Showbiz

Nghệ sĩ vướng ồn ào, nhãn hàng quay lưng

12/07/2022, 06:08

Khi nghệ sĩ vướng ồn ào, các nhãn hàng buộc phải tìm cách xử lý nhanh, chi thêm tiền để thực hiện chiến lược mới.

Để mời được các nghệ sĩ làm đại diện hình ảnh, doanh nghiệp đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ.

Vì thế khi nghệ sĩ vướng ồn ào, các nhãn hàng buộc phải tìm cách xử lý nhanh, chi thêm tiền để thực hiện chiến lược mới.

img

Hoài Linh từng làm đại sứ thương hiệu cho Shopee

Vẫn có “cửa” quay lại khi khán giả nguôi ngoai

Theo ghi nhận, đến ngày 9/7, một số trang về bất động sản, ngân hàng SeABank, bảo hiểm… đã gỡ một số video, hình ảnh có mặt Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh.

Những năm trở lại đây, các doanh nghiệp trở nên khắt khe hơn trong việc lựa chọn gương mặt nghệ sĩ và các điều khoản ràng buộc khi hợp tác với nghệ sĩ. Trong đó, có điều khoản quy định rõ về việc hủy hợp đồng nếu nghệ sĩ dính bê bối làm ảnh hưởng đến nhãn hàng.
Nhãn hàng hầu hết đều sử dụng social listening (theo dõi nội dung thảo luận của cộng đồng mạng) kết hợp với chiến lược kinh doanh, tính chất của bê bối để đánh giá mức độ thiệt hại. Tùy thỏa thuận cho từng trường hợp cụ thể, nghệ sĩ có thể phải bồi thường hợp đồng hoặc chỉ hoàn tiền cọc.

Chuyên gia truyền thông, marketing Chang Trần


Tuy nhiên, các thương hiệu như thời trang YODY, Lof, Prospan, Coca Cola, Tupperware, Bia Hà Nội… vẫn giữ lại hình ảnh của hai nghệ sĩ này.

Trước đó hàng loạt nghệ sĩ trong và ngoài nước nhận kết “đắng”, bị nhãn hàng quay lưng khi vướng scandal. Tuy nhiên, trường hợp như Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh vẫn là hiếm gặp trong showbiz Việt, khi sự việc vẫn chưa có kết luận chính thức.

Gần đây nhất, tháng 3/2022, nữ ca sĩ Hiền Hồ bị Mây Lang Thang - một đơn vị tổ chức show diễn ở Đà Lạt gạch tên khỏi danh sách nghệ sĩ biểu diễn, chỉ ít ngày sau khi cô vướng vào bê bối qua lại với một người đàn ông đã có gia đình.

Hồi tháng 5/2021, sàn thương mại điện tử Shopee từng gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của nghệ sĩ Hoài Linh, được sử dụng trong một chiến dịch marketing của doanh nghiệp.

Sự việc diễn ra trong thời điểm Hoài Linh vướng tai tiếng vì giữ trong tài khoản hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện trong suốt 6 tháng. Ngoài ra, Trấn Thành, Hồ Ngọc Hà, Hải Tú… cũng là những nghệ sĩ bị nhãn hàng ngưng hợp tác sau những bê bối đời tư.

Chuyên gia PR-marketing Hằng Nguyễn nhìn nhận, showbiz Việt đã nhen nhóm việc nhãn hàng tẩy chay với nghệ sĩ vướng scandal. Song, nhìn rộng ra các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển như: Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì hành động này ở Việt Nam vẫn dừng ở mức độ “giơ cao đánh khẽ”.

Đa phần, nghệ sĩ Việt vẫn có cửa quay trở lại làm nghệ thuật ngay sau khi khán giả đã nguôi ngoai hoặc không phải chịu bồi thường nặng nề với nhãn hàng hợp tác.

Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thái độ, tài năng và mức độ, tính chất vi phạm của mỗi nghệ sĩ. Song ở các nước khác như: Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc… nghệ sĩ đa phần đều rơi vào tình trạng kiệt quệ cả về kinh tế và sự nghiệp nghệ thuật.

Kiệt quệ khi vướng scandal

img

Diễn viên Kim Seon Ho

Theo khảo sát, chưa có nhãn hàng nào công khai kiện hoặc yêu cầu nghệ sĩ Việt bồi thường thiệt hại vì dính scandal. Trong khi đó, News1 từng tiết lộ, khi nghệ sĩ Hàn Quốc vi phạm điều khoản hợp đồng, ngoài việc bị thương hiệu yêu cầu chấm dứt hợp đồng, họ còn phải bồi thường cho nhãn hàng cao gấp hai, gấp ba lần so với mức thù lao được đưa ra.

Đơn cử như trường hợp của Kim Seon Ho. Trước ồn ào ép bạn gái cũ phá thai, nam diễn viên kiếm được 400 - 500 triệu won (khoảng 7,2 - 9 tỷ đồng) cho mỗi hợp đồng quảng cáo.

Khi bê bối nổ ra, nam diễn viên phải bỏ ra 5 tỷ won (hơn 90 tỷ đồng) bồi thường khi hơn 10 thương hiệu chấm dứt hợp đồng.

Tại showbiz Trung Quốc, khi giới chức Trung Quốc xử lý nghiêm khắc và siết chặt hoạt động với nghệ sĩ có hình ảnh xấu, còn khán giả trở nên nhạy cảm, sẵn sàng quay lưng với ngôi sao tai tiếng, các thương hiệu cũng không thể “ngó lơ” cho nghệ sĩ.

Lùm xùm trốn thuế của Đặng Luân hồi đầu năm 2022 đã khiến anh đối diện loạt đơn kiện của nhãn hàng. Trong đó, Sohu tiết lộ, có thương hiệu yêu cầu anh trả lại phí quảng cáo là 12,8 triệu nhân dân tệ (46 tỷ đồng), bồi thường thiệt hại 4,8 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỷ đồng) và tổn thất kinh tế 537 nghìn nhân dân tệ (2 tỷ đồng).

Tổng cộng, trong vụ kiện dân sự này, nguyên đơn đòi Đặng Luân phải bỏ ra 18,13 triệu nhân dân tệ (65 tỷ đồng). Ngoài ra, Đặng Luân cũng phải chịu trách nhiệm về các chi phí luật sư và kiện tụng.

Với Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm, sau khi bê bối đời tư bị phanh phui, gần 20 nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh, bài viết liên quan đến họ trong 3 ngày.

img

Diễn viên Trịnh Sảng

Đại diện các thương hiệu cho biết, không thể giữ nguyên hình ảnh của hai nghệ sĩ bởi sự tẩy chay, chỉ trích dữ dội từ công chúng đất nước tỷ dân.

Hay như scandal tình ái xảy ra năm 2010 của tay golf từng đứng số một thế giới Tiger Woods đã khiến vận động viên này mất đi hàng triệu USD hợp đồng quảng cáo, khi bị Gillette, Accenture, AT&T và Gatorade cắt hợp đồng.

Điều tương tự cũng xảy ra với hàng loạt ngôi sao đình đám khác như: Kate Moss, Phạm Băng Băng, Ngô Diệc Phàm…

Là người có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chuyên gia Hằng Nguyễn khẳng định, sự cố truyền thông liên quan đến đại sứ thương hiệu không phải là điều ai cũng muốn và lường trước được.

Trừ những thương hiệu nhỏ, ít tiếng tăm tận dụng bê bối của nghệ sĩ để được biết đến nhiều hơn, đa phần những doanh nghiệp lớn đều muốn “né” lùm xùm để “an yên” làm ăn.

Bởi kể cả đã nhận được bồi thường, thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đang và sắp sửa chạy chiến dịch quảng cáo, truyền thông có sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ vướng ồn ào.

“Để mời được các nghệ sĩ làm đại diện hình ảnh, doanh nghiệp đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Nếu là quay phim quảng cáo ngắn TVC, cát-xê dao động từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng, tùy vào thương hiệu, khối lượng công việc. Khi scandal của nghệ sĩ bùng nổ, nhãn hàng buộc phải cho các sản phẩm này vào “thùng rác” và buộc phải chi thêm kinh phí, nhân lực để thực hiện một chiến lược mới”, bà Hằng Nguyễn phân tích.

Nhìn rộng hơn, chuyên gia truyền thông, marketing Chang Trần đánh giá, trong thời đại công nghệ 4.0, những bê bối của nghệ sĩ sẽ trở thành “ngòi nổ” thông tin trên nền tảng internet chỉ trong thời gian rất ngắn.

Khi quyết định lựa chọn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để lan tỏa, củng cố thương hiệu, hỗ trợ bán hàng, các doanh nghiệp phải chấp nhận cả nguy cơ bị ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.