Hồ sơ tài liệu

Ngoại giao “cây tre Việt Nam”, bắt đầu từ những điều dung dị

17/12/2021, 10:09

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình ảnh “cây tre Việt Nam” để gửi gắm thông điệp đầy dung dị và ấn tượng tới ngành đối ngoại, ngoại giao.

Thông điệp được nêu bật trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào đầu tuần này. Đón nhận thông điệp "cây tre Việt Nam", hơn ai hết, các Đại sứ - những người trực tiếp “mang chuông đi đánh xứ người” vô cùng thấm và ngấm.

Linh hoạt mà sáng tạo

Chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông bên lề hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cảm nhận: “Hình ảnh cây tre là biểu tượng cho sự cứng cáp, vững chãi trong phong ba bão tố nhưng lại có sự mềm dẻo để bảo đảm tồn vong phát triển. Khi phong ba bão táp qua đi, cây tre lại vươn thẳng phát triển.

Ngoài ra, cây tre có đặc tính liên kết rất mạnh mẽ. Từng cây tre mỏng manh liên kết với nhau tạo thành thế vững chãi, không gì phá vỡ nổi. Cây tre mỏng manh còn mang đặc tính rất mộc mạc nhưng đầy linh hoạt, uyển chuyển”.

Ví dụ điển hình cho đặc tính linh hoạt này có lẽ phải kể đến cách làm đầy nhanh nhạy và sáng tạo khi đưa mì Quảng của Việt Nam sang Nhật Bản của Đại sứ Vũ Hồng Nam.

img

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam trực tiếp tới siêu thị giới thiệu, quảng bá vải thiều tại Nhật Bản

Ở một chia sẻ bên lề khác, ông Nam kể, trong dịp APEC năm 2017, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được lãnh đạo Việt Nam là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) mời ăn mì Quảng, Đại sứ Nam đã linh hoạt tận dụng ngay cơ hội để quảng bá món ăn này tới người Nhật.

Khi chi tiết này xuất hiện trên trang Nikkei - tờ báo chuyên về kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản, người dân sở tại đã rất chú ý và thích thú tìm hiểu về mì Quảng.

Nhân dịp đó, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã tổ chức luôn một nhóm đầu bếp gồm các nghệ nhân, đưa công cụ nấu mì Quảng sang và mời nhiều bạn bè người Nhật tới thưởng thức. “Ấn tượng với món ngon của Việt Nam, nhiều người đã gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để hỏi địa chỉ bán và thắc mắc tại sao một món ngon như vậy lại chưa xuất hiện tại Nhật”, ông Nam chia sẻ.

Hay như chuyện giới thiệu nông sản của Việt Nam, trong một lần đi thăm bảo tàng địa phương, Đại sứ Vũ Hồng Nam gặp một nhóm học sinh phổ thông.

Ông không ngại ngần bắt chuyện với các em, hỏi han. Các bạn trẻ Nhật đã biết đến cụ Hồ, về nước Việt Nam anh hùng nhưng gần như không ai biết về những nông sản nổi tiếng của Việt Nam.

Đại sứ lập tức giới thiệu cho các em quả vải, thậm chí còn gửi một thùng vải tới trường.

Rất nhiều em thích thú và chia sẻ trải nghiệm của mình qua Facebook, giục bố mẹ mua loại quả này. Đến mức, không ít phụ huynh phải liên lạc tới chuỗi siêu thị lớn để hỏi.

“Giám đốc chuỗi siêu thị đó phải gọi cho tôi, nói là họ chưa kịp quảng bá mà mình đã làm, khiến người dân gây sức ép”, ông Nam kể.

Sau vô vàn nỗ lực đơn giản, linh hoạt và nhanh nhạy đó, hiện nay, quả vải đã được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản, đến mức luôn “cháy hàng”. Nếu như năm 2020 chúng ta chỉ xuất khẩu 10 tấn vải thiểu từ Việt Nam sang Nhật Bản thì đến năm 2021, lượng vải thiều xuất khẩu đã tăng vọt lên 50 tấn.

Bên cạnh đặc tính kể trên, chia sẻ với Báo Giao thông, Đại sứ Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình tham gia đàm phán, thương thảo, người làm ngoại giao luôn phải đảm bảo - những gì đã là nguyên tắc, là lợi ích quốc gia dân tộc thì kiên quyết không bao giờ được từ bỏ. Với vấn đề biên giới, chủ quyền… mà bao đời nay ông cha ta gây dựng, chúng ta không lùi dù chỉ một phân.

Nhưng trước những sự hung hăng, chèn ép của đối tác thì chúng ta cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, bền bỉ, tránh đổ vỡ đàm phán. Vì một khi đã quay lưng lại với nhau, hai bên không còn kênh nào để trao đổi thông tin, rất dễ dẫn đến nguy cơ xung đột”.

Mềm dẻo mà kiên cường

img

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28

Với Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, ông nhớ lại, từ cách đây nhiều năm, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến biểu tượng cây tre nhưng lần này, Tổng Bí thư đã phát triển rõ ràng hơn hình tượng cây tre gắn chặt với ngoại giao.

Theo cảm nhận của Đại sứ Khôi, ý nghĩa quan trọng nhất của hình ảnh cây tre đó là sự kiên cường, mềm dẻo và linh hoạt.

Nhìn lại quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cũng như từ khi thành lập Nhà nước đến nay, nền ngoại giao của chúng ta luôn đi theo hướng như vậy.

Đại sứ Khôi nhớ lại: “Tôi từng tham gia một số cuộc đàm phán. Có thể thấy rõ nhất là đàm phán về biên giới trên bộ với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán thời kỳ đầu hết sức khó khăn, phức tạp, có những lúc rất căng thẳng, lời lẽ nặng nề.

Nhưng trong tình hình đó chúng ta thể hiện thái độ hòa hiếu, hữu nghị để giữ đàm phán tiến triển, không vì những hoàn cảnh trong đàm phán, không vì những phát biểu nặng nề mà để đàm phán đổ vỡ”.

Và kết quả là năm 1999, chúng ta đã ký hiệp ước với Trung Quốc tiến hành phân giới cắm mốc. Việc phân giới cắm mốc hoàn thành năm 2009.

Từ đó đến này, toàn bộ biên giới trên bộ hơn 1.400km tiếp giáp với Trung Quốc là tuyến biên giới hòa bình hữu nghị. 7 tỉnh biên giới phía Bắc phát triển rất tốt.

“Đó là kết quả của quá trình đàm phán vừa kiên trì, giữ vững nguyên tắc lập trường, vừa mềm mỏng, linh hoạt để đạt kết quả cuối cùng, ông Khôi nói.

Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành đối ngoại, ngoại giao Việt Nam

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Đó là:”Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến,” “lạt mềm buộc chặt”!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.