Du lịch

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế

18/04/2024, 09:00

Hàng nghìn du khách, nhân dân đã đến dự lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tối 17/4 (tức mùng 9/3 âm lịch), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm và khai mạc được tổ chức tại sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024 là sự kiện quan trọng, là dịp để tưởng nhớ và tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế và các vị Tiên đế, tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, tôn vinh Di sản văn hóa và thiên nhiên với các giá trị nhân văn, thuận thiên, bao trùm và bền vững.

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 2.
Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 3.
Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 4.

Hàng nghìn người dân, du khách chen chân đến xem tổ chức lễ kỷ niệm và khai mạc lễ hội.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của Cố đô ngàn năm, để sự nghiệp vĩ đại của đức Đinh Tiên Hoàng Đế luôn sống mãi với thời gian và non sông đất Việt.

Tự hào về mảnh đất sinh ra người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng Đế, với ý chí và khát vọng vươn lên, trong những năm qua, Ninh Bình đã luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy truyền thống hào hùng của cha ông và tiềm năng, lợi thế, nhất là giá trị truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 5.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Tại buổi lễ, các đại biểu và du khách được chiêm ngưỡng những tiết mục văn hóa nghệ thuật, tái hiện lại thân thế, sự nghiệp và quá trình bảo vệ đất nước của đức Đinh Tiên Hoàng Đế.

Ngược dòng lịch sử lưu truyền: Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924) tại làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha ông là Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ, quê làng Đại Hữu; mẹ là Đàm Thị.

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 6.

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khởi trống khai hội.

Sau khi dẹp loạn 12 xứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu Thái Bình, lấy Hoa Lư làm Kinh đô, khai mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới, thống nhất giang sơn, phục hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, tiếp tục củng cố vững chắc nền tự chủ, độc lập dân tộc mà họ Khúc, họ Ngô trước đó đã giành được sau ngàn năm Bắc thuộc.

Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 7.
Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 8.
Nghìn người chen chân ở lễ hội Hoa Lư, kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế- Ảnh 9.

Những tiết mục văn hóa nghệ thuật tái hiện lại thân thế và sự nghiệp của đức Đinh Tiên Hoàng Đế.

Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; xây dựng cung điện, thiết chế triều nghi; thực hiện chế độ quân sự "ngụ binh ư nông"; chia đất nước thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập; tập trung chăm lo phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp; xây dựng nền văn hóa đặc sắc, cho phát hành tiền "Thái Bình Hưng Bảo" - tiền kim loại đầu tiên của Việt Nam, khẳng định dấu ấn của nền tài chính độc lập thời sơ khai.

Qua đó đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập dân tộc, vị thế quốc gia, lòng tự tôn, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí phục hưng dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho định đô Thăng Long - Hà Nội và thúc đẩy hình thành nền văn minh Đại Việt.

Sau khi Đức vua mất, quần thần đã suy tôn là Tiên Hoàng Đế. Kế tục sự nghiệp huy hoàng của Đinh Tiên Hoàng Đế, triều đại nhà Tiền Lê, rồi nhà Lý đã lãnh đạo quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi, xây dựng Đại Cồ Việt trở thành quốc gia hưng thịnh, vươn lên mạnh mẽ trong cấu trúc quyền lực khu vực lúc bấy giờ.

Tri ân công đức của ông, nhân dân và thể chế nhà nước các thời kỳ đã cho lập đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hằng năm tổ chức Lễ hội Hoa Lư - lễ hội lớn, được tổ chức như Lễ trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.