Đời sống

Nghề chiếu ở Đồng Tháp khởi sắc sau đêm tái hiện “chợ ma Định Yên”

01/10/2023, 16:18

Sự kiện Đồng Tháp tái hiện “chợ ma Định Yên” vào đầu tháng 9 một lần nữa dấy lên triển vọng về phát triển du lịch theo hướng duy trì bản sắc địa phương.

Tái hiện ký ức

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước đây, làng nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) có "chợ ma Định Yên". Đó là khoảng thời gian của 30 năm trước, lúc này làng nghề phát triển hưng thịnh, chiếu luôn là vật dụng cần thiết của mỗi gia đình.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 5.

Đình thần Định Yên (Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia), nơi diễn ra các buổi "chợ ma Định Yên".

Gọi là "Chợ ma" bởi chợ này thường họp vào lúc nửa đêm, chưa có điện, người dân mang đèn đi họp chợ để bán chiếu cho các thương lái.

Chợ này họp không cố định, nhưng thường trong khoảng thời gian từ 23h ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau. Khu vực sân Đình thần Định Yên (Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia) là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán dưới ánh đèn dầu leo lét.

Điều đặc biệt của "chợ ma" là người mua thì ngồi tại chỗ, còn người bán mang chiếu đi lại rao bán tạo nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân địa phương. Qua thời gian, cùng với sự phát triển của kinh tế, hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, "chợ ma Định Yên" không còn hoạt động.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 6.

Cảnh phục dựng "chợ ma Định Yên".

Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 9 vừa qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp nỗ lực khôi phục, tái hiện lại "chợ ma Định Yên" với sự hào hứng của người dân làng nghề. Buổi thực cảnh diễn ra với không gian tĩnh mịch, tiếng ếch, nhái kêu vang cùng ánh đèn dầu leo lét làm nhiều người nhớ về ký ức tuổi thơ khi gắn mình với làng chiếu Định Yên trăm năm tuổi.

Bà Nguyễn Thị Vân (62 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) nói: "Bốn đời nhà tôi làm nghề dệt chiếu, bán chiếu. Nhờ nghề này mà các anh chị em tôi, các con, cháu tôi có thu nhập ổn định. Chợ ma được tái hiện làm tôi nhớ lại mình hồi nhỏ, nhớ lại ba mẹ, ông bà mình một thời gắn bó với nghề chiếu".

Bà Nguyễn Thị Nhanh, Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chia sẻ, việc tái hiện lại "chợ ma Định Yên" với mục đích quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp đến với du khách trong và ngoài nước. Đây được xem là nét văn hóa chợ độc đáo không những của Lấp Vò mà còn cả tỉnh Đồng Tháp, tồn tại và phát triển trên một thế kỷ qua.

"Sau tổ chức lần này, địa phương sẽ có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để rút kinh nghiệm. Sau đó, huyện xây dựng kế hoạch và kết nối với các công ty lữ hành để đưa khách đến tham quan", bà Nhanh cho biết.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 7.

Khoảng 30 năm trước, người dân làng nghề dệt chiếu Định Yên mua bán chiếu trong ánh đèn dầu leo lét.

Là người con của huyện Lấp Vò, có mặt tại buổi tái diễn "chợ ma Định Yên", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: "Nghề dệt chiếu Định Yên đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ gia đình, từ vốn tích cóp từ bán chiếu, nhiều người con xuất thân từ mảnh đất này đã ăn học thành tài, quay lại cống hiến cho quê hương. Việc tái hiện "chợ ma Định Yên" không chỉ nâng tầm làng nghề dệt chiếu trăm năm tuổi mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Đất Sen hồng".

Khởi sắc làng nghề

Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Các cụ cao niên kể lại, trước đây, Định Yên gồm hai xã Định Yên và Định An ngày nay. Với địa hình thuận lợi nằm dọc sông Hậu có nhiều cồn, bãi bồi thích hợp cho cây lác phát triển, đây là nguồn nguyên liệu để dệt chiếu.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 1.

Công đoạn nhuộm lác để tạo ra sản phẩm chiếu có nhiều màu sắc.

Ngày nay, nghề dệt chiếu ở Định Yên ngày càng phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, người dân phải mua thêm lác chẻ sẵn, phơi khô từ địa phương khác, chủ yếu ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Do yêu cầu phát triển của xã hội và khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhiều hộ chuyển sang dệt chiếu bằng máy để có năng suất, thu nhập cao hơn, số hộ dệt chiếu thủ công ngày càng giảm. Sản lượng chiếu nhiều, hệ thống giao thông phát triển, thương lái vào tận nhà người dân thu mua.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 2.

Ông Võ Thành Nghĩa (55 tuổi) bên chiếc máy dệt chiếu của gia đình.

"So với 10 năm trước thì làng chiếu Định Yên thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang dần khởi sắc", ông Võ Thành Nghĩa (55 tuổi), người dân gắn bó với làng nghề dệt chiếu Định Yên nói và cho biết, mấy năm trước khi làng chiếu trở nên nhộn nhịp trở lại, ông đầu tư thêm 2 máy dệt chiếu thay cho làm tay thủ công như trước. Thiết bị hiện đại giúp sản phẩm làm ra sắc sảo hơn, đáp ứng nhu cầu số lượng lớn cho khách hàng.

Hằng tháng, ông cung cấp ra thị trường 500 chiếc chiếu các loại, tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách. Mỗi chiếc chiếu bán ra, gia đình lời 15.000 đồng.

"Giờ bà con làng chiếu ít ai bán lẻ như trước, mỗi nhà có 1 đến 2 mối, mỗi tháng làm theo đơn đặt hàng. Mối thường đưa trước đủ tiền theo số lượng muốn mua, từ đó mình lấy tiền này đi mua nguyên liệu về làm", ông Nghĩa cho biết thêm.

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 3.

Em Võ Thị Ngọc Huyền (con gái ông Nghĩa) đang giúp gia đình dệt chiếu.

Chiếu đang hút hàng nên cạnh đó, em Võ Thị Ngọc Huyền (con gái ông Nghĩa) cũng đang ngồi một máy để phụ giúp gia đình. Mỗi chiếc máy dệt chiếu có công suất tối đa 15 chiếc chiếu/ngày. 

Cách nhà ông Nghĩa chừng 1km, nhà của bà Huỳnh Thị Lượng cũng đang rộn rã tiếng nói cùng hòa lẫn tiếng cọc cạch của máy dệt chiếu tạo nên không khí sinh động tại làng nghề dệt chiếu Định Yên.

Bà Lượng nói: "Nghề dệt chiếu theo bà từ lúc 10 tuổi cho đến nay cũng đã được 40 năm. Làng nghề có lúc đìu hiu nhưng thời gian gần đây bắt đầu nhộn nhịp trở lại".

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương - Ảnh 4.

Bà Huỳnh Thị Lượng đang lựa lác để chuẩn bị dệt chiếu.

Mỗi chiếc chiếu tùy kích cỡ mà có giá dao động từ 42.000 đồng đến 60.000 đồng/chiếc, góp phần giúp nhiều gia đình gắn bó với làng nghề có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bà Trương Thị Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) thông tin, trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt chiếu Định Yên vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, làng chiếu có trên 800 hộ làm nghề dệt chiếu. Đa số đều sử dụng máy dệt nên năng suất lao động tăng cao.

"Trung bình mỗi năm, làng chiếu Định Yên sản xuất hàng triệu chiếc chiếu các loại như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ… tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP.HCM và xuất khẩu sang Campuchia", bà Diệp thông tin thêm.


Tái hiện "chợ ma Định Yên" để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng gắn với phát triển làng nghề là việc làm cần thiết được tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Do vậy, định kỳ hàng tháng vào ngày 14/10 (30/8 âm lịch), 11/11 (28/9 âm lịch), 9/12 (27/10 âm lịch) tại Đồng Tháp sẽ có khu "chợ ma" để du khách có dịp ghé đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm nhiều điều thú vị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.