Y tế

Người “dắt tay” ngàn bệnh nhân đột quỵ từ cửa tử trở về

27/02/2023, 06:30

PGS.TS.BS Mai Duy Tôn cùng các đồng nghiệp đã biến điều “không thể thành có thể” với nhiều cú ngược dòng cứu bệnh nhân đột quỵ thoát cửa tử.

Ngược dòng đưa người bệnh đột quỵ tìm lại sự sống

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, PGS.TS.BS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai không thể nhớ mình cùng các đồng nghiệp đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ. Thế nhưng hàng ngàn bệnh nhân nhớ tới PGS. Duy Tôn cùng với các y bác sĩ tại BV Bạch Mai, những ân nhân đã giúp họ thoát cửa tử về bên gia đình.

img

BS. Mai Duy Tôn thăm khám cho một bệnh nhân đột quỵ

Một trong số ca bệnh ngoạn mục hồi sinh đó là bệnh nhân Bae Hyo N., 46 tuổi, người Hàn Quốc, sống và làm việc tại Việt Nam. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều trong buổi chơi golf cùng đối tác tại Hòa Bình vào một buổi chiều cuối năm 2020. Sau khi nhanh chóng được cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, với chẩn đoán chảy máu dưới nhện, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Nghi ngờ nguyên nhân do dị dạng mạch não, BS. Tôn cùng đồng nghiệp chỉ định bệnh nhân chụp mạch não và phát hiện chảy máu dưới nhện lan tỏa. Đây là một tổn thương có vị trí khó, phức tạp và tinh vi.

Nhận định đây là một ca đột quỵ nặng, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu, ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa và tiến hành can thiệp mạch. Vị trí mạch máu não tổn thương là một vị trí rất nguy hiểm, can thiệp rất khó khăn, và có nguy cơ biến chứng nhồi máu vùng thân não rất cao. Ca can thiệp kéo dài suốt 1 giờ đã thành công sau những quyết định cân não của ê kíp mổ. Và sau 12 ngày tích cực điều trị, bệnh nhân đã dần ổn định, tiến triển tốt và được xuất viện.

Hay có ca đột quỵ nguy kịch, nhồi máu não tắc mạch lớn có chỉ định lấy huyết khối cơ học, chuyển từ Hải Dương khi đó đang ở tâm dịch đợt dịch Covid-19 thứ 2, lên Bệnh viện Bạch Mai. Khi tiếp nhận bệnh nhân vô cùng nặng, nếu không kịp thời can thiệp chắc chắn tử vong, trong khi không có người nhà ký cam kết, không có người thanh toán viện phí. “Cứu tính mạng bệnh nhân là trên hết’, với suy nghĩ đó, BS. Tôn cùng ê kíp nhanh chóng phẫu thuật can thiệp và ca mổ đã thành công.

BS. Mai Duy Tôn chia sẻ: “Tôi nhớ nhất ca đột quỵ được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết đầu tiên vào năm 2009. Chúng tôi phối hợp với Trung tâm điện quang lấy huyết khối cho người bệnh đột quỵ và bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Nhưng chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân tái phát. Và lần thứ 2 này chúng tôi đã kịp thời cấp cứu. Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau đó và sống mạnh khỏe đến bây giờ. Chính sự thành công cả ca bệnh này là động lực cho tôi cùng đồng đội vững bước với con đường mình đã chọn”.

img

PGS.TS.BS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai

Đau đáu với chuyên ngành đột quỵ

Năm 2007 là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của PGS.TS. Mai Duy Tôn, khi ấy đang là bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, anh được cứ đi học tập tại Mỹ. Và ở đó BS. Tôn gần như choáng ngợp bởi những ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ đã giúp tỷ lệ bệnh nhân hồi phục rất tốt, ít để lại di chứng. Trong khi ở thời điểm này, tại Việt Nam bệnh nhân đột quỵ gần như không có cơ hội cứu sống, một là tử vong, hoặc có sống thì gần như tàn phế.

img

BS. Mai Duy Tôn kiểm tra sức khỏe cho 1 bệnh nhân đột quỵ đang trong quá trình hồi phục sau can thiệp

Chính điều này thôi thúc anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đột quỵ của thế giới để đưa về ứng dụng tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân đột quỵ trong nước.

Nhận được sự ủng hộ từ bệnh viện, năm 2009, BS. Tôn cùng ê kíp đã ứng dụng kỹ thuật tiêu huyết khối trên bệnh nhân đột quỵ và cho kết quả rất ngoạn mục. Với kỹ thuật tiêu sợi huyết, nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc 1 tiếng đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1 - 2 ngày sau ra viện. Đến nay, kỹ thuật này được phổ biến ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân đột quỵ.

Chưa dừng lại đó, BS. Mai Duy Tôn tiếp tục nghiên cứu, học tập chuyên sâu về chuyên ngành đột quỵ. Mạnh dạn đề xuất và được sự ủng hộ của ban lãnh đạo, lần lượt Đơn vị Đột quỵ (thuộc A9) rồi Trung tâm Đột quỵ với sự dẫn dắt của BS. Mai Duy Tôn được thành lập chuyên điều trị bệnh nhân đột quỵ và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu.

Theo BS. Tôn, cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải phối hợp đa chuyên khoa, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để áp dụng các kỹ thuật điện quang mới nhất trong chẩn đoán, điều trị lấy huyết khối cơ học cho bệnh nhân tắc mạch lớn, can thiệp mạch cho bệnh nhân vỡ phình mạch; Phối hợp với Khoa Phẫu thuật thần kinh để xử trí các ca cần phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình mạch, mở sọ cho ca nhồi máu não và việc phối hợp đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, bệnh nhân đột quỵ cũng được tập phục hồi chức năng sớm để hồi phục và hạn chế di chứng.

Nhằm đáp ứng hơn nữa công tác điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, đòi hỏi bác sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành đột quỵ, giúp việc cấp cứu tốt hơn, năm 2022, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn Đột quỵ đầu tiên ở Việt Nam.

“Tôi hy vọng từ nay đến năm 2025, theo quy định của Bộ, các bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh thành lập Khoa Đột quỵ, tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, để khi người bệnh không may đột quỵ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế.

Thời gian tới, chúng tôi đề xuất xây dựng quy trình triển khai kỹ thuật mới cho bệnh nhân đột quỵ. Kỹ thuật này giúp đánh giá theo dõi và hỗ trợ hồi sức và điều trị các bệnh nhân đột quỵ nặng được tốt hơn”, BS. Tôn chia sẻ thêm.

PGS.TS.BS. Mai Duy Tôn (SN 1976), Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Mai Duy Tôn nhận học vị Tiến sĩ y khoa năm 2013, nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2016 (và là Phó Giáo sư trẻ nhất trong ngành y tại thời điểm đó).

Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên nhận học vị Thạc sĩ đột quỵ não của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ thế giới năm 2018.

Mới đây, PGS. Mai Duy Tôn đã được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.