Xã hội

Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá Hoàng gia Anh

17/12/2022, 06:14

Chàng trai sinh năm 1995 đang giảng dạy ở 2 đại học danh tiếng là nhà khoa học Việt vừa nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh.

Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ trong 2 năm; giảng dạy tại 2 trường đại học danh tiếng; sở hữu bằng lái máy bay hạng nhẹ…

Đó là những điều mà ít người nghĩ chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Huyền Đức đã làm được.

Nhận giải thưởng danh giá

img

Nguyễn Huyền Đức nhận giải Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022

Học hết lớp 11 chuyên vật lý tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trước khi lên đường sang Anh, tại London, Nguyễn Huyền Đức hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm và đoạt huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi vật lý toàn quốc tại Anh năm 2013.

Năm 2019, anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol, trước khi theo học bậc tiến sĩ tại đây và hoàn thành năm 2021.

Cuối tháng 11 vừa qua, Nguyễn Huyền Đức được vinh danh là Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 (Young Persons’ Achievement Award) của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RaeS).

Đây là giải thưởng của RAeS dành cho các cá nhân hoặc đoàn thể dưới 30 tuổi có thành tựu hoặc triển vọng đặc biệt trong ngành.

Giải thưởng năm nay, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức là nhà khoa học duy nhất nhận giải thưởng cao nhất của RAeS dành cho những người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, có 9 gương mặt trẻ khác được tuyên dương hoặc nhận các hình thức khen thưởng ở mức độ thấp hơn.

Anh cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RAeS).

Giải thưởng của RAeS là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất của cộng đồng hàng không toàn cầu nhằm tôn vinh những cá nhân và các nhóm có thành tựu và phát minh xuất sắc trong ngành công nghiệp hàng không thế giới.

Phát biểu tại Lễ trao giải năm 2022 diễn ra tại London, Chủ tịch RAeS Peter Round cho biết, giải thưởng của Hiệp hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc hàng năm của các giám đốc điều hành cấp cao, cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của ngành hàng không trong lĩnh vực kỹ thuật, bay quốc phòng, đào tạo, nghiên cứu và giáo dục.

“Thành tích của những cá nhân đoạt giải năm nay thể hiện các cam kết và đổi mới không ngừng hướng tới những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ toàn cầu”, ông khẳng định.

Đam mê bầu trời từ nhỏ

img

Tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đã có bằng lái máy bay hạng nhẹ vào năm 2017

Nếu điểm lại các thành tích của tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức, có thể thấy anh luôn đạt được các thành tích học tập trong thời gian rất ngắn: Hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm; tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol vào năm 2019; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol trong 2 năm (2019 - 2021) - chỉ bằng một nửa thời gian quy định để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Anh.

Tuy đạt được những thành tích lớn trong thời gian rất ngắn nhưng anh thừa nhận lý do và động lực lớn nhất là vì… ngại học.

Ngại ở đây không phải là “chán học” mà bởi chàng trai trẻ mong muốn bên cạnh việc học, “bản thân còn được bay nhảy, nhìn ngắm, hưởng thụ cuộc sống”.

Do đó, anh luôn tìm cách chuẩn bị sớm, sắp xếp khoa học để làm sao hoàn thành khối lượng bài đúng theo yêu cầu.

“Trước khi sang Anh, tôi đã tìm hiểu nội dung các môn học chương trình trung học A-level bên này và chọn những môn có nhiều điểm tương đồng với chương trình học ở Việt Nam (thường là các môn tự nhiên) để giảm sức ép, nhờ đó có thêm thời gian để tìm hiểu cuộc sống, ngôn ngữ, văn hóa của người Anh.

Tôi cũng đặt vấn đề học tiến sĩ với các thầy từ năm thứ ba đại học nên có thêm thời gian chuẩn bị và tìm hiểu đề tài trước khi chính thức bắt đầu khóa học tiến sĩ”, anh chia sẻ.

Có lẽ chính việc hiểu rõ đam mê, biết rõ mong muốn và cả những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cùng cách sắp xếp công việc hợp lý, thông minh nên anh không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có thời gian để học và sở hữu bằng lái phi công tư nhân, dù chỉ mới 27 tuổi.

“Tôi yêu thích máy bay từ bé, từ việc làm máy bay bằng bìa, bằng xốp đến những trò chơi điện tử trên máy tính của bố mẹ. Đó cũng là lý do tôi ham mê môn vật lý.

Sau này qua các bài học lịch sử, tôi càng ngưỡng mộ tính sáng tạo, táo bạo của các chiến sĩ phòng không không quân Việt Nam.

Tôi rất thích xem các chương trình phim tài liệu và phóng sự về ngành hàng không của đất nước và thế giới, đặc biệt là bộ phim Vùng trời.

Sau này, tại Anh, tôi được tiếp cận với các ứng dụng của máy bay không người lái cho các dự án nghiên cứu núi lửa và bảo tồn động vật hoang dã của giáo sư Thomas Richardson. Những điều này càng củng cố đam mê chinh phục bầu trời của tôi”, anh chia sẻ.

Luôn hướng về nguồn cội

img

Thông báo Giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 được trao cho Nguyễn Huyền Đức

Đi du học rồi làm việc xa đất nước đã hơn 10 năm nhưng khi chia sẻ với báo giới quốc tế và trong nước tại thời điểm nhận được giải thưởng danh giá, Nguyễn Huyền Đức luôn dành tình cảm đầu tiên và đặc biệt dành cho đất nước, cội nguồn.

Anh cho hay, quãng thời gian học tập và lớn lên tại Việt Nam đã rèn cho mình nhiều kĩ năng quan trọng để có được thành công.

“Người Việt mình luôn biết cách tận dụng, chắt lọc những tinh hoa dù là nhỏ nhất mà trời đất ban cho để biến nó thành những tác phẩm tinh xảo, phát triển thành những làng nghề.

Điển hình như các sản phẩm thủ công từ lụa tơ sen, một loại vải mềm nhẹ được dệt từ những sợi tơ được lấy từ phần cuống của hoa sen, nay đã được bạn bè quốc tế công nhận là tinh xảo, có giá trị lớn.

Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society - RAeS) được thành lập năm 1866, là tổ chức hàng không uy tín gồm những hội viên là các tổ chức và tập đoàn hàng không trên toàn thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, BAE Systems, Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ (AIAA), Hiệp hội doanh nghiệp hàng không châu Á (AsBAA), Cơ quan vũ trụ Anh (UKSA), Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA).


Được lớn lên và bồi đắp từ tinh thần ấy, ở những năm đầu khi công việc còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn giữ vững niềm tin, tập trung học tập, nghiên cứu để hướng tới đạt một trình độ nào đó trong lĩnh vực mình yêu thích. Và may mắn là cũng có những đóng góp được bạn bè quốc tế ghi nhận”, anh chia sẻ.

Chàng tiến sĩ trẻ nhớ lại, khi mới sang Anh, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa bản địa. Từ giỏi ngoại ngữ đến hội nhập là một khoảng cách lớn.

Sự tự chủ và chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề, đòi hỏi phải lên kế hoạch từ sớm. Song, anh cho biết, thời gian học tập tại Việt Nam, anh đã được rèn luyện sẵn những kĩ năng này nên công việc nhẹ đi rất nhiều.

Chàng trai cũng tự nhận mình may mắn khi được sang Anh cùng với gia đình và luôn có bố mẹ động viên, ủng hộ trong việc học tập và lựa chọn công việc.

Từ chối tiết lộ những thông tin liên quan đến gia đình, anh cho hay hiện tại vẫn chưa kết hôn và sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy vẫn được anh đặt lên hàng đầu.

“Bên cạnh đó, tôi cũng luôn hướng đến những tấm gương các anh chị, cô chú người Việt đã gặt hái nhiều thành công ở nước bạn để từng bước định hướng và xác định lộ trình của riêng mình tại môi trường học thuật cạnh tranh như Anh Quốc”, anh nói thêm.

Mong muốn đóng góp cho khoa học nước nhà

Chia sẻ về ngành hàng không Việt Nam, tiến sĩ Đức cho biết, ngành hàng không trong nước đã phát triển mạnh trong lĩnh vực thương mại và kĩ thuật qua việc hợp tác với các công ty tên tuổi như Airbus, Boeing. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp hơn tới đời sống của người dân.

“Ở Anh và nhiều nước phát triển, máy bay hạng nhẹ và không người lái dân sự được xem là vượt trội cho nhiều vấn đề cấp bách về môi trường và nghiên cứu khoa học, điển hình như các dự án của Giáo sư Thomas Richardson và khóa học Thạc sĩ về máy bay không người lái duy nhất tại Anh tại trường Đại học Bristol.

Qua đó, tôi mong muốn sẽ có nhiều dự án tương tự tại Việt Nam trong tương lai, góp phần cải thiện những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp hay năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, anh nói.

Trong thời gian tới, Nguyễn Huyền Đức kỳ vọng có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu và nâng cao kiến thức chuyên môn với mong muốn được kết nối, hợp tác với bạn bè trong nước và quốc tế.

Chàng trai trẻ cũng hy vọng được tham gia những dự án cụ thể với các đơn vị và cá nhân trong nước.

Đầy hoài bão, lý tưởng và mạnh mẽ nhưng nét hồn nhiên, vô tư của chàng trai 27 tuổi vẫn thể hiện rõ ở Đức khi anh chia sẻ, dù học tập, làm việc tại Anh suốt thời gian dài, đi không ít quốc gia trên thế giới nhưng thú vui lớn nhất của Đức chính là được về thăm gia đình, bạn bè tại Việt Nam với lý do đơn giản là… được ăn ngon.

Hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đang đảm nhiệm hai vị trí: Nghiên cứu về điều khiển tự động trong sản xuất vật liệu tổng hợp (composites) cho ngành hàng không tại Đại học Bristol và giảng dạy bộ môn điều khiển tự động cho một khóa học trực tuyến của trường đại học Cambridge (University of Cambridge), là nhà phê bình cho nhiều tạp chí học thuật hàng đầu.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Đức xếp dài với 8 tài liệu khoa học trên tạp chí khoa học nhóm Q1 (Quartile 1 - nhóm tạp chí uy tín nhất) và giới thiệu 11 tài liệu khoa học tại các hội nghị chuyên ngành hàng không quốc tế tại Anh, Mỹ, Đức, Italy và Thụy Sĩ về nhiều chủ đề như động lực học máy bay, các phương pháp phân nhánh và điều khiển tự động, sản xuất vật liệu tổng hợp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.