Thế giới

Nguy cơ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên có bị thổi phồng?

03/05/2017, 09:05

Nỗi sợ hãi về tên lửa Triều Tiên phần lớn đều bị các phương tiện truyền thông cường điệu hóa?

29

Học sinh Nhật Bản thực hành diễn tập sơ tán trong tình huống khẩn cấp - Ảnh: The Japan Times

Trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên - Mỹ leo thang, phần lớn người dân Nhật Bản sống gần các căn cứ quân sự của Mỹ đều tỏ ra hoang mang trước khả năng khu dân cư của họ có thể trở thành mục tiêu nếu Triều Tiên và Mỹ đụng độ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, sự hoảng sợ trên là hậu quả của việc thông tin bị thổi phồng. 

Hàng triệu người quan tâm

Căng thẳng Triều Tiên - Mỹ ngày càng leo thang nhiều tuần trở lại đây. Mặc dù, Triều Tiên chưa đạt được mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa, có tầm xa vươn tới đất liền Mỹ nhưng kho vũ khí hiện nay của nước này có thể tấn công 50 nghìn binh lính Mỹ đồn trú trên khắp nước Nhật.

Chính phủ Tokyo đã nâng mức báo động vào tháng 3 sau khi Bình Nhưỡng thông báo 4 tên lửa đạn đạo của nước này rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế, cách bờ biển Nhật Bản khoảng vài trăm km, trong một vụ thử nghiệm tấn công hạt nhân giả tưởng nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại đây. 

Theo hãng tin AP, nếu khả năng Bình Nhưỡng tấn công xảy ra, những thường dân Nhật sống gần căn cứ quân sự của Mỹ chỉ có vài phút để trú ẩn trước khi các vụ tấn công tên lửa ập tới. “Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng tôi không có cách nào để chạy trốn nếu tên lửa tấn công”, ông Seijiro Kurosawa, tài xế taxi, 58 tuổi tại Fussa, gần căn cứ không quân Yokota chia sẻ và lo lắng: “Chúng tôi không có chỗ trú ẩn, boongke hay cái gì khác”. 

Công ty taxi của ông, mới đây, đã có hướng dẫn tài xế đỗ xe và trú ẩn khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tấn công. Tuy nhiên, ông cũng không biết chắc phải trốn đi đâu. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chạy ngay vào bên trong cửa hàng nào đó gần nơi đang đứng”, ông nói. 

Tiên lượng khả năng xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa và hướng dẫn phản ứng nếu trường hợp đó xảy ra đã được đăng tải trên nhiều chương trình truyền hình và các kênh truyền thông khác tại Nhật Bản trong vài tuần gần đây khi căng thẳng trong khu vực leo thang.

Ngoài ra, nhiều chương trình truyền hình và báo chí Nhật đưa tin, giới đại gia xứ sở hoa anh đào bắt đầu đặt mua hầm trú ẩn hạt nhân; Một số người ít tiền hơn lựa chọn mặt nạ phòng độc. Ngành kinh doanh này đang mở rộng tại Fussa, thị trấn 58 nghìn người tại ngoại ô phía Tây Tokyo. 

Đối với ông Yoshio Takagi, 75 tuổi, khi nói về tên lửa Triều Tiên, ông nhớ lại những ký ức đã qua từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II khi ông phải di tản khỏi làng để tránh bom Mỹ dội xuống Tokyo và các khu vực lân cận khiến hai người anh của ông thiệt mạng.

Ông vẫn phản đối việc sử dụng vũ khí song ông nhìn nhận khá thực tế về tình hình hiện nay. “Căng thẳng đã leo thang và tình hình hiện nay dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ lại càng khó đoán hơn. Nhật Bản dựa vào quân đội Mỹ và có căn cứ quân sự của họ tại đây nên tôi nghĩ chúng tôi phải chấp nhận hậu quả nếu có”. 

Nguy cơ chiến tranh bị thổi phồng? 

Trong khi một bộ phận người dân lo lắng, không ít người Nhật có quan điểm khác. Họ cho rằng, nguy cơ xảy ra xung đột bị thổi phồng. Ông Hiroki Fujii, 40 tuổi, người dân sống gần Yokota cho hay: “Triều Tiên gần như thổi phồng khả năng quân sự; nỗi sợ hãi về tên lửa Triều Tiên phần lớn đều bị truyền hình cường điệu hóa”. Còn ông Jumpei Takemiya, 34 tuổi chia sẻ: “Điều gì phải đến sẽ đến”.

Ông Takemiya đang mở một cửa hàng sửa chữa giày gần căn cứ không quân Yokota chia sẻ: “Chỉ cần bình tĩnh suy nghĩ. Liệu Yokota có thực sự trở thành mục tiêu bị tấn công hay không? Tôi khá nghi ngờ và thực sự không lo lắng”, ông nói.

Nhìn qua cánh cửa sổ nhà hàng, ông chia sẻ với phóng viên AP: “Như bạn thấy đó, tình trạng an ninh không hề căng thẳng và xung quanh đây cũng không xảy ra diễn biến bất thường”. 

Ngoài ra, nhiều người dân như ông Akinori Otani, đến từ Hamura, một thành phố khác gần căn cứ không quân Yokota lo ngại rủi ro rơi máy bay quân sự MV-22 “Osprey” của Mỹ hơn là tấn công tên lửa. “Máy bay này thường xuyên hoạt động gần căn cứ Yokota. Tôi lo rủi ro máy bay rơi còn hơn là khả năng xảy ra tấn công tên lửa”, ông Otani nói. 

Một số người như bà Reilo Naya lại có cách nghĩ khác. Bà Naya đang mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay bên ngoài căn cứ quân sự Yokota cho rằng, Chính phủ Nhật sử dụng căng thẳng này làm cái cớ để tăng cường khả năng quân sự.

“Nhật Bản đã từ bỏ chiến tranh nhưng có vẻ chúng tôi đang bị lôi kéo vào xung đột. Chúng tôi từng nghĩ tên lửa Triều Tiên sẽ không bao giờ có thể chạm tới Nhật nhưng sau tất cả các động thái của Bình Nhưỡng vừa qua, các cuộc thử nghiệm này có lẽ đã trở thành thường xuyên. Rất có thể, một trong những quả tên lửa đó sẽ bay tới Nhật không biết chừng”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.