Sáng 5/3, mặc dù trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ông Phan Đình Hồng ở thôn Tiến Lập, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP Hải Phòng có nhiều người đến thăm nhưng không khí ảm đạm bao chùm khắp mọi nơi. Ông Hồng nay đã 57 tuổi có con trai là anh Phan Hồng Quân (SN 1991) vừa mất tích trong vụ chìm tàu hàng ở Nhật Bản.
Từ khi nghe thông tin con gặp nạn, ông Hồng như người mất hồn, ngày ngày ngóng đợi tin con.
Đại diện UBND xã Mỹ Đức, huyện An Lão cho biết, gia đình ông Hồng có hoàn cảnh khá khó khăn. Vợ chồng ông có 4 người con chủ yếu làm nông nghiệp và lao động tự do. Quân là con thứ hai. Sau khi học hết cấp 3, Quân đi tàu chở hàng để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Cách đây khoảng 1 năm, gia đình đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng cho Quân đi lao động trên tàu chở hàng của Trung Quốc. Từ đó, mỗi tháng Quân gửi về phụ giúp cho gia đình hơn 20 triệu đồng.
Lúc đầu nghe tin, người thân không dám thông báo với bà Trần Thị Phượng (60 tuổi là mẹ ruột của Quân) vì sợ bà lo nghĩ mà đổ bệnh. Nhưng sau đó, qua thông tin đại chúng, bà biết con mình đã mất tích cùng các thủy thủ khác khiến bà như sụp đổ hoàn toàn. Bà Phượng kể lại, vào khoảng 20h tối hôm xảy ra tai nạn, Quân vẫn gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe mọi người như thường lệ. Vậy mà chỉ hơn 2 tiếng sau, tàu Guo Xing 1 đâm va vào một tàu cá của Nhật Bản và bị chìm. Quân cùng 13 thủy thủ khác trên tàu mất tích.
Ông Phạm Đình Ngọc (55 tuổi, chú ruột Quân) chia sẻ tai nạn là chuyện không mong muốn. “Giờ cũng chưa biết ra sao, chỉ mong cháu tai qua nạn khỏi và bình an trở về. Gia đình cũng mong cơ quan chức năng có động thái tích cực tìm kiếm cháu và những người cùng gặp nạn”, ông Ngọc nói.
Cùng trong cảnh mong đợi tin của người thân mất tích, anh Nguyễn Văn Khởi (SN 1995 là em trai của thuyền viên Nguyễn Văn Trưởng SN 1992) ở thôn Xuân Quang, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng cho biết, từ khi nghe tin dữ, người bố là ông Nguyễn Văn Thau cả ngày chỉ ngồi thần một mình tay ôm điện thoại, mắt chăm chăm vào màn hình ti vi để chờ tin tức liên quan đến con trai mình.
Theo lời Khởi chia sẻ, gia đình anh có 4 chị em. Mẹ mất sớm, 2 chị lớn đã lập gia đình nên Khởi và anh trai ở cùng bố. Đợt này, anh Trưởng mới đi tàu được chưa đầy 8 tháng. Trước hôm xảy ra sự việc, Trưởng vẫn thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của cả nhà. Từ khi biết tin, người thân và bà con hàng xóm thường xuyên đến hỏi thăm, động viên gia đình. Dù biết cơ hội sống sót rất mong manh nhưng ai cũng hy vọng sẽ có một phép màu xuất hiện để gia đình có thể đón Trưởng về quê hương.
Trước đó, ngày 1/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xác nhận vào lúc 22h35 ngày 29/2, tàu chở hàng Guo Xing 1 treo cờ Belize đã bị chìm sau khi đâm va vào một tàu cá của Nhật Bản.
Ông Nguyễn An Tiến, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu Guo Xing 1 có 14 thủy thủ, trong đó có 6 người mang quốc tịch Việt Nam, 7 người Trung Quốc và 1 người Philippines. Trong số này, chỉ có một thủy thủ Việt Nam, tên là Nguyễn Văn Hải (SN 1986 quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã được một tàu khác đang hoạt động gần khu vực xảy ra tai nạn cứu thoát. Các thủy thủ khác trên tàu hàng này vẫn đang mất tích. Hiện nay, thủy thủ Hải đã bình phục, sức khỏe ổn định. Anh Hải đã bày tỏ nguyện vọng sớm được hồi hương. Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã liên hệ và đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản đảm bảo quyền lợi cho công dân này.
Cũng theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, 5 thủy thủ khác của Việt Nam vẫn còn mất tích gồm: Nguyễn Việt Khánh (SN 1990 ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng), Nguyễn Văn Trưởng (SN 1992 ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), Phan Hồng Quân (SN 1991 ở huyện An Lão, TP Hải Phòng), Nguyễn Văn Thảo (SN 1990 ở tỉnh Nghệ An) và Hồ Quang Thọ (SN 1980 ở tỉnh Bình Định).
Hiện, lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cử các tàu tuần tra tới khu vực xảy ra tai nạn để tìm kiếm những thủy thủ còn mất tích. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục nắm tình hình và chủ động liên hệ với phía Nhật Bản để bảo hộ công dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận