Vận tải

Nhiều giải pháp quản xe hợp đồng trá hình

03/01/2024, 06:00

Trong năm 2023 xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe hợp đồng cho thấy, việc siết chặt quản lý với loại xe này đang rất cấp thiết.

Gam màu tối xe hợp đồng trá hình

Đã hơn 3 tháng sau vụ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, làm 9 người thương vong do nhà xe Thành Bưởi gây ra, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng.

Nhiều giải pháp quản xe hợp đồng trá hình - Ảnh 1.

Thời gian qua, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, hàng loạt các vấn đề của nhà xe này được bộc lộ, trong đó có việc bị tước phù hiệu tới 246 lần mà vẫn hoạt động. Chỉ trong ba tháng năm 2023, riêng chiếc xe gây ra tai nạn đã chạy quá tốc độ tới 496 lần.

Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với lĩnh vực đường bộ.

Cục Đường bộ VN sẽ xây dựng nâng cấp hệ thống giám sát hành trình, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ quản lý và kết nối chia sẻ với công an, thuế, hải quan để cùng quản lý xe kinh doanh vận tải".

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN

Ngay sau đó, Bộ GTVT đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các sở GTVT trên toàn quốc.

Vụ tai nạn do xe khách Thành Bưởi gây ra không phải hy hữu và nó chỉ như gọt nước tràn ly. Trước đó, đã xảy ra một số vụ tai nạn do xe hợp đồng gây ra, đơn cử như vụ làm 10 người chết ở huyện Núi Thành, Quảng Nam gây chấn động dư luận.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhận định, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình ngày càng nở rộ, cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định.

Để cạnh tranh với xe hợp đồng, nhiều xe khách tuyến cố định đã bỏ bến chạy hợp đồng, lập văn phòng đại diện, bến cóc đón/trả khách, cơ quan quản lý dường như mất kiểm soát.

Nguyên nhân khiến xe hợp đồng gia tăng nhanh xuất phát từ việc quản lý nhà nước với xe tuyến cố định quá chặt, còn xe hợp đồng lại lỏng lẻo.

Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, quy định về giám sát hành trình, camera giám sát, dù trang bị rất tốn kém, nhưng việc khai thác dữ liệu để xử lý vi phạm chưa hiệu quả.

Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường từng thừa nhận, công tác quản lý, quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô còn một số tồn tại. Một số quy định "cho có", không kiểm tra xử lý được.

"Quy định không được trùng lặp 30% số chuyến xe trong tháng nghe có vẻ là hạn chế được đối với xe hợp đồng trá hình.

Tuy nhiên, đến nay quy định này không có tính khả thi, doanh nghiệp lách dễ dàng bằng việc chuyển địa điểm đón trả khách.

Hay trước đây, ô tô kinh doanh vi phạm bị thu hồi phù hiệu 1 - 2 tháng sau đó mới được xét cấp lại, nhưng với quy định hiện hành doanh nghiệp nay bị thu hồi mai đã xin cấp lại.

Tương tự, trước đây quy định doanh nghiệp có 20% số xe bị thu hồi phù hiệu sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, nay quy định này cũng không còn", ông Cường nói.

Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả trăm lần, điều lạ là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường.

Rõ ràng quy định hiện hành có "lỗ hổng" về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ. Đây là vấn đề chúng ta cần sớm khắc phục.

Nhiều quy định mới siết xe hợp đồng trá hình

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Lan cho biết, việc cần làm là phải quản lý những đơn vị chưa đáp ứng đủ các quy định để không ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường.

"Yếu tố cốt lõi là phải kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị quản lý nhà nước... Hiện công tác phối hợp quản lý đã được triển khai thực hiện, đó là chia sẻ dữ liệu hành trình giữa các đơn vị công an trong công tác kiểm tra, giám sát.

Đại úy Nguyễn Văn Tứ, Phó đội trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt, Cục CSGT

Khẳng định quan trọng nhất là ngăn ngừa để không xảy ra vi phạm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, tới đây cần hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay.

Mục đích là cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

Còn ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, cần quy định rõ loại hình xe khách hợp đồng cho phù hợp thực tế; bổ sung trách nhiệm của chính quyền phường/xã trong quản lý xe dù, bến cóc, văn phòng đại diện trên địa bàn.

Đặc biệt, Cục Đường bộ VN cần sớm cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý, xử lý vi phạm, đặc biệt với xe hợp đồng.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, đơn vị đã đề xuất một số quy định mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 đối với xe hợp đồng và du lịch, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, hạn chế xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.

Hiện tại, dự thảo Nghị định 10 đã trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Để xe kinh doanh hợp đồng thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tại Nghị định 10, Cục Đường bộ VN đã đề xuất: Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo ATGT.

Đối với xác định điểm trùng lặp, thay vì quy định chung chung như hiện nay, dự thảo Nghị định sẽ định lượng rõ số lần trùng lặp như không được đón, trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc là từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.

Chế tài xử lý thu hồi phù hiệu cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, nghiêm khắc, đảm bảo tính kịp thời hơn. Quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên mới bị thu hồi phù hiệu sẽ được sửa đổi thành vi phạm từ 3 lần trở lên trong 1 ngày sẽ bị thu hồi.

Các sở GTVT cũng sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày đối với doanh nghiệp tuân thủ, trường hợp không tuân thủ nộp lại phù hiệu thì sẽ kéo dài lên 60 ngày. Bên cạnh đó cũng xử lý vi phạm hành chính và cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh khi trong 1 tháng có từ 30% trở lên số phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khắc phục tình trạng có doanh nghiệp bị thu hồi nhiều phù hiệu nhưng vẫn hoạt động.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định phương tiện sau 30 - 45 ngày mới được cấp lại phù hiệu, trong đó phương tiện đã bị thu hồi sẽ không được tham gia kinh doanh bất kỳ loại hình vận tải nào khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.