Tài chính

Người nuôi trai nước ngọt lấy ngọc kiếm tiền tỷ

16/07/2023, 07:00

Ngọc trai có thể chế tác thành nhiều loại trang sức đẹp, sang trọng và vốn được nuôi cấy ở những khu du lịch biển như Phú Quốc, Côn Đảo...

Ít ai ngờ, giờ đây loại “vàng trắng” này được một cựu quân nhân nuôi cấy thành công ngay trên triền đồi thuộc xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đã có đơn hàng chục tỷ đồng

img

Cựu quân nhân Nguyễn Kiêm Khánh đã nuôi trai nước ngọt lấy ngọc thành công.

Sau nhiều lần hỏi thăm, PV cũng tìm được đến khu nông trang Ngọc Khánh Pearl. Đây chính là “thủ phủ” mà ông Nguyễn Kiêm Khánh (một cựu quân nhân) nuôi cấy, chế tác ngọc trai.

Khu vườn đồi và hồ nước khoảng 17.000m2 này ngoài phục vụ nuôi ngọc trai còn là một địa điểm tham quan du lịch của thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.

Ông Khánh hăm hở đón PV từ cổng và dẫn ngay xuống hồ nước bao quanh đồi khoảng hơn 1.000m2. Chỉ về phía những chiếc phao tròn như quả bóng xâu chuỗi, xếp thành hàng nổi trên mặt nước, ông Khánh giới thiệu đó chính là lồng nuôi trai. Hiện trang trại đang nuôi khoảng 10.000 - 12.000 con, tương đương 7 - 8 tấn trai.

Bốc trong hộp ra một vốc nhỏ những viên ngọc trai tròn, sáng bóng xếp lên nhau đều đặn trong lòng bàn tay, ông Khánh cho biết, ở mỗi môi trường nước khác nhau, ngọc trai cho màu khác nhau.

Ngọc trai nuôi ngoài biển, nước mặn sẽ có màu sáng trong, có những viên đột biến có màu đen. Còn ngọc trai nuôi trong môi trường nước ngọt cho ra đa sắc màu: Màu vàng kiểu đồng thau, màu sáng trong, màu đen, có cả màu pha trộn giữa trắng và đồng.

Cũng theo ông Khánh, hiện nay, ngọc trai giả trên thị trường rất nhiều. Nhưng nếu có kinh nghiệm, cũng rất dễ để phân biệt. Ngọc trai thật nặng hơn, khi xước chỉ cần lau qua là hết, hơ trên lửa không bị cháy, sun lớp vỏ. Ngược lại, ngọc trai giả nhẹ, không xử lý được vết xước và bị sun khi hơ qua lửa.

“Từ khi bắt đầu nuôi cấy đến khi thu hoạch, những viên ngọc trai nhỏ khoảng 3mm cần thời gian 2 - 3 năm/vụ, viên to khoảng 5mm mất từ 3 - 5 năm/vụ”, ông Khánh giới thiệu.

Không tiết lộ doanh thu nhưng ông Khánh cho biết, cùng với khai thác lợi thế du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Ba Vì, ngọc trai do ông sản xuất, chế tác đã có mặt trong các quầy bán sản phẩm quà tặng ở các khu du lịch trên địa bàn.

Thời gian tới, ông sẽ mở những cửa hàng của riêng mình, chuyên chỉ bán ngọc trai và sản phẩm chế tác từ ngọc trai của Ngọc Khánh Pearl.

Hiện nay, ông cũng đã có những đơn hàng cả chục tỷ (hàng loại 1 giá khoảng 22.000USD/kg. Mỗi đơn hàng khoảng 20kg, tương ứng 24.000 viên ngọc) đến từ Nhật Bản, Trung Quốc. Nhưng với yêu cầu trữ lượng lớn, ông chưa thể đáp ứng.

Chính vì vậy, ông tính liên kết với nhiều hộ gia đình có lợi thế về mặt nước để đào tạo, dạy nghề, thành lập hiệp hội phát triển ngọc trai, đẩy mạnh sản xuất để gia tăng số lượng, hướng tới hợp tác quốc tế. Hiện đã có 6 gia đình tham gia.

Bài học từ việc 8 tấn trai bị chết

img

Hồ nuôi trai lấy ngọc của ông Nguyễn Kiêm Khánh.

Nhớ lại những ngày đầu nuôi trai, ông Khánh kể, khi còn công tác trong quân ngũ, ông thường lui tới khu vực lòng hồ Đồng Mô (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) tham quan, vãn cảnh.

Ông cũng đã lựa chọn được một thửa đất khoảng 7.000m2 tính để an hưởng tuổi già.

Khi về hưu, đi du lịch Phú Quốc (năm 2018), ông rất hứng thú với nghề nuôi trai lấy ngọc và nhận thấy khu vực Kim Sơn (ven hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) rất có tiềm năng.

Do đó, ông đã mang nước ở đây đi xét nghiệm và kết quả phù hợp để nuôi trai lấy ngọc. Sau đó, ông xách ba lô đi học nghề.

Trước đó, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Địa phương tận dụng đặc điểm văn hóa, nghề truyền thống và lối sống của người dân thôn Lòng Hồ để xây dựng các tour du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Trong đó, phát triển mô hình nuôi trai lấy ngọc ở thôn Lòng Hồ đã được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu Ngọc Khánh Pearl và mô hình trở thành điểm tham quan thú vị khi đến thôn Lòng Hồ. Ngoài tập trung nuôi, chế tác, trưng bày ngọc trai, cảnh quan môi trường cũng rất hấp dẫn, phù hợp với khách tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế.

Ông Hà Việt Phong, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Sơn Tây


Tuy nhiên, để có những mẻ ngọc, ông cũng đã phải trả giá bằng không ít thời gian, tiền bạc. Trong đó phải kể đến là bài học đổ đi hơn 8 tấn trai.

Ông Khánh nhớ lại, hồi ấy, sau khi “tầm sư học đạo” được một số kiến thức cơ bản, ông đã thuê mặt nước và nhập ngay 8 tấn trai (khoảng 128 triệu đồng) về đổ xuống hồ với suy nghĩ, cứ đổ cả bao tải xuống, trai sẽ tự tản ra sinh sống giống như cua.

Song không lâu sau đó, ông ngã ngửa khi phát hiện trai chết đống dưới lòng hồ, chỉ còn khoảng 20% đàn còn sống.

Cũng từ đó, ông rút kinh nghiệm và xây dựng cho một quy trình từ chọn giống, nuôi cấy, chế tác phù hợp.

Ông cho biết, ở mỗi quy trình, đều có những thông số, hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ.

Ví dụ như khâu chọn giống. Trai giống nuôi lấy ngọc có 4 loại: Trai cóc, trai xanh, trai cánh cứng, trai cánh mỏng. Loại trai trang trại đang nuôi là trai cánh cứng.

Do đó, khi lựa giống phải đúng chủng loại, phải chọn trai từ 2 - 6 tuổi, tương ứng kích thước từ 0,4 - 1,2kg.

Bởi nếu chọn trai già thì chậm phát triển, trai có kích thước nhỏ hơn thì non. Chọn con khỏe, không dị dạng, dầy thịt, vỏ bóng, dày khỏe.

Nếu môi trường nguồn nước, thời tiết không thuận lợi, trai dễ sinh bệnh và chết. Do đó, chỉ làm được từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, trời mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.

Mùa Hè phải nghỉ, nếu làm phải làm cấy, giữ trong phòng lạnh... Tất cả những kiến thức, kỹ năng nuôi, cấy đều được cụ thể trong quy định sản xuất trai như một cẩm nang cầm tay mà ông và công nhân của ông phải ghi nhớ và tuân thủ.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao, ông Khánh cũng tự nội địa hóa công cụ cấy ghép. Tận dụng dụng cụ y tế như kẹp banh, dao mổ.

Ông Khánh cho hay, nếu như dụng cụ cấy ghép ngọc trai của Nhật Bản có giá 4 - 5 triệu đồng mỗi bộ. Tuy nhiên, bộ sản phẩm tự ông chế tác từ dụng cụ y tế trong nước chỉ mất hơn 1 triệu đồng, rẻ hơn 3 - 4 triệu đồng và mang lại hiệu quả hơn.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Chính, Chủ tịch xã Kim Sơn cho hay, xã Kim Sơn là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp.

“Mô hình nuôi ngọc trai của ông Nguyễn Kiêm Khánh là mô hình kinh tế mới trong vùng chưa có. Ngoài mang lại giá trị kinh tế, mô hình này cũng đang góp sức quan trọng vào hoạt động du lịch trải nghiệm chung của địa phương”, bà Chính nói.

Trong tự nhiên, ngọc trai được hình thành do phản ứng của con vật chống lại 1 vật thể lạ thâm nhập vào cơ thể.

Khi có vật thể lạ thâm nhập vào lớp biểu bì, con vật sẽ tiết ra chất xà cừ bao bọc vật thể lạ, tạo thành hạt trai.

Phản ứng bình thường của con trai là các tế bào ngoại bao lấy vật lạ và bắt đầu tiết các chất xà cừ xung quanh nó.

Nếu vật kích thích vào giai đoạn đầu của đời sống con trai, viên ngọc trai sẽ phát triển hoàn chỉnh, kích thước của nó phụ thuộc vào kích thước của con trai, loài trai, thời gian sống của con trai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.