Thế giới giao thông

Nguyên nhân bất ngờ tàn phá hạ tầng giao thông

03/09/2022, 08:00

Đợt mưa kỷ lục trong 80 năm tại Hàn Quốc làm tê liệt đường bộ, tàu điện ngầm; nắng nóng tại Anh làm đường bộ chảy nhựa, đường sắt cong vênh…

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với hạ tầng giao thông đang là hồi chuông báo động với thế giới.

Thời tiết ngày càng cực đoan

Nhiều năm trở lại đây, thế giới ghi nhận hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra với quy mô rộng lớn như nắng nóng kỷ lục và kéo dài gây ra hạn hán, cháy rừng tại hàng loạt quốc gia châu Á (Ấn Độ, Pakistan…), châu Âu (Italy, Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) và nhiều bang của Mỹ, mưa lũ lớn gây ngập lụt nặng nề tại Australia, Trung Quốc và gần đây nhất là Hàn Quốc.

Những thiên tai này dù khác nhau về tính chất thời tiết nhưng đều có điểm chung là diễn ra hết sức cực đoan, với cường độ mạnh hơn và đặc biệt là đe doạ hạ tầng giao thông.

img

Hình ảnh nước tràn xuống tàu điện ngầm gây ngập lụt tại Trịnh Trâu, Trung Quốc năm 2021

Theo Cơ quan bảo vệ khí hậu Mỹ, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn, triều cường cao hơn, có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông.

Cụ thể, với đường bộ, trong trường hợp nắng nóng, mặt đường bê tông nở ra và nhựa đường cũng tan chảy, tạo ra hằn lún và ổ gà. Dưới thời tiết nắng nóng, các khớp cầu cũng chịu nhiều sức ép hơn khi bê tông giãn nở.

Đối với các loại phương tiện, nhiệt độ tăng cao cũng có thể khiến nhiều loại xe bị nóng quá mức và lốp xe sẽ nhanh hỏng hơn. Còn trong trường hợp mưa lớn, lượng mưa nhiều hơn và gây ngập lụt, làm gián đoạn việc di chuyển, trì hoãn các hoạt động xây dựng…

Với hệ thống đường sắt, các tuyến đường ray có thể bị giãn nở và xô lệch khi nắng nóng diễn ra gay gắt. Khi mưa lớn, hoạt động đường sắt cũng có thể bị chậm trễ, hệ thống đường ray có thể bị hư hại.

Thêm vào đó, các tuyến đường sắt ven biển và tàu điện ngầm còn phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng và triều cường. Nguy cơ này đặc biệt cao đối với các đường dưới lòng đất, vốn đã ở dưới mực nước biển.

Đối với hàng không, biến đổi khí hậu cũng có nhiều ảnh hưởng. Ví dụ, thời tiết quá nóng có thể tác động đến hoạt động của máy bay, khiến máy bay phải hạn chế tải trọng hàng hóa, trì hoãn thời gian bay hay hủy chuyến. Còn khi mưa lũ gia tăng, cơn bão lớn xuất hiện, sân bay có thể phải đóng cửa, máy bay gặp khó khăn khi hạ cánh.

Thêm vào đó, bão lũ có thể đe doạ phá hủy các cơ sở hạ tầng hàng không, trong đó có đường băng. Các sân bay có đường băng ngang hoặc thấp hơn mực nước biển sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường và ngập lụt ven biển.

Còn đối với vận chuyển bằng đường biển, tàu biển lại càng nhạy cảm. Tại các tuyến đường biển di chuyển phía dưới cầu đường bộ, khi nước biển dâng cao hơn thì khoảng cách từ mặt biển lên các cây cầu phía trên sẽ thấp đi, gây khó khăn cho việc di chuyển.

Nguy cơ lớn dần

Thực tế, những nguy cơ nói trên đối với hạ tầng giao thông đã bắt đầu biểu hiện ngày một rõ rệt.

Tại châu Âu, mức nhiệt cao kỷ lục thời gian qua đã làm hư hại cơ sở hạ tầng và gia tăng nguy cơ hạn hán. Mực nước trên sông Rhine, tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa đi qua nhiều nước châu Âu đã xuống thấp đến mức trên một số đoạn của tuyến đường thủy này, hoạt động vận chuyển thương mại có nguy cơ phải dừng lại.

img

Vỉa hè trên một đoạn đường tại Seoul, Hàn Quốc bị hư hại nghiêm trọng vì mưa lớn kỷ lục hồi đầu tháng 8/2022

Tại Anh - nơi có khí hậu đại dương ôn đới, đợt nắng nóng kỷ lục hồi tháng 7 đã khiến nhiệt độ lần đầu tiên cao hơn 40 độ C. Thực tế, nhiều tuyến đường sắt bị cong vênh, các con đường bộ chảy nhựa và gây gián đoạn giao thông tại nhiều khu vực.

Tại châu Á, quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc đang phải đối mặt một mùa hè khắc nghiệt với các đợt nắng nóng và mưa lớn thay nhau hoành hành khắp đất nước.

Nếu như nhiệt độ cao khiến đường sá bị thay đổi cấu trúc, như trường hợp một đoạn đường bị cong lên ít nhất 15cm do nắng nóng tại Giang Tây hay một cây cầu ở Tuyền Châu, Phúc Kiến bị bục và nứt gãy làm đôi, thì mưa lớn khiến nhiều con đường chìm trong nước, gián đoạn giao thông diện rộng.

Tại thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, hồi đầu tháng 7, khoảng 7,6 triệu cư dân tại đây được khuyến nghị hoãn đi làm và hủy các hoạt động không thiết yếu vì “thời tiết cực đoan”. Theo dữ liệu của cảnh sát giao thông địa phương, 52 đoạn đường bị ngập nước, 30 trong số đó đã bị đóng cửa.

Còn tại Hàn Quốc, đợt mưa lớn vài ngày qua tại Thủ đô Seoul và khu vực lân cận đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông, 8 tuyến đường sắt, tàu điện ngầm ở Seoul, Incheon và nhiều nơi khác bị ngập lụt. Khoảng 80 tuyến đường, 3 tuyến tàu điện ngầm, 26 bãi đậu xe ven sông phải đóng cửa do lo ngại an toàn.

Chậm chân trong “cuộc chiến” khí hậu

Có thể nói, trước khi thời tiết diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng như thời gian gần đây, không ít quốc gia chưa thực sự chú ý tới những hệ lụy của biến đổi khí hậu đối với giao thông và đời sống con người.

Bằng chứng là dù các hội nghị khí hậu (COP) vẫn diễn ra theo lịch trình nhưng chưa nhiều quốc gia mạnh dạn cam kết bảo vệ môi trường. Một số nước đã cam kết nhưng chưa có hành động thực tế.

img

Người dân Trung Quốc cắn răng nhìn xe ô tô trôi dạt sau lũ

Như tại Trung Quốc, một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, vào năm 2019, mối quan tâm của công chúng nước này đối với sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là “tương đối thấp”. Và lời cảnh tỉnh chỉ thực sự đến với họ vào mùa hè năm 2021, khi xảy ra lũ lụt kinh hoàng khiến 380 người thiệt mạng ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam. Kể từ mùa hè năm 2021, nhiều thành phố của Trung Quốc đã cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp với lượng mưa cực lớn.

Còn nước Mỹ, cũng là một quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, chính sách với khí hậu giữa các đời tổng thống cũng chưa nhất quán. Ở thời Tổng thống Barack Obama, đã có một số nỗ lực bảo vệ môi trường. Nhưng đến thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, những nỗ lực này đã bị bãi bỏ.

Trong khi châu Âu được coi là một trong những khu vực đi đầu về chống biến đổi khí hậu nhưng trước những lo ngại về mất an ninh năng lượng hiện nay, nhiều nước châu Âu dường như đang quay lại sử dụng than để cung cấp năng lượng cần thiết - trái ngược với các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Như vậy, dù ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã thực sự hiện hữu nhưng các quốc gia dường như vẫn đang bị chậm hoặc thờ ơ trong “cuộc chiến” này.

Vào tháng 6 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố chính sách mới nhằm cải thiện khả năng ứng phó biến đổi khí hậu. Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa nước này trở thành một “xã hội thích ứng với khí hậu” vào năm 2035, bằng cách xây dựng hệ thống toàn quốc nhằm giám sát và đánh giá các rủi ro khí hậu, cũng như tăng cường khả năng cảnh báo sớm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.