Quản lý

Người ngành giao thông đẹp hơn nhờ “4 xin, 4 luôn”

10/03/2016, 13:57

Hai năm qua, “4 xin, 4 luôn” đã góp phần xây dựng hình ảnh người ngành giao thông đẹp hơn trong mắt người dân.

4

Ngành GTVT tạo hình ảnh đẹp trong xã hội với phong trào “4 xin, 4 luôn”. (Trong ảnh: Nhân viên đường sắt tận tình, niềm nở giao tiếp với hành khách) - Ảnh: Ngô Vinh

Nét đẹp người ngành giao thông

Một trong những đổi thay tích cực của ngành GTVT được người dân ghi nhận là hình ảnh CBCNV lịch sự, thân thiện, nhiệt tình hơn khi giao tiếp, phục vụ nhân dân, khách hàng. Đó là kết quả của phong trào thực hiện văn hóa ứng xử giao tiếp “4 xin”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ” mà Công đoàn GTVT Việt Nam phát động từ tháng 5/2014.

Trên chuyến tàu về Huế, bác Nguyễn Văn Tụ, giảng viên Đại học Ngoại ngữ Huế phấn khởi: “Từ ngày có phong trào “4 xin, 4 luôn”, tôi thấy nhân viên ngành Giao thông thay đổi hẳn, lịch sự hơn. Đi tàu bây giờ đẹp hơn, sạch sẽ hơn, nhân viên phục vụ nhiệt tình hơn”.

"Phong trào “4 xin, 4 luôn” tạo dựng nét đẹp văn hóa của người ngành giao thông, vì vậy cần tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa với những nội dung, chương trình cụ thể để đem lại hiệu quả thực sự. Tiếp tục duy trì và phát huy các biện pháp đang thực hiện, nhất là đa dạng các hình thức tuyên truyền. Đặc biệt, truyền thông mạnh mẽ, rộng rãi không chỉ đến từng người lao động mà còn tạo sức lan tỏa đến với cả người dân”.

Ông Đỗ Nga Việt
Chủ tịch Công đoàn GTVT VN

Cũng theo bác Tụ, trên những con đường cao tốc, người đi đường cũng rất ấn tượng về đội ngũ nhân viên thu phí lễ phép, luôn nở nụ cười cảm ơn khi nhận tiền, trả vé.

Nhưng để có được những nụ cười, lời nói, hành động đi vào lòng người ấy trong một môi trường làm việc vất vả, cực nhọc không phải ngày một ngày hai mà có được. “Nói thì dễ nhưng để mỗi CBCNV thực hiện hàng ngày có nề nếp, tự giác đòi hỏi cả quá trình tuyên truyền, vận động và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, công đoàn, đoàn TN các cấp trong toàn ngành”, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cho biết.

Để hiện thực hóa “4 xin, 4 luôn”, hai năm qua, Công đoàn đã niêm yết công khai các nội dung của phong trào thi đua tại trụ sở cơ quan và trong phòng làm việc; Xây dựng các chương trình hành động cụ thể, ban hành bổ sung nội quy, quy chế trong việc thực hiện văn hóa ứng xử. Tùy từng đặc thù nghề nghiệp, công việc, các đơn vị qui định cụ thể nội dung cần thực hiện trong quan hệ ứng xử, giao tiếp giữa các đồng nghiệp, giữa cấp trên với cấp dưới; Giữa người thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị với người dân, với khách hàng, với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành.

Từ đó, mỗi cán bộ CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn GTVT VN ý thức trách nhiệm của mình trong quan hệ giao tiếp, ứng xử hàng ngày để việc thực hiện phương châm “4 xin” và “4 luôn” trở thành nét đẹp văn hóa luôn hiện hữu trong mỗi CNVCLĐ ngành GTVT, tạo dựng nên những giá trị văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Loại bỏ phong trào kiểu hình thức

Gần hai năm thực hiện phong trào “4 xin, 4 luôn” đã tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng trong toàn thể cán bộ CNVC-LĐ, góp phần xây dựng nên hình ảnh người ngành giao thông chuyên nghiệp, thân thiện. Nhưng làm thế nào duy trì được lâu dài cũng như phát triển sâu rộng hơn nữa phong trào, tạo sức lan tỏa trong toàn thể CBCNV, hình thành nên nét đẹp văn hóa người ngành giao thông?

“Không có chuyện làm phong trào kiểu hình thức, lúc đầu rầm rộ, sau lụi dần. Ngành GTVT đã xây dựng được phong cách lời nói đi đôi với việc làm, đã nói là làm và đã làm là làm đến nơi đến chốn. Vì vậy, thời gian tới, Công đoàn GTVT VN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp, hoạt động sao cho phong trào đi vào cuộc sống, gắn với người lao động, gắn với chất lượng công tác phục vụ”, ông Việt khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Phượng, nhân viên Đội thu phí số 1, Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chia sẻ: “Ban đầu thực hiện, lúc nào cũng phải mỉm cười, thưa gửi với các lái xe, mình thấy hơi gượng ép. Lâu ngày thành thói quen, giúp mình thân thiện, gần gũi, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh”.

Ở góc độ quản lý, ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho rằng, cần thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của CBCNV. “Chúng ta có phương tiện vận tải, thiết bị hiện đại nhưng phục vụ không tốt, hành khách vẫn đánh giá thấp và dần mất lòng tin”, ông Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.