Giao thông

Nhiều dự án giao thông ở miền Tây thiếu cát sau sự việc tại An Giang

26/08/2023, 09:03

Nguồn cung cấp cát bị đứt gãy, việc thi công nhiều dự án giao thông bị đình trệ, chủ đầu tư và nhà thầu đang tìm mọi biện pháp để tháo gỡ.

Ngày 25/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch tỉnh An Giang để điều tra hành vi nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng từ Lê Quang Bình, Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68.

Ông Thư bị cáo buộc đã chỉ đạo Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Liên quan tới vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí.

Cùng thời điểm vụ án được khởi tố, tỉnh An Giang cũng ra quyết định thu hồi 7 giấy gia hạn khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Sau các sự việc, nguồn cung ứng cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần như bị ngưng, ảnh hưởng đến việc thi công các công trình giao thông.

img

Dự án đường tỉnh 918 giai đoạn 1 tại Cần Thơ bị chững lại do không có cát để đắp.

Ông Đ (Công ty P.A.K) cho biết, công ty ông đang tham gia thi công một số dự án tại khu vực Cần Thơ như cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đường tỉnh 918 giai đoạn 1, đường Vành đai phía Tây… Tuy nhiên, gần một tháng qua, các công trình này không có cát để làm.

“Ngay sau khi Bộ Công an vào cuộc và An Giang thu hồi giấy phép gia hạn khai thác cát tại một số mỏ, các doanh nghiệp tạm ngưng khai thác. Ở Đồng Tháp cũng có mỏ cát, nhưng địa phương chỉ cung cấp cho các dự án trên địa bàn, không bán ra ngoài.

Không có cát, việc thi công các dự án bị ảnh hưởng rất lớn, một số đoạn tuyến đã bóc hữu cơ nhưng giờ cỏ đã mọc lại vì không có cát đắp nền", ông Đ chia sẻ.

Cũng theo ông Đ, để có cát phục vụ cho công trình, thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp chỉ có thể mua cát nhập từ Campuchia với mức giá khá cao, nhưng nguồn không phải lúc nào cũng có sẵn.

Đáng chú ý, nguồn cát này chỉ có thể phục vụ ở các công trình của các địa phương, còn với các dự án cao tốc thì không được phép, do các dự án này áp dụng theo cơ chế đặc thù.

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị đang cần khoảng 7 triệu m3 cát để phục vụ cho các dự án đang triển khai trên địa bàn, trong đó có đường tỉnh 918 và dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

“Đối với dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh An Giang đã thống nhất hỗ trợ mỏ cho Cần Thơ khai thác. Nhưng hiện nay, quá trình triển khai thủ tục đang bị gián đoạn do chúng tôi chưa thể làm việc được với Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh.

Dự án đường tỉnh 918 cũng đang bị chững lại do nguồn cát cung cấp cho dự án hiện đã ngừng. Hiện các nhà thầu đang tạm dừng thi công để đi tìm nguồn”, ông Cường cho biết.

img

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau cỏ mọc đầy trên đường đã được đào hữu cơ, nguyên nhân cũng là vì không có cát.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau sau 8 tháng khởi công, sản lượng thi công chỉ đạt hơn 7% giá trị hợp đồng, mặc dù nhà thầu đã huy động tối đa thiết bị và nhân sự. Nguyên nhân do không đủ nguồn cát để đắp nền đường, chủ yếu tập trung thi công hạng mục cầu.

Hiện tỉnh An Giang đã cung ứng cho dự án được 1,1 triệu m3 cát. Tuy nhiên, trong các mỏ dự kiến cung ứng cho dự án có một số mỏ bị thu hồi giấy phép trong đợt vừa qua, nên số lượng cát còn lại vẫn chưa về công trường.

"Toàn bộ nguồn vật liệu cát phục vụ dự án là do địa phương quản lý và cấp phép. Nếu địa phương không hỗ trợ thì thật sự chưa có giải pháp nào để thay thế hiệu quả”, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Ngoài tỉnh An Giang, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí cung ứng cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau 7 triệu m3 cát (riêng năm 2023 cung ứng khoảng 3,3 triệu m3).

Theo ông Tuân, hiện chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp triển khai thủ tục cấp phép khai thác các mỏ mới.

Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu cho dự án 5 mỏ cát mới với trữ lượng khoảng 3 triệu m3.

“Hy vọng, trong tháng 8 và tháng 9 năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục để có thể bắt đầu khai thác. Có như vậy mới tạm thời giải quyết được khó khăn về nguồn cát cho dự án”, ông Tuân nói.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, căn cứ hướng dẫn của Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ thuận và thống nhất 6 bước thực hiện các thủ tục để khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ công trình.

Cụ thể, sau khi UBND tỉnh giới thiệu các mỏ cát cho Bộ GTVT, Bộ sẽ có văn bản giới thiệu nhà thầu thi công để thực hiện.

Tiếp đó, nhà thầu thi công khảo sát vị trí mỏ để ghi nhận hiện trạng các mỏ, thuê tư vấn lập đề cương, tiến hành khảo sát nhanh để xác định trữ lượng và báo cáo kết quả khảo sát nhanh; xác lập các hồ sơ có liên quan. Sau đó sẽ tiến hành lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.