Bạn cần biết

Nhiều người Việt thoát chết nhờ “ma thuật” ghép tế bào gốc

17/05/2016, 07:57
image

Suốt 10 năm qua, nhiều bệnh nhân Việt đã may mắn bước qua “cửa tử” nhờ “ma thuật” ghép tế bào gốc.

tế bào gốc

Niềm vui của bác sĩ và bệnh nhân sau ca ghép tế bào gốc thành công

Suốt 10 năm qua, nhiều bệnh nhân đã may mắn bước qua “cửa tử” nhờ “ma thuật” ghép tế bào gốc của đội ngũ y bác sĩ BV Huyết học và truyền máu T.Ư.

Tái sinh nhờ tế bào gốc

Gặp Vũ Quang K. (sinh năm 1992, trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đầy rắn rỏi, hoạt bát trong những ngày này, không ai ngờ cách đây chừng 5 năm K. đã từng suy sụp đối mặt với tử thần vì căn bệnh quái ác suy tủy xương. Chia sẻ với Báo Giao thông, Quang K. cho biết, căn bệnh âm thầm trong cơ thể từ khi nào không rõ, chỉ biết vừa bước chân vào năm đầu trung cấp Dược Ninh Bình, K. thấy sức khỏe yếu đi trông thấy.

Những cơn đau đầu, choáng váng cứ liên tiếp kéo đến, K. buộc phải nghỉ học vì sức khỏe ngày một yếu. Đi khám, K. được bác sĩ chẩn đoán suy tủy xương, buộc phải nhập viện. Ngoài thuốc điều trị, căn bệnh khiến K. liên tục phải truyền máu để duy trì sức khỏe. “Lúc nhận tin mình mắc suy tủy xương em đã từng nghĩ, cuộc đời sao thật ngắn. Lúc đó, em mới bước vào tuổi 19”, K. chia sẻ.

Theo lời K., những ngày đầu điều trị tại viện, không chỉ K. mà cả gia đình luôn ngập trong sự bi quan. “Suy nghĩ về cậu con trai duy nhất trong gia đình giờ phải đối mặt cửa tử khiến cha mẹ em nhiều đêm không ngủ”, K. cho biết.

Nhưng niềm hi vọng đến khi K. và gia đình được các bác sĩ tư vấn về một giải pháp mới “ghép tế bào gốc”. Và cũng thật may mắn, qua xét nghiệm, các chỉ số tế bào gốc của người chị lại hoàn toàn phù hợp với K. Không giấu niềm hạnh phúc, Quang K. cho biết, hiện sức khỏe đã rất ổn định và em đã lập gia đình được 1 năm. Mái ấm nhỏ của K. cũng mới đón thêm một thành viên mới. Nở nụ cười thật tươi, K. chia sẻ: “Nếu không có sự tận tâm, không có kỹ thuật ghép tế bào gốc tuyệt vời của các bác sĩ Viện Huyết học, đã không có em của ngày hôm nay”.

Với anh Lâm Tiến B. (sinh năm 1979, trú tại Hoàng Đồng, Lạng Sơn), bệnh viện Huyết học luôn là mái nhà thứ hai. Anh Tiến B. phát hiện mắc căn bệnh Lơ-xơ-mi trong tình huống khá bất ngờ. Sau khi trở về từ chuyến đi tình nguyện cùng đoàn thanh niên cơ quan, anh ốm triền miên, cơ thể mệt mỏi, da tái xanh, choáng đầu… Thấy cơ thể bất ổn, đi khám anh được chẩn đoán mắc bệnh Lơ-xơ- mi thuộc nhóm bệnh máu ác tính. “Lúc đó, mình đã lập gia đình và cô con gái vừa bước vào tuổi lên 4. Kinh nghiệm cuộc sống khiến mình không quá bất ngờ với bệnh tật nhưng gia đình thật sự sốc”, anh B. cho biết.

Là một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc, anh B. cho hay: “Mình điều trị tại Viện Huyết học từ ngày viện vẫn có cơ sở nằm trong BV Bạch Mai. Giải pháp ghép tế bào gốc lúc đó mang đến cơ hội 50-50. Trong khi nhiều người bước vào và không thể có cơ hội đi ra thì mình được coi là bệnh nhân hiếm hoi thành công với giải pháp này ở năm 2008”. Ngày anh B. phát hiện bệnh, gia đình anh đã từng định đưa anh về chữa chạy bằng đông dược, nam dược… “Nhưng mình thật sự đặt lòng tin vào các bác sĩ của Viện Huyết học, nhất là bác sĩ Bình khi các anh chị luôn tận tâm động viên rồi giải thích cặn kẽ bệnh giúp mình”, anh B. chia sẻ.

May mắn ca ghép tế bào gốc của anh Tiến B. thành công mỹ mãn. 8 năm qua, sức khỏe anh B. ổn định. Anh đã hồi phục hoàn toàn như người bình thường.

Ca ghép tế bào gốc với cô gái trẻ Nguyễn Thị Diệu (trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) đã được 5 tháng. “Kết quả ổn định đã mang lại cho em niềm tin vào cuộc sống”, Diệu cho biết. Vừa bước chân vào cánh cửa đại học, ngay năm nhất, cô sinh viên quê Hưng Yên đã đối mặt với “án tử” là căn bệnh ác tính suy tủy xương. Mẹ Diệu cho hay, Diệu là con gái út được gia đình kỳ vọng nhiều vì em học giỏi. “Gia đình em đã ngã quỵ khi biết đến căn bệnh này. Lần đầu tiên nghe đến bệnh suy tủy xương, cứ ngỡ đặt dấu chấm hết cho tuổi trẻ của Diệu. Nếu không có ghép tế bào gốc, không có lòng nhiệt huyết của các bác sĩ trong cả quá trình dài điều trị của Diệu, thì không có niềm hạnh phúc bây giờ của gia đình cô”, mẹ Diệu rưng rưng nhớ lại.

Cũng như Diệu, anh Tiến B., hay Quang K….. nhiều bệnh nhân khác may mắn được hồi sinh nhờ ghép tế bào gốc từ người cùng huyết thống trong gia đình.

Xem thêm clip Kỳ lạ chữa bệnh bằng cách tát thâm tím người:

Ngân hàng tế bào gốc, bước tiến mới

Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng được cho là bước đột phá trong quá trình mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân mắc các bệnh nan y mà GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cùng các y bác sĩ Viện Huyết học nỗ lực thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Trí cho biết, qua một thời gian chuẩn bị hết sức công phu, tháng 9/2014, Viện đã chính thức ký với BV Phụ sản Hà Nội về việc hợp tác thu thập máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến. Tính đến tháng 5/2016, Viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2.400 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2.050 đơn vị máu dây rốn cộng đồng đảm bảo chất lượng và đã được sàng lọc các tác nhân truyền nhiễm, bệnh lý di truyền (thalassemia).

Ngày 16/5, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện ghép tế bào gốc.

Thời gian qua, các ca ghép tế bào gốc đã tăng lên với tốc độ rất nhanh, từ mức 4-6 ca ghép/năm của giai đoạn trước, tăng vọt lên 19 ca ghép năm 2011, trung bình 50 ca/năm… đưa tổng số ca ghép tính đến tháng 5/2016 lên đến 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài.

Chi phí ghép tế bào gốc trung bình từ 200 - 600 triệu đồng/ca, tùy trường hợp cụ thể.

Tất cả các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đều được xét nghiệm HLA độ phân giải cao và sẵn sàng tìm kiếm với xác suất tìm được mẫu máu dây rốn phù hợp HLA tối thiểu 4/6, đủ liều tế bào có nhân và CD34 lên tới 97%, kể cả các trường hợp bệnh nhân cần ghép là người lớn. “Đây là ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên trong cả nước, cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống”, ông Trí chia sẻ.

Vào tháng 12/2014, Viện đã tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Đến hết năm 2015, Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. “Kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ Ngân hàng có chất lượng và  tiềm năng ứng dụng rất tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Ngân hàng tế bào gốc này đã và sẽ góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh nan y”, ông Trí chia sẻ.

Xem thêm clip Cô Phù Thái Nguyên dẫm đạp chữa bệnh:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.