Xã hội

Những chuyện “dở khóc dở cười” sau vụ nắn cong đường ở Trà Vinh

19/07/2022, 06:35

Nhiều năm trôi qua, hệ lụy từ việc cố tình nắn cong tuyến đường số 1, tỉnh Trà Vinh để lại vẫn rất lớn, không biết khi nào mới giải quyết xong.

Ngay cả lãnh đạo tỉnh đương nhiệm cũng bối rối, chưa biết phải xử lý ra sao.

Chưa giao đất đã thu tiền

Cách đây 13 năm (2009), tỉnh Trà Vinh triển khai dự án tuyến đường số 1 nội ô thị xã (nay là thành phố) Trà Vinh, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 2.200m.

Trong quá trình thi công, Sở GTVT đã tự ý thay đổi quy mô, vị trí bằng cách nắn cong con đường này vào sát khu đất của nhiều quan chức và doanh nghiệp.

img

Những sai phạm, lùm xùm trên tuyến đường số 1 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, khi tổ chức đấu thầu, Sở GTVT đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực, tư cách trúng thầu.

Trong trường hợp người dân đã trót mua những bất động thuộc dạng “lúa non” như trong vụ việc này, nhưng đã phải thanh toán 100% số tiền thì có thể yêu cầu người bán hủy hợp đồng và hoàn trả toàn bộ số tiền.
Trường hợp phát sinh tranh chấp thì tiến hành việc khởi kiện tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ)


Trong tổng số hơn 280.300m2 đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, có hơn 40.700m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh.

Thanh tra tỉnh xác định, những sai phạm trên có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân. Thanh tra tỉnh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

Thời điểm triển khai dự án, có 253 hộ, gia đình và tổ chức có đất bị thu hồi với diện tích hơn 264.000m2. Trong số này, chỉ có 16 hộ đủ điều kiện cấp tái định cư, còn lại thuộc diện phân phối lại đất tại chỗ (là đất ở đô thị).

Sau khi đo đạc, kiểm kê, lập phương án bồi hoàn, thu hồi đất… tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt hạn mức giao đất là 22,5% đối với các hộ thuộc phường 6, và 24% đối với các hộ dân ở phường 9. Cứ 1 công đất (1.000m2), sẽ được bố trí lại 225m2 và 240m2 đất ở đô thị.

Đặc biệt, khi người dân đến nhận tiền bồi hoàn, chủ đầu tư (Sở GTVT) đã tiến hành thu luôn phần tiền trên diện tích đất dự kiến sẽ giao (đơn giá 100.000 đồng/m2). Nghĩa là thu luôn tiền sử dụng đất, mặc dù thời điểm này chưa có một hộ dân nào được giao đất tái định cư.

Do sai phạm, tuyến đường số 1 (giai đoạn 1 đã phải dừng lại). Đến năm 2018, tuyến đường được hoàn thành, nhưng những lùm xùm không thể chấm dứt. Một doanh nghiệp tư nhân được giao làm con đường theo hình thức BT, nhưng sau đó không được tỉnh giao đất như thỏa thuận ban đầu. Điều này kéo theo những hệ lụy dai dẳng. Tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hàng chục cuộc họp nhưng không có kết quả.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: “Dự án tuyến đường số 1 đã kéo dài rất nhiều năm. Đến nay, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giao tái định cư, dự án cũng chưa thể bàn giao về cho địa phương (TP Trà Vinh) quản lý. Hiện, tỉnh đang xin ý kiến Trung ương để giải quyết ổn thỏa”.

Ôm hận vì “lời hứa” không thực hiện

img

Hơn 10 năm qua người dân ở đường số 1 vẫn chưa được giao tái định cư. (Trong ảnh: Hai bên đường số 1 là đồng ruộng vắng hoe)

Theo điều tra của PV, thời điểm trước năm 2004, khi nghe tin dự án rục rịch triển khai, rất nhiều người đã đến khu vực dự án tìm mua và “gom” đất nhằm đầu cơ đón đầu.

Ông B. (người dân sinh sống lâu năm trong khu vực) kể: “Hồi đó, giá đất chỉ 20 triệu đồng/công (1.000m2), sau đó tăng dần theo thời gian. Đến khi giá đất tăng 135 triệu đồng/công thì người dân đã không còn đất để bán nữa. Lúc này, toàn bộ đất đã rơi vào tay “ông nọ bà kia”.

Cũng chính chuyện mua bán đất kiểu “lúa non” này mà nhiều người rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Sau thời gian bỏ xứ, gần đây, ông H.T.P. mới dám quay trở lại quê nhà ở Trà Vinh, khi chuyện nợ nần đã tạm ổn.

Từ trước năm 2009, khi dự án đường số 1 mới rục rịch triển khai, ông P. ngày nào cũng đi theo đoàn ra thực địa, xem người ta đo lộ, cắm mốc. Ngày đó, tuyến đường số 1 được phê duyệt thiết kế lên tới 48m bề rộng (bao gồm vỉa hè), đã nghiễm nhiên trở thành tuyến đường đẹp nhất ở nội ô TP Trà Vinh.

Vốn có máu kinh doanh, ông P. đã gom hết tiền trong nhà, rồi vay mượn thêm ngân hàng để mua hơn chục nền tái định cư. Thời điểm này, theo phương án được duyệt, mỗi nền tái định cư ở đường số 1 có diện tích 120m2 (4x30m).

“Do chưa có ai được giao đất, nên việc mua bán chỉ viết giấy tay, một số trường hợp họ đưa tui giữ quyết định bồi thường tái định cư để làm tin. Trong đó, diện tích tái định cư ghi bao nhiêu mét thì coi như tui mua bao nhiêu đó. Khi nào Nhà nước giao tái định cư thì họ sẽ chuyển nhượng lại cho tui”, ông P. nói và cho biết, khi tuyến đường hoàn thành, các lô nền ông mua sẽ ra mặt tiền, rồi ông sẽ bán lại với giá cao.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, đường số 1 đã bị “bẻ cong”, rồi lộ ra hàng loạt sai phạm, dẫn tới người dân không được giao đất tái định cư. Lúc này, ông P. mới tá hỏa vì mọi vốn liếng đã đổ hết vào đó.

“Từ tháng 9/2009, dự án phải tạm dừng do sai phạm, không biết bao giờ làm tiếp. Khoảng thời gian này, tui liên tục bị ngân hàng siết nợ. Hết cách tui đành phải bán tháo bán đổ với giá trị chỉ bằng một nửa so với lúc mua và lâm vào cảnh nợ nần tứ phía.

Có một dạo, công an tìm đến tui để hỏi: “Làm sao biết có đất tái định cư để tìm mua, người nào chỉ?”. Lúc đó tui nói, người ta có nhu cầu bán thì tui mua. Các bên cam kết khi nào nhà giao đất thì chuyển nhượng. Tui đâu có đi lừa gạt ai”, ông P. cho tiết lộ.

Hiện tại, ông P. vẫn còn một số nền tái định cư ở đường số 1. Hơn 10 năm qua, chính quyền không giao đất đã gây ra những bức xúc lớn trong dân.

“Tui đề nghị chính quyền phải thực hiện đúng những gì đã cam kết với dân. Còn nếu dự án không làm thì phải trả lại đất ban đầu cho dân”, ông P. kiến nghị.

Cũng ở TP Trà Vinh có trường hợp của bà B. bị ảnh hưởng hơn 1.500m2 bởi dự án. Bà B. được bố trí 3 nền tái định cư. Do cuộc sống khó khăn, một dạo bà B. đã bán lại 1 nền cho người khác với giá hơn 200 triệu đồng.

Nhiều năm sau, do chờ mãi không thấy giao đất, nên bên mua đã bức xúc làm đơn tố cáo bà B. đến cơ quan chức năng, cho rằng đã bị bà B. lừa đảo.

Vụ việc sau đó… “hòa cả làng”, vì cơ quan chức năng xác định hai bên đã thỏa thuận: Khi nào Nhà nước giao đất, thì bà B. chuyển nhượng lại cho bên mua.

Hiện tại, đất chưa giao thì B. không có đất để chuyển, nên không vi phạm thỏa thuận mua bán. Hơn nữa, đây là giao dịch dân sự, và bà B. không bỏ trốn cũng không có dấu hiệu lừa đảo.

Ở Trà Vinh, những trường hợp như ông P. hay bà B. nhiều không đếm xuể. Từ thời điểm trước năm 2004, khi nghe tin dự án rục rịch triển khai, rất nhiều người đã đến khu vực dự án tìm mua và “gom” đất nhằm đầu cơ đón đầu.

Ban đầu, người này bán đất cho người kia. Sau đó, người kia chờ mãi vẫn không thấy được giao đất tái định cư nên lại bán cho người khác. Đất ở đây giờ đã qua tay rất nhiều người, không biết chủ gốc đâu mà lần.

Liên quan đến việc Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh cung cấp các văn bản, tài liệu về dự án đường số 1, ngày 5/7, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, đến nay tỉnh đã cung cấp đầy đủ. Hiện, tỉnh đang chờ các cơ quan Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc trên tuyến đường này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.