Xã hội

Nhọc nhằn xin giấy xác nhận hôn nhân

20/10/2022, 06:48

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân khi mua bán, chuyển nhượng, thế chấp những tài sản có đăng ký quyền sở hữu là bắt buộc.

Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng chỉ nên yêu cầu công dân xác nhận tình trạng hôn nhân ở địa phương đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng, không phải đến các nơi đã từng sinh sống xác nhận như hiện nay.

Vào Nam ra Bắc xin xác nhận hôn nhân

img

Việc phải đến từng địa phương đã cư trú để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khiến người dân gặp không ít khó khăn (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Văn S. (SN 1960, ở Nam Định) làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho cháu của mình, nên phải xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Được biết, từ khi sinh ra đến năm 1985, ông S. sinh sống ở Nam Định. Từ năm 1985, ông chuyển khẩu về Bắc Giang. Từ năm 1990 đến năm 1995, ông sống ở Bắc Ninh. Đến cuối năm 1995, ông S. lại quay trở lại Nam Định ở.

Để xác nhận tình trạng hôn nhân, ông S. đã phải đến Bắc Ninh và Bắc Giang và may mắn, những người sinh sống cùng nơi cư trú của ông S. thời điểm từ năm 1985 - 1995 ở Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn còn sống nên chính quyền địa phương đã xác minh, rồi xác nhận thời điểm sinh sống ở địa phương, ông S. không kết hôn với ai.

Từ đó, ông S. mang 2 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân từ năm 1985 - 1995 về Nam Định để làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân 1 lần nữa.

Năm 2009, khi còn độc thân, anh H. (ở Ninh Bình) mua một mảnh đất và đã hoàn tất thủ tục đứng tên trong giấy chứng nhận sử dụng đất. Năm 2020, anh H. lấy vợ và năm 2022, anh muốn bán mảnh đất này.

Dù hồ sơ mua đất vẫn còn lưu và vợ anh H. cũng xác nhận tài sản này có trước khi anh kết hôn, nhưng anh H. vẫn bị yêu cầu nộp xác nhận độc thân từ thời điểm anh mua đất trở về trước mới được hoàn tất thủ tục bán.

Vậy là, dù đã kết hôn 12 năm nhưng anh H. vẫn phải làm giấy xác nhận độc thân. Rắc rối là ở chỗ do công việc thay đổi, vợ chồng anh đã từng nhập hộ khẩu ở TP.HCM, Hà Nội, Ninh Bình… nên anh H. phải mất nhiều ngày đến từng nơi mình đã cư trú để xác nhận tình trạng độc thân.

Tương tự, chị L. (ở Thanh Trì, Hà Nội) mới đây cần làm thủ tục mua bán nhà đất và chị phải xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Trong khi chị L. không phải cư trú ở xã suốt từ đó đến giờ, nên phải có xác nhận từng giai đoạn tại từng địa phương trước.

“Hành trình của tôi là chuyển mấy lần hộ khẩu thì phải lần lượt quay lại từng nơi để xác nhận. Mất nhiều thời gian để xin được xác nhận, nhưng thời hạn có hiệu lực của giấy chỉ có trong 6 tháng”, chị L. cho hay.

Chỉ nên xác nhận ở nơi đang cư trú cuối cùng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ tư pháp tại một phường ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xác nhận thực trạng nhiều trường hợp công dân cư trú ở nhiều nơi khác nhau trước khi chuyển về địa phương nên phường phải yêu cầu công dân đi xác nhận tình trạng hôn nhân ở những nơi từng cư trú.

“Những trường hợp người dân không tự chứng minh được tình trạng hôn nhân thì UBND phường/xã có thể làm văn bản xác minh gửi về địa phương nơi họ đã từng ở để xác minh, nhưng việc gửi công văn xác minh cũng mất thời gian”, cán bộ này cho hay.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc xác nhận tình trạng hôn nhân khi mua bán, chuyển nhượng, thế chấp những tài sản có đăng ký quyền sở hữu là bắt buộc.

Thủ tục này nhằm giúp cơ quan chức năng tránh hoặc hạn chế xảy ra tranh chấp tài sản chung - riêng của vợ chồng, tẩu tán tài sản…

Trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1/1/2016), việc cấp giấy xác nhận độc thân cho người có yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 158/2005 và Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp.

Theo đó, thủ tục xin cấp giấy này dựa trên nguyên tắc cho phép người dân tự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm.

“Kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1/1/2016) và Nghị định 123/2015 ra đời, việc xin cấp giấy xác nhận độc thân không còn dễ như trước. Thực tế phát sinh tình trạng nhiều người sống ở nhiều địa phương khác nhau nên buộc phải xác nhận độc thân ở tất cả các nơi đã từng đăng ký hộ khẩu (từ lúc 18 tuổi đến hiện tại). Điều này gây khó cho người dân, nhất là những người ở nhiều tỉnh thành, thậm chí từng sống ở nhiều nước”, luật sư Bình cho biết.

Cũng theo luật sư Bình, cơ quan chức năng chỉ nên yêu cầu công dân xác nhận tình trạng hôn nhân ở địa phương đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng. Những nơi đăng ký hộ khẩu trước đó người dân tự cam đoan về tình trạng hôn nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật như trước.

“Về lâu dài, có dữ liệu hệ thống dân cư, thì người dân sẽ bớt khổ về sự nhiêu khê này”, ông Bình cho hay.

Về vấn đề xin xác nhận tình trạng hôn nhân, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định, sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính sẽ có trách nhiệm truy cập dữ liệu để xác nhận tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Tuy nhiên, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vẫn đang trong quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, do đó, công dân vẫn phải xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.