Văn hóa - Giải Trí

Nhà hát Tuổi trẻ đưa “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” tái ngộ khán giả

08/07/2023, 00:14

“Mùa kịch Lưu Quang Vũ” sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Tuổi trẻ, trong tháng 7 và 8 với bốn vở diễn đặc sắc.

Đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp thu về, “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” sẽ tái ngộ khán giả cùng những vở diễn tiêu biểu “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Sống mãi tuổi 17”.

img

Poster "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" 2023.

Năm nay, chương trình diễn ra vào tháng 7, tháng 8, cùng sự góp mặt của các nghệ sĩ tài năng như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Bá Anh, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Dương, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Chí Huy, Thanh Tú, Minh Cúc, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy...

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ mà đơn vị dàn dựng đều mang những khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức làm mới mình.

"Đó vừa là cách tiếp nối và khẳng định các giá trị bền lâu của Kịch Lưu Quang Vũ, vừa mở ra không gian đối thoại giữa khán giả với tư tưởng, tình cảm mà ông gửi gắm, thông qua cách nhìn nhận, giải mã và chiêm nghiệm mới mẻ.

"Mùa kịch Lưu Quang Vũ" là nơi gặp lại những tác phẩm đã góp phần tạo nên diện mạo hoàng kim của sân khấu nước nhà và khuấy động suy tư của chúng ta", giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.

img

Một cảnh trong vở kịch nói "Ông không phải là bố tôi".

"Ông không phải là bố tôi" là một trong những tác phẩm cuối cùng của Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện trong mùa kịch năm nay.

Vở kịch kể về người chồng đã chối bỏ vợ con. Sau bao năm xa cách cùng nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước sự tan vỡ, đứt gãy.

img

Các diễn viên trong vở "Ai là thủ phạm".

Vở "Ai là thủ phạm” do NSƯT Nguyễn Chí Trung đạo diễn, kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 1980 ở Hà Nội.

Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời.

img

Diễn viên Thu Quỳnh, Tú Oanh trong vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy".

Trong khi đó, vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đạo diễn, thông qua mối tình của 3 nhân vật đã đề cập về những cỗ máy trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, giúp mang đến một cuộc sống tiện nghi, hoàn thiện.

Tuy nhiên, có khi điều này khiến con người bước sang một hệ giá trị khác, làm xói mòn những điều thiêng liêng, tạo ra các hố sâu trống rỗng trong tâm hồn.

img

Một cảnh trong vở kịch đầu tay của tác giả Lưu Quang Vũ "Sống mãi tuổi 17".

Cùng 3 vở trên, vở kịch “Sống mãi tuổi 17” cũng do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến dàn dựng, là tác phẩm sân khấu đầu tay của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, lần đầu ra mắt công chúng tại Nhà hát Tuổi trẻ hơn 40 năm trước, về hình tượng người anh hùng cách mạng Lý Tự Trọng.

Vở diễn khơi gợi lớp trẻ hôm nay ý chí quyết tâm, không lùi bước trước cho con đường mình đã lựa chọn, trước sứ mệnh mới của thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay và mai sau.

Các tác phẩm được thể hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ ngày 15/7.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.