chém vào kính chắn gió, lốp xe gây thiệt hại 18 triệu đồng.

Theo Công an TP Hà Nội, những vụ việc trên chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tính chất, hành vi ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, khi xảy ra va chạm giao thông, một số người trở nên hung dữ, dẫn đến các vụ việc đáng tiếc.

"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ, rất tiếc nhiều người không thấm", thiếu tá Chinh nhìn nhận.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, những vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy sự yếu kém trong văn hóa chung của xã hội, không chỉ riêng trong tham gia giao thông.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhìn nhận: Chỉ vì lý do nhỏ nhặt, nhiều người sẵn sàng dùng hung khí, vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Nên làm gì khi xảy ra va chạm?

Theo thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân cần xử sự đúng quy định pháp luật. Trường hợp bị đối phương gây gổ hành hung, cần ghi âm, ghi hình lại để gửi cơ quan chức năng xử lý.

Phát hiện vi phạm giao thông, gọi ai?

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm có thể ghi nhận bằng hình ảnh, clip. Phản ánh trực tiếp qua số điện thoại 024.3942.4451 hoặc tài khoản Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội". Phòng CSGT sẽ tiếp nhận, kịp thời xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Không nên gây gổ ngược lại vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân, ảnh hưởng giao thông chung. Nếu không kiềm chế được, rất dễ gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng người khác và phải chịu xử lý của pháp luật", thượng tá Công khuyến cáo.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trường hợp xảy ra va chạm, cần bình tĩnh giải thích và giữ khoảng cách với đối phương để tránh đối tượng bất ngờ tấn công, gây thương tích cho bản thân. Nếu đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần chốt cửa xe và gọi cảnh sát.

Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cũng khuyến cáo, quan trọng nhất phải có cách ứng xử phù hợp trong những tình huống nguy hiểm.

"Khi gặp phải một trận loạn đả đông người, với hung khí dao gậy hay súng ống, tốt nhất nên tránh xa và gọi 113, báo CSGT, cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ trên đường tới xử lý", ông Hiếu nói.

"Hãy tránh xung đột ngay khi việc chưa xảy ra. Thực tế, trong các vụ xô xát, người ta chỉ bốc đồng trong một thời điểm dẫn đến hành động mất kiểm soát. Trong tình huống này, cần nói năng mềm mỏng, không đôi co, có thể nhận sai và xin lỗi đối phương. Trường hợp đối phương vẫn cố tình hành hung thì giải pháp khôn ngoan là... chạy.

"Tẩu vi thượng sách" không phải là hèn nhát, mà đó là cách để bạn bảo vệ bản thân", ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm khi đối mặt với những tình huống không mong muốn.

Còn trong tình huống nạn nhân bị "đuổi cùng giết tận", ông Hiếu cho rằng: "Nên nhớ rằng pháp luật dành cho bạn quyền phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp này, nếu gây ra những thiệt hại cho kẻ tấn công thì cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, các vụ ẩu đả khi tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của người liên quan mà còn làm ảnh hưởng an ninh trật tự, gây tắc nghẽn giao thông. Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, người liên quan có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

"Vừa qua, lực lượng công an đã nhanh chóng tiếp nhận phản ánh từ mạng xã hội, báo chí, vào cuộc xác minh, xử lý nhiều vụ. Đây là điều rất cần thiết để răn đe, giáo dục", luật sư Bình nói.

Thượng tá Phạm Việt Công cũng cho biết, người tham gia giao thông nếu gặp những tình huống trên cần chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan chức năng xử lý. Cùng đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần lưu, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm.

"Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, chủ động nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ nhau nếu xảy ra va chạm", Thượng tá Công nói.

Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa nêu ý kiến: "Thói côn đồ trong văn hóa ứng xử tham gia giao thông là điều có thể thay đổi được nếu mỗi cá nhân đều có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật. Có thể từ những hành động nhỏ nhất như dừng xe khi đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm, tuân thủ tốc độ đến việc tuân thủ quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Cùng đó là xử lý nghiêm vi phạm, nếu ở mức hình sự thì cần khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh để tạo sức răn đe, làm gương cho những người khác. Từ đó, tạo ra một môi trường giao thông văn minh, an toàn và thân thiện".

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Không xử lý xuê xoa mới cảnh tỉnh được

Ngăn thói hành xử côn đồ khi tham gia giao thông- Ảnh 2.

Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ chỉ va chạm giao thông nhưng người điều khiển phương tiện lại hành xử rất bạo lực, có tính chất côn đồ, thậm chí có án mạng xảy ra. Đó là những sự việc hết sức đáng tiếc, không đáng có.

Hành vi gây gổ, ngổ ngáo nói trên không chỉ làm mất an ninh trật tự mà còn làm mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người khác.

Để xử lý triệt để hành vi này tôi cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền thì lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm minh. Đến mức xử lý hình sự tội cố ý gây thương tích hay tội gây rối trật tự công cộng thì cương quyết xử lý, không xuê xoa. Xử nghiêm minh mới có thể làm gương cho những người khác.

Ngoài xử lý hình sự, có lẽ cần hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe dài hạn thậm chí vĩnh viễn đối với những người có hành vi côn đồ, bạo lực khi tham gia giao thông.

Khi có những chế tài đủ mạnh kết hợp với tuyên truyền, tôi tin rằng những thói côn đồ khi tham gia giao thông sẽ thuyên giảm.

Phùng Đô (ghi)

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình:

Cần dư luận lên án mạnh mẽ

Ngăn thói hành xử côn đồ khi tham gia giao thông- Ảnh 3.

Các vụ việc xô xát, hành hung người khác sau va chạm là hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân chủ yếu do người tham gia giao thông không tuân thủ quy định pháp luật về trật tự giao thông, dẫn đến vi phạm, gây ra va chạm. Trong lúc sự việc xảy ra, nhiều người không kiềm chế được đã dẫn đến những hành động bột phát, để lại hậu quả.

Vừa qua, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh các vụ việc sau phản ánh của người dân và dư luận. Tuy nhiên, cùng với việc xử lý cần đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền để đề cao lối hành xử văn hoá, văn minh, tạo dư luận mạnh mẽ trong xã hội lên án các thói côn đồ, thói hành xử vô đạo đức, bất chấp pháp luật. Chỉ khi đó mới bớt được những vụ ẩu đả, cãi cọ nếu không may xảy ra va chạm.

Yến Chi (ghi)

Nhiều vụ án mạng chỉ vì va chạm nhỏ

Ngày 15/2, cảnh sát bắt giam T.L.B.Y (16 tuổi, trú TP.HCM) về tội giết người. Do va chạm xe máy, Y đã đâm tử vong anh T.T.T (31 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ngày 5/2, nhà chức trách bắt Nguyễn Cửu Quốc, 30 tuổi, trú tại TP Huế với cáo buộc giết người. Sáng cùng ngày, Quốc đi xe máy va chạm với anh Nguyễn Văn B, 28 tuổi. Quốc đuổi theo và xảy ra cãi vã. B nhặt đá ở vỉa hè ném Quốc nhưng không trúng. Trong lúc xô xát, Quốc rút dao đâm B ba nhát khiến nạn nhân tử vong.

Cuối tháng 12/2023, cảnh sát đã bắt giữ Hứa Minh Quân (SN 1993, quê Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Dao (SN 1985, ngụ TP.HCM) để điều tra hành vi giết người. Trước đó, chỉ vì va chạm xe máy với một người khác, cả hai lao vào đánh đấm, dùng dao đâm tử vong anh N.M.T (SN 1992, quê Quảng Ninh).

Giữa tháng 5/2023, ông L.M.H (54 tuổi, trú tỉnh Phú Yên) đi ô tô va chạm với xe máy của Lê Chí Đ (28 tuổi). Sau khi ngã ra đường, Đ ngồi trước đầu xe ô tô chửi bới. Lúc này, ông H lấy gậy bóng chày bằng kim loại đánh vào chân Đ. Đ giật lấy gậy đánh trúng đầu ông H. khiến ông này ngã xuống đường bất tỉnh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.