Xã hội

Người viết chân dung 511 nhà báo liệt sĩ

20/06/2023, 08:38

Năm 1995, ông bắt đầu thực hiện các bài viết về các nhà báo chiến trường. Hai nhân vật đầu tiên là 2 người bạn học tại Trường Tuyên giáo T.Ư.

Để có những thông tin, hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn, họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Nhưng khi hy sinh, phần lớn đều không có mộ chí, không tìm được hài cốt…

Đó là lý do nhà báo Trần Văn Hiền khởi đầu hành trình đi tìm và viết về 511 nhà báo liệt sĩ.

Thấu hiểu sự hy sinh của các đồng nghiệp cầm bút

img

Nhà báo Văn Hiền cùng những tác phẩm viết về các nhà báo liệt sĩ

Nhà báo Trần Văn Hiền (74 tuổi, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo khu vực Bắc Trung bộ, nguyên Phó tổng biên tập báo Nghệ An) vốn công tác trong ngành GTVT nhưng lại sớm bén duyên với nghiệp viết lách.

Từ năm 1969 - 1972, ông là phóng viên chiến trường ở Quảng Trị và nước bạn Lào. Dù vậy, mãi đến năm 1974 - 1976, Văn Hiền mới lần đầu tiên được ra Hà Nội học viết báo (Lớp Báo chí, xuất bản, Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Năm 1977, ông ra trường và về làm việc tại báo Nghệ An. Đến năm 1993, ông được giao trọng trách Phó tổng biên tập báo Nghệ An, kéo dài suốt 17 năm.

Nhà báo Văn Hiền là người có bề dày thực tiễn, ông đặc biệt tâm huyết, trăn trở với đề tài xây dựng Đảng, có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn về mảng đề tài thương binh liệt sĩ.
Ông đeo đuổi đến cùng và có những đề xuất, kiến nghị để các cấp ủy, chính quyền ghi ơn các thanh niên xung phong và anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, Cống Hòa Hiệp và Cầu Cấm. Ông là nhà báo có khí chất thẳng thắn, quan tâm đến những đóng góp, cống hiến của đồng nghiệp.
Hội Nhà báo Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ông và trân trọng ý tưởng lập ban thờ tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An


Là người cầm bút trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhà báo Văn Hiền hiểu rất rõ hơn sự hy sinh của đồng nghiệp, đồng đội.

Để có những thông tin, những hình ảnh, những thước phim trong mưa bom bão đạn, họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Chưa hết, nhà báo thời chiến còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù.

Năm 1995, ông bắt đầu thực hiện các bài viết về các nhà báo chiến trường. Hai nhân vật đầu tiên mà ông viết là nhà báo Vũ Hiến (báo Quân chủng Hải quân Việt Nam) và nhà báo Bùi Nguyên Khiết (báo Hoàng Liên Sơn).

Đây là 2 người bạn học với ông tại Trường Tuyên giáo Trung ương.

Quá trình tìm hiểu tư liệu và viết bài, nhà báo Văn Hiền phát hiện thêm nhiều cơ quan báo chí có rất nhiều liệt sĩ.

Thế nhưng, cho đến bây giờ chưa có một nghĩa trang nào cho nhà báo liệt sĩ. Phần lớn các anh, các chị không tìm thấy hài cốt, không có mộ chí.

“Các cơ quan báo chí quản lý trực tiếp thiếu thông tin về phóng viên của mình khi tác nghiệp trên chiến trường. Mặt trận tác nghiệp của các nhà báo là chiến trường khốc liệt, dưới mưa bom, bão đạn. Trong khi đó, phần lớn các anh, các chị là đi phối hợp với các đơn vị chiến đấu. Đến khi hy sinh thì không được đưa vào danh sách của đơn vị chiến đấu. Thành ra không tên tuổi, không mộ chí và không ai nhắc đến”, ông nói.

Từ những lý do đó, nhà báo Văn Hiền đã xây dựng một chương trình viết về những nhà báo liệt sĩ. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, vượt qua mọi khó khăn để sưu tầm những mẩu chuyện cảm động, phục dựng chân dung của các nhà báo hy sinh trên chiến trường.

Ngoài ra, ông đã tổng hợp được danh sách 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 511 nhà báo liệt sĩ tại bảo tàng.

Nhà báo Văn Hiền chia sẻ thêm: “Qua các tư liệu, tôi thấy một điều nữa là phần lớn các nhà báo liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Họ được bố mẹ thờ cúng, nhưng sau khi bố mẹ lần lượt ra đi thì không còn ai”.

Chính vì vậy, ông đã xin phép các cơ quan có thẩm quyền, trụ trì chùa Âu Lạc (còn có tên gọi là Âu Lạc Cổ Tự hay chùa Da (tọa lạc ở làng Lộc Đa trước đây, nay là xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, TP Vinh) lập ban thờ, thờ tự 511 liệt sỹ là phóng viên, nhà báo nói trên.

Khắc khoải những nỗi đau

img

Ban thờ 511 anh hùng liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam tại chùa Âu Lạc

Người đầu tiên nhà báo Văn Hiền đi tìm và viết lại chân dung, cũng là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là nhà báo Vũ Hiến - người bạn tri kỉ của ông.

Ông kể: Năm 1995, ông một mình lặn lội về huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng tìm gặp bà Nguyễn Thị Thân, vợ nhà báo Vũ Hiến.

Tuy nhiên, bà Thân chỉ biết chồng công tác ở Báo Quân chủng Hải quân Việt Nam, hy sinh năm 1979 ở chiến trường Campuchia. Còn lại, không biết hy sinh như thế nào, trong tình huống ra sao.

Mộ được chôn cất tại đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang), năm 1986 gia đình vào xin làm thủ tục đưa về quê Hải Phòng.

Thế nhưng, khi cất bốc lên, bà Thân càng đau lòng hơn bởi đó không phải là hài cốt của chồng. Căn cứ để bà Thân nhận ra chồng là ông có một chiếc răng khểnh được mạ vàng nhưng hài cốt trong ngôi mộ cất lên không có. Trở về quê nhà, bà giấu nỗi đau và nói khéo với mẹ chồng: “Anh Hiến muốn ở lại với đồng đội”!.

Cho đến năm 2002, ở Hội nghị Tổng kết tuyên truyền về bảo vệ vùng biển, hải đảo (tại TP.HCM), nhà báo Văn Hiền may mắn gặp và hỏi chuyện Trung tướng, chuẩn đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình. Qua câu chuyện mới biết, ngày 3/1/1979, Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công quân Pôn Pốt toàn mặt trận Tây Nam.

Sau khi giải phóng được cảng Kép, cảng Công Công, các cánh quân ào ạt bao vây ngã ba Va Lung - cửa ngõ dẫn vào Thủ đô Phnom Penh. Tại đây, địch tổ chức các điểm phòng ngự, chống trả quyết liệt.

img

Những kỷ vật của nhà báo liệt sĩ được trưng bày tại chùa Âu Lạc

Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng của Trung đoàn 812, Sư đoàn 8, máy ảnh treo trước ngực, súng AK chéo hông. Anh tác nghiệp dũng cảm trước làn đạn điên cuồng của kẻ thù. Anh ngã xuống trong tư thế nâng máy ảnh tác nghiệp trên tháp pháo xe tăng, giữa bốn phía khói lửa mù mịt.

Sau cuộc giao tranh ác liệt, có 26 chiến sĩ quân ta hy sinh (trong đó có nhà báo Vũ Hiến) phải để tạm tại ngã ba Va Lung chờ vận chuyển về hậu cứ, đoàn quân tiếp tục tiến về Thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, sau đó khu vực cảng biển bị quân địch chiếm lại, chúng đốt luôn thi thể những liệt sĩ của ta.

Hay như câu chuyện về liệt sĩ chống Pháp đầu tiên, nhà báo Trần Kim Xuyến, hy sinh ngày 3/3/1947. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; nhà báo Bùi Nguyên Khiết, báo Hoàng Liên Sơn, hy sinh tháng 2/1979 trong chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc…

Nhắc về những nhà báo nữ, ông nhớ nhất là bài viết chân dung Phạm Thị Ngọc Huệ, phóng viên báo Trường Sơn. Trên đường đi công tác, Ngọc Huệ đã giẫm phải mìn của Mỹ rải giữa rừng Khăm Muộn (Lào) và hy sinh. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, chỉ nhặt được lọ penicilin đựng mảnh giấy đã ngả màu ghi tên Phạm Thị Ngọc Huệ, báo Trường Sơn, tại chiến trường xưa.

Đó còn là nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người mẹ trẻ dứt ruột gửi con nhỏ mới 2 tuổi tại hậu phương, vượt Trường Sơn vào khu 5 gian nan, ác liệt. Di vật còn lại duy nhất của chị là chiếc cặp tóc tìm thấy nơi chị nằm lại – huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Nhà báo Lê Đoan, nguyên thư ký tòa soạn báo Phụ nữ Việt Nam cũng kìm nén bao nhiêu nỗi day dứt, nhớ thương, đành xa hai con nhỏ (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi) rồi theo đường dây giao liên trên biển trở về quê hương Bến Tre, nhận trọng trách Phó chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng kiêm Tổng biên tập báo Phụ nữ Giải phóng miền Nam.

Nhà báo Lê Đoan hy sinh ở Mỹ Tho sau trận bom rải thảm. Sau ngày giải phóng, người thân và đồng đội không tìm thấy hài cốt chị, dưới lớp đất mùn đen chỉ tìm thấy mảnh áo len màu tím Huế mà chị mang theo vào Nam từ năm 1966 khi rời Hà Nội…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.