Xã hội

Nhiều tỉnh vẫn yêu cầu người đến từ "vùng xanh" phải có test PCR âm tính

28/09/2021, 07:26

Một số địa phương cho rằng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh là không chính xác, yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần được khống chế, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách nhưng một số tỉnh vẫn thắt chặt.

img

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn người dân khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 trước khi vào địa phương này.

Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu người về từ "vùng xanh" hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR trong vòng 72 giờ trước khi vào Thái Nguyên.

Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí.

img

Đông đảo người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái để chờ kết quả vào Tuyên Quang, Phú Thọ (Ảnh chụp ngày 9/9/2021)

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng quy định, người về từ vùng cam, vàng, đỏ, kể cả đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng dịch Covid-19 nhưng cũng đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp Realtime-PCR và phải cách ly và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần trong thời gian cách ly tại Thái Nguyên.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh là không chính xác, thường xảy ra trường hợp dương tính giả nên chúng tôi không chấp nhận.

Hơn nữa, Thái Nguyên gần Thủ đô Hà Nội nên lượng người lưu thông đông, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR có thời gian thực hiện lâu, tốn kém hơn sẽ giúp hạn chế người dân lưu thông vì chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới bỏ thời gian, tiền bạc đi xét nghiệm để lưu thông".

Tương tự, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn và Hải Dương cũng có văn bản yêu cầu tất cả những người từ địa phương khác vào tỉnh này đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

Các địa phương này không chấp nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh vì cho rằng không chính xác và "làm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế".

Trong khi đó, tại Lạng Sơn, nơi có 5 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc nhưng các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh chỉ yêu có kết quả test nhanh trong 72 giờ. Trường hợp không có sẽ được cán bộ y tế thực hiện test nhanh ngay tại chốt kiểm dịch với giá 30.000 đồng/người/mẫu gộp.

Riêng trường hợp đến, về từ vùng xanh, không có dịch thì chỉ cần khai báo y tế mà không cần phải xét nghiệm Covid-19.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Biện pháp này đã được Lạng Sơn thực hiện hiệu quả trong 2 năm nay. Nhờ đó, Lạng Sơn vẫn bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, giữ vững vùng xanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn bảo đảm duy trì hoạt động của các cửa khẩu, giúp cả nước xuất khẩu, tiêu thụ nông sản”.

Tương tự, từ ngày 18/9 đến nay, cùng với việc quy trở lại cuộc sống bình thường mới, Bắc Ninh đã dỡ bỏ các chốt kiểm dịch Covid-19 tại TP Bắc Ninh và nhiều cửa ngõ vào tỉnh này.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: "Quyết định này dựa trên nỗ lực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn, đã được các đơn vị chức năng thảo luận kỹ.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là vừa chống dịch tốt, vừa bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế. Đối với người ngoài tỉnh, Bắc Ninh chấp nhận cả kết quả xét nghiệm test nhanh và Realtime-PCR".

Trước đó, ngày 10/9, Báo Giao thông đã có bài: “Dân liên tỉnh “vùng xanh” đi lại cũng phải test PCR âm tính”, phản ánh việc các địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn... yêu cầu người dân từ vùng xanh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới cho qua chốt gây phiền hà, lãng phí cho người dân.

Sau khi báo phản ánh, các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Hoà Bình đã sửa đổi quy định, chấp nhận cả 2 phương pháp xét nghiệm đối với người về từ "vùng xanh".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.