Xã hội

Người đi xe máy tá hỏa vì bị phạt nguội cả trăm lần

02/04/2024, 10:34

Khi CSGT các địa phương tăng cường xử phạt nguội, nhiều người điều khiển xe máy tá hỏa bởi nhận được giấy phạt cả chục triệu đồng với hàng trăm lần vi phạm.


Những lỗi phổ biến bị phạt nguội

Mới đây, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang qua trích xuất camera giám sát giao thông ở địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm giao thông với tần suất lớn trong một tháng.

Người đi xe máy tá hỏa vì bị phạt nguội cả trăm lần- Ảnh 1.

Hình ảnh phương tiện vi phạm được CSGT Bắc Giang trích xuất

Cụ thể, từ ngày 1/2 - 29/2, công an huyện này ghi nhận xe máy BKS 98D1 - 646.XX của chị N.T.T (ở huyện Hiệp Hòa) có 26 lần vi phạm, trong đó có 10 lần vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, 16 lần vượt đèn đỏ. Tổng cộng mức phạt của 26 lần vi phạm này là 15,4 triệu đồng.

Hay như trường hợp của anh T.V.T, chủ sở hữu xe máy mang BKS 98D1 - 004.XX. Anh T tỏ ra rất bất ngờ khi nhận 24 biên bản phạt nguội với 5 lần vượt đèn đỏ, 19 lần không đội mũ bảo hiểm. Tổng số tiền phạt của 24 lần vi phạm là 14 triệu đồng.

Công an huyện Hiệp Hòa thông tin, chỉ trong tháng 2, hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn huyện ghi nhận 100 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông với tần suất từ 12 lần trở lên. Trong đó, phổ biến là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không đội mũ bảo hiểm. Trên cơ sở đó, CSGT đã gửi thông báo vi phạm đến các chủ phương tiện. Đến ngày 17/3, Công an huyện đã lập 82 biên bản, tạm giữ 6 xe máy.

Tại Vĩnh Phúc, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 7/3 - 14/3), Công an tỉnh đã phát hiện và ghi nhận 436 xe máy vi phạm giao thông với tần suất nhiều lần. Điển hình, xe BKS 88F1 - 361.XX, chủ xe ở huyện Yên Lạc bị ghi nhận tới 126 lần vi phạm; xe BKS 88K1 - 314.XX, chủ xe ở huyện Tam Dương có 111 lần vi phạm.

Hàng loạt các xe khác như BKS 88L1 - 604.XX; 88B1 - 346.XX; 88L1 - 134.XX; 88B1 - 350.XX… đều vi phạm giao thông trên dưới 70 lần.

Người vi phạm bất ngờ

Tường trình với cơ quan chức năng khi đến làm việc, hầu hết người vi phạm đều thừa nhận các lỗi vi phạm sau khi xem đầy đủ hình ảnh do cảnh sát cung cấp. Họ đưa ra nhiều lý do như "nhà gần không cần đội mũ", "do vội và đường vắng nên vượt đèn đỏ" và rất bất ngờ khi bị phạt nguội, đinh ninh rằng CSGT sẽ rất khó xử lý như ô tô.

Người đi xe máy tá hỏa vì bị phạt nguội cả trăm lần- Ảnh 2.

CSGT Hà Nội kiểm tra thông tin vi phạm của phương tiện qua điện thoại di động.

Tại Hà Nội, Phòng CSGT Công an thành phố cũng thường xuyên triển khai phạt nguội các phương tiện vi phạm qua hình ảnh, gồm cả xe ô tô và xe gắn máy. Đây là những hình ảnh không chỉ được hệ thống camera giám sát giao thông ghi lại, mà còn do người dân cung cấp. Những vi phạm này còn được cập nhật vào dữ liệu chung của CSGT để CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường có thể dừng xe trực tiếp và lập biên bản xử phạt.

Chỉ huy Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, đơn vị đang thường xuyên phối hợp với Trung tâm chỉ huy và Đội điều khiển đèn tín hiệu xử phạt vi phạm qua hình ảnh. Khi lực lượng túc trực tại hệ thống giám sát camera phát hiện người điều khiển xe vi phạm, sẽ gửi hình ảnh cho tổ CSGT đang tuần tra, kiểm soát tại khu vực đó để dừng phương tiện, thông báo lỗi và lập biên bản.

"Bằng hình thức dừng xe trực tiếp xử phạt những lỗi vi phạm được phát hiện qua camera trước đó, mỗi tháng Đội 1 đã lập biên bản xử lý khoảng 50 - 100 tài xế. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ và đi sai làn", đại diện Đội CSGT số 1 cho hay.

Nâng cao hiệu quả phạt nguội

Việc phạt nguội vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm của xe máy đã được CSGT trên toàn quốc áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, tỷ lệ đến nộp phạt rất ít. Bởi xe máy không phải đăng kiểm định kỳ như ô tô, nên khi nhận được biên bản, chủ xe cũng "phớt lờ". Ngoài ra, tỷ lệ xe máy chưa sang tên đổi chủ còn rất lớn, dẫn đến tình trạng giấy thông báo phạt nguội không đến được với chủ sở hữu thực tế.

Kể từ khi Thông tư 24 của Bộ Công an về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh có hiệu lực (từ ngày 15/8/2023), các hình ảnh vi phạm giao thông đều được lưu lại trên hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành. Nếu chiếc xe đó vi phạm ở bất cứ đâu, vào một thời điểm khác mà các tổ công tác dừng trực tiếp, CSGT chỉ cần tra cứu hệ thống là có căn cứ xử phạt. Cách áp dụng linh hoạt kết hợp giữa phạt nguội và dừng xe trực tiếp giúp tăng cường hiệu quả của phạt nguội.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó cục trưởng Cục CSGT, khi người tham gia giao thông có vi phạm, hệ thống camera giám sát sẽ truyền hình ảnh về trung tâm chỉ huy giao thông. Từ đây, lực lượng CSGT kiểm tra hình ảnh đối với phương tiện, xác minh thông tin và lập biên bản. Tiếp đó, biên bản được gửi đến nơi mà chủ phương tiện đăng ký cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu để thông báo về lỗi vi phạm và thời gian giải quyết việc xử phạt vi phạm hành chính.

"Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm vẫn cố tình không đến thực hiện nghĩa vụ nộp phạt", thiếu tướng Mừng nói và cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Để khắc phục tình trạng trốn tránh nộp phạt, Cục CSGT đã và đang phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương, công an cấp xã. Sau khi hệ thống dữ liệu cập nhật được hoàn thiện hơn, Cục sẽ gửi thông báo kịp thời về các địa phương để người vi phạm biết và chấp hành quy định.

Thiếu tá Trần Quang Chinh (Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho rằng, hiện nhiều biển số xe máy đang ở dạng 3 hoặc 4 chữ số, xe cũ nát hay xe qua nhiều đời chủ và chưa được định danh.

"Cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt đối với những chủ xe máy chưa sang tên đổi chủ để định danh biển số. Khi các biển số xe mô tô, xe gắn máy đã được về với chính chủ, tức là đã định danh như biển số xe ô tô, cơ quan chức năng dễ dàng thực hiện xử phạt vi phạm qua hình ảnh", thiếu tá Chinh cho hay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.