Xã hội

Những chuyện chưa kể vụ tìm máy bay MH370

20/06/2014, 06:34

Hơn một tuần lễ sát cánh cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam là quãng thời gian không thể quên đối với các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

Vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia chưa có hồi kết. Hơn một tuần lễ sát cánh cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam là quãng thời gian không thể quên đối với các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chỉ huy tác chiến trên máy bay thủy phi cơ
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chỉ huy tác chiến trên máy bay thủy phi cơ

Những chuyến bay đặc biệt

Nhận lệnh của tòa soạn đúng 5h sáng 10/3, có mặt tại Sây bay Nội Bài, bay chuyến sớm nhất vào Phú Quốc, nơi thành lập Sở chỉ huy tiền phương trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, tôi chỉ kịp vơ vội vài bộ quần áo và đồ nghề rồi tức tốc lên đường.

Có mặt tại Sân bay Nội Bài, đến bàn thủ tục đăng ký mua vé, tôi chỉ mong có ai đó hủy chuyến để có thể đến lượt mình. Tuy nhiên, tôi cũng không phải là hành khách duy nhất đến bàn đăng ký, mấy đồng nghiệp bên VTV cũng đang liên lạc với lãnh đạo Cục Hàng không mua vé đi Phú Quốc. Và không chỉ chúng tôi mà lãnh đạo Cục Hàng hải, Hàng không, Văn phòng Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng đang chờ vé...

Chỉ còn 30 phút là đến giờ cất cánh của chuyến sớm nhất (6h), nhân viên Cảng Hàng không sân bay Nội Bài mới ra thông báo với đoàn là tất cả đều có thể bay chuyến đầu tiên. Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì công việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đang rất khẩn trương với hy vọng dù mong manh để cứu nạn những hành khách may mắn sống sót đang phải lênh đênh trên biển.

Tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển lần này, Bộ Quốc phòng đã điều cả máy bay tuần thám, trực thăng và thủy phi cơ. Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận lệnh của Bộ Tổng tham mưu vừa bay từ đảo Trường Sa về Phú Quốc tăng cường cho lực lượng tìm kiếm.

“Đây là loại máy bay đa năng do Canada sản xuất, chở được 10 người kể cả phi hành đoàn, có thể hạ, cất cánh trên bộ có đường băng ngắn và trên mặt nước. Không phải lần đầu tiên quân đội Việt Nam có máy bay thủy phi cơ, mà trước đây Liên Xô cũ đã từng trang bị cho chúng ta nhưng vì nhiều lý do khác nhau những chiếc máy bay này không còn được sử dụng nữa” - Thiếu tướng Thành chia sẻ.

Kết thúc họp báo, Hội trường của Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc, mọi không gian dù nhỏ nhất đều trở thành nơi tác nghiệp của các phóng viên. Từ gầm cầu thang, cổng ra vào, hành lang... đều được các phóng viên sử dụng.

Tôi và phóng viên Duy Minh (Báo Quân đội Nhân dân), Trọng Thiết (Báo Hải quân) may mắn có mặt trên chiếc máy bay thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân. Cơ trưởng Steve Strackhouse người Úc vừa truyền đạt kiến thức và kỹ năng lái cho các phi công trẻ của lực lượng Hải quân, vừa căng mắt quan sát và truy tìm dấu vết chiếc máy bay nghi bị mất tích trên biển.

Luôn có mặt trong đợt tìm kiếm, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, dù có tốn kém về chi phí, chúng ta vẫn tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vì đây vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ nhân đạo. Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn đã tạo điều kiện cho các phóng viên trong nước và đặc biệt là các phóng viên quốc tế đến đưa tin. Hàng ngày các máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cà Mau, Phú Quốc đều có các phóng viên nước ngoài đi cùng. Riêng tại sân bay Phú Quốc, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương luôn có một máy bay trực thăng Mi - 171 đưa các phóng viên theo tổ công tác để tác nghiệp.

Một số phóng viên thắc mắc, tại sao lực lượng tìm kiếm cứu hộ VN lại đưa máy bay Mi - 171 vào sử dụng vì quá cũ kỹ, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, Việt Nam thiết lập tìm kiếm khép kín, bay cao nhất là máy bay tuần thám quét và chụp ảnh mọi vật thể lạ trên biển. Thấp hơn là máy bay trực thăng và DHC-6 bay ở tầm thấp (30 -100m) với tầm quan sát hẹp hơn nhưng tiếp cận mục tiêu tốt hơn. Trên mặt biển là tàu hải quân, cảnh sát biển, tàu SAR và hàng ngàn tàu cá sẽ mang lại hiệu quả tìm kiếm tốt nhất.

Tác giả tác nghiệp trên máy bay
Tác giả tác nghiệp trên máy bay

Làm báo bằng điện thoại

Sáng 10/3, khi đến Sân bay Phú Quốc, duy nhất có PV Báo Giao thông và Báo Tiền Phong theo sát Sở chỉ huy tiền phương. Là PV đi theo đoàn công tác của Bộ GTVT nên chúng tôi có điều kiện cập nhật thông tin đầy đủ và nhanh nhất về cuộc tìm kiếm. Ngay sau khi Thiếu tướng Thành thông báo về vật thể lạ được chụp ảnh trên biển rất giống chiếc phao, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã lập tức yêu cầu đưa máy bay thủy phi cơ vào tìm kiếm cũng như thông báo tọa độ để tàu hải quân tiếp cận.

Sau khi thiết lập đường dây liên lạc giữa các lực lượng tìm kiếm và trung tâm chỉ huy, mọi thông tin đều được chuyển đến chiếc máy bay thủy phi cơ DHC -6 . Diễn biến của sự việc được PV Báo Giao thông thông tin nhanh chóng về tòa soạn qua điện thoại.

Khi Thiếu tướng Thành nhận được tin tàu hải quân đã xác định được vị trí cũng như nhìn thấy vật nghi nổi trên biển, chúng tôi đã cập nhật nhanh nhất trên Báo Giao thông điện tử. Nếu xác định được đó là vật cứu sinh của máy bay, giả thiết chiếc MH370 rơi trong vùng biển của VN là chính xác để huy động lực lượng tiến hành trục vớt và cứu hộ.

Tuy nhiên, đáng tiếc là trong gần 30 phút sau, khi máy bay bay qua vùng trời thuộc đảo Thổ Chu, PV mới liên lạc được với tòa soạn bằng điện thoại thông báo đó chỉ là phao cá của ngư dân.

PV hãng AFP tác nghiệp trên trực thăng
PV hãng AFP tác nghiệp trên trực thăng

Phú Quốc chưa khi nào nhiều PV đến thế

Đây là chia sẻ của ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Chỉ trong buổi họp báo đầu tiên vào lúc 18h30 ngày 10/3 đã có gần 50 nhà báo trong nước và quốc tế đến đưa tin tại Sở chỉ huy tiền phương. Đến 8h sáng hôm sau (11/3 ) đã có hơn 100 phóng viên của các hãng thông tấn lớn như: AFP, Reuters, NHK, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… có mặt tại Phú Quốc.

Ông Đào Việt Dũng - Giám đốc Cảng Hàng không sân bay Phú Quốc, cho biết, các chuyến bay đến Phú Quốc trong các ngày 10 - 11/3 đều có nhà báo, phóng viên. Đó là chưa kể đến một số phóng viên đến Phú Quốc bằng đường bộ, đường biển. Buổi họp báo đầu tiên chúng tôi còn kê được ghế ngồi trong Hội trường của Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc. Sau đó, do phóng viên quá đông, bàn ghế đều phải đưa hết ra ngoài để đảm bảo không gian cho các phóng viên tác nghiệp.

Hơn một tuần lễ sát cánh với lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích, đội ngũ phóng viên trong và ngoài nước luôn nỗ lực đưa những thông tin nóng hổi nhất đến bạn đọc. Qua sự kiện này, bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao nỗ lực tìm kiếm vì mục đích nhân đạo cũng như thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Khánh Hà
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.