Bạn cần biết

Ngày 20/11: Những câu chuyện cảm động về tình thầy trò

20/11/2018, 09:11

Nhân ngày 20/11, hãy cùng nhìn lại những câu chuyện, hình ảnh ấm áp tình thầy trò trên khắp mọi miền đất nước.

k12

 Học sinh khóc òa trong đám tang thầy Văn Như Cương.

Nhiều thế hệ học trò khóc òa trong đám tang thầy Văn Như Cương

Càng tới gần ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người càng không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ lại những hình ảnh ấm áp tình thầy trò, mái trường.

Một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh thời gian qua chính là hàng nghìn học sinh đã xếp hàng dài đón linh cữu thầy Văn Như Cương qua trường vào sáng 12/10/2017. Các học trò hát vang ca khúc “Bài học đầu tiên” để tiễn biệt thầy. Rất nhiều học sinh, cựu học sinh, phụ huynh và những người mến mộ thầy Văn Như Cương đã không cầm được nước mắt khi từ biệt người thầy đáng kính. 

An Giang: Thầy giáo trẻ lấy tiền lương… nuôi học trò nghèo

k13

Thầy Nguyễn Quốc Thắng chuẩn bị cơm cho học trò. Ảnh: Tiền Phong.

Không chỉ chăm lo việc học hành, thầy cô còn như người cha, người mẹ thứ hai, lo cho con trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ.

Thầy Nguyễn Quốc Thắng ở ấp Tà Lọt (xã An Hảo) không chỉ dạy chữ cho học sinh, thầy còn giúp cưu mang bữa cơm cho các em học sinh nghèo. Bằng đồng lương ít ỏi của mình, thầy mua cả chăn, gối, đồ chơi cho học trò để các em bớt khó khăn, kiên trì theo học. 

Võ sư Thanh Loan và lớp võ đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật

k14

Nguồn ảnh: Báo Pháp luật TP HCM

Lớp võ miễn phí đặc biệt với tên gọi “Thế giới là yêu thương” dạy võ Aikido cho những em bị khuyết tật, bệnh tự kỷ, bệnh down và khiếm thị hơn 10 năm nay được xây dựng và vun đắp bằng tình thương và lòng nhân ái của nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan.

Không chỉ là người thầy truyền dạy võ thuật rèn luyện sức khỏe, cô còn là người bạn thân thiết của các học viên.

Giáo viên mầm non vượt qua vách núi dựng đứng đến trường

Để đến trường, các giáo viên mầm non ở Lai Châu phải mang theo lương thực đủ dùng cho một tuần, trèo đèo lội suối, băng qua con đường nhỏ cạnh vách đá dựng đứng.

Những hình ảnh giáo viên mầm non trèo đèo lội suối đến trường do thầy Tô Hồng Điệp, Hiệu trưởng trường mầm non Tà Mít ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người thán phục trước tinh thần chịu khó và niềm đam mê với nghề của các thầy cô giáo vùng cao.

k15

Cảnh vượt vách núi cheo leo nguy hiểm như trong phim hành động của các thầy cô dạy mầm non - ảnh Báo mới.

Để đi từ huyện vào trường, thầy cô phải men theo mỏm đá dọc bờ sông. Lối đi rất nhỏ, chỉ một người đi. Người nọ phải dắt tay người kia, cẩn thận vượt qua vách đá dựng đứng.

Họ còn phải mang theo lương thực mua từ thị trấn cách điểm trường 75 km. Việc mang theo số thức ăn đủ cho một tuần vượt qua quãng đường đồi núi cheo leo, nước sông chảy mạnh, khiến hành trình đến trường của giáo viên vùng cao càng trở nên nguy hiểm.

Nhiều người cho rằng đây là những hình ảnh ấm áp tình thầy trò nhất trong vài năm gần đây.

Thầy giáo vá quần áo cho học trò

Thương cậu học trò nghèo mặc bộ quần áo đã sờn vải, rách nhiều chỗ, thầy giáo Lô Văn Thanh, giáo viên điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) mang kim chỉ vá lại cho trò.

k16

Việc tắm, giặt quần áo, cắt tóc,... cho các em học sinh là công việc thường xuyên của thầy giáo Lô Văn Thanh. Ảnh: báo Vietnammoi

"Thầy Thanh bảo em cởi áo để thầy vá cho. Cả bộ quần áo bị rách gần hết nên thầy Thanh tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ để vá áo quần cho Châu" - thầy giáo Lô Văn Tường, người chụp ảnh thầy Thanh vá quần áo cho học trò kể. Sau 30 phút, bộ quần áo của Châu được vá trông lành lặn hơn.

"Có gì to tát đâu, học trò cũng giống như con mình vậy. Chúng tôi đều có kim chỉ sẵn. Tuy đường may không được khéo léo nhưng tôi thấy thương học trò phải mặc quần áo rách thì tôi vá lại cho trò. Hơn hết để các em cũng biết được mình có tình cảm gần gũi như chính cha mẹ các em" - thầy Thanh nói.

Hàng trăm giáo viên xếp hàng hiến máu cứu học sinh

Sáng ngày 21/2, em Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 6A5, trường THCS Trần Quốc Toản (Quảng Ninh) khi nô đùa đã trèo lên lan can rồi bị ngã xuống đất.

Do mất quá nhiều máu, qua xét nghiệm xác định em thuộc nhóm máu hiếm AB. Để có máu với hy vọng cứu học sinh, Ban Giám hiệu đã ngay lập tức huy động toàn bộ giáo viên trong trường, phụ huynh học sinh đến để thử máu.

k17

Giáo viên, học sinh, phụ huynh xếp hàng dài chờ thử máu để hiến máu cứu học sinh Nguyễn Công Minh. Ảnh: báo Vietnammoi

Có khoảng 200 người xét nghiệm nhưng chỉ có 11 người cùng nhóm máu AB, cuối cùng chỉ 8 người đủ tiêu chuẩn để truyền máu cho Minh. Do quá nguy kịch, cuối ngày 21/2, Nguyễn Công Minh đã qua đời.

Tuy không thể cứu được em, nhưng hành động cao đẹp của giáo viên trường THCS Trần Quốc Toản và các trường học trên địa bàn TP.Hạ Long khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Trong cuộc đời mỗi người, hình ảnh về mái trường, thầy cô bao giờ cũng thật thiêng liêng, cao quý. Đặc biệt, khi một mùa hiến chương Nhà giáo nữa lại về, những hình ảnh lay động trái tim về tình thầy trò ở khắp nơi trên đất nước sẽ phần nào giúp học trò thêm trân quý tình cảm quý mến, "tôn sư trọng đạo" của mình tới những người thầy, người cô đáng kính hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.