Vận tải

Những đề xuất táo bạo “lột xác” vận tải thuỷ

31/12/2017, 22:09

Sẽ có những cơ chế chưa từng có để giao thông thuỷ không còn trì trệ...

28

Việc khai trương tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông tạo điểm nhấn về du lịch đường thủy cho TP.HCM

Năm của nhiều dự án giao thông thủy

Những ngày cuối năm 2017, người dân TP.HCM hào hứng trải nghiệm dịch vụ mới buýt đường sông. Đây là dự án đã được nhà đầu tư ấp ủ 8 năm mới thành hiện thực. Tuyến buýt đường sông này có lộ trình dài 10,8km từ bến Bạch Đằng (Q.1) theo sông Sài Gòn ghé bến Bình An (Q.2) đến kênh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), bến Hiệp Bình Chánh và kết thúc tại bến Linh Đông (Q.Thủ Đức). Dù 10 ngày miễn phí sau đó bán vé 15.000 đồng/lượt, buýt sông vẫn thu hút gần 1.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, do kích thước buýt sông nhỏ, chỉ chở 75 hành khách nên nhiều người dù muốn cũng chưa được trải nghiệm.

Bác Nguyễn Quốc An (Q.2) cho biết, dịch vụ buýt sông thu hút người dân không chỉ vì mới lạ mà còn bởi cảnh sông nước của thành phố. Lâu nay, người dân muốn tham quan cảnh sông nước phải trả chi phí cao cho các tàu du lịch hạng sang. Giờ có buýt đường sông với giá hợp lý nên ai cũng muốn đi thưởng ngoạn. “Lễ, Tết mà đi du xuân sông nước trên tàu thế này thật thích, mong sao thành phố có nhiều tuyến buýt sông hơn để người dân có điều kiện thưởng ngoạn cảnh sông nước quê hương”, bác An chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư buýt sông cho biết, sẽ tăng cường phương tiện theo lộ trình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, đồng thời tạo tính kết nối của mạng lưới buýt.

Một niềm vui khác đối với người dân Cần Giờ là những ngày cuối năm 2017, Công ty Cổ phần GreenlinesDP đã khai trương tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vũng Tàu. Đây là những tàu cao tốc hiện đại được đóng theo tiêu chuẩn châu Âu với suất đầu tư hàng triệu USD phục vụ người dân TP.HCM và du khách. Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc GreenlinesDP cho biết, việc đưa tuyến cao tốc Bạch Đằng - Cần Giờ vào khai thác nằm trong kế hoạch kết nối các điểm du lịch gồm trung tâm TP.HCM - Cần Giờ và Vũng Tàu. “Tuyến tàu cao tốc này sẽ thêm một lựa chọn cho người dân TP.HCM và khách du lịch trong kế hoạch du xuân đón chào năm mới”, ông Hải nói.

29

Tàu cao tốc GreenlinesDP chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu

Vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, với hơn 1.000km đường sông, kênh, rạch, TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển giao thông thủy nhưng chưa khai thác hết. Ông Trường cho rằng, tuyến buýt đường sông số 1 chỉ mới là bước đầu, cần sớm triển khai các tuyến khác để tạo tính kết nối giao thông.

Nhiều chuyên gia đã nhận thấy tiềm năng khai thác hệ thống giao thông thủy và có những đề xuất phát triển mạng lưới này. Một đề xuất khá táo bạo gần đây thu hút sự chú ý của dư luận là của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt với ý tưởng tổ chức đường hoa trên sông. Theo ông Mỹ, đường hoa Nguyễn Huệ sau hơn 10 năm tổ chức đã làm tốt vai trò của nó. Muốn có một sự thay đổi tạo điểm nhấn về du lịch, thành phố nên tổ chức đường hoa trên sông.

"Theo tôi, phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOO là khả thi nhất, doanh nghiệp nào có phương án đầu tư cảng bến, luồng tuyến nào cứ đề xuất, Sở GTVT sẽ trình UBND thành phố xem xét chấp thuận."

Ông Bùi Xuân Cường

“Có thể chọn một đoạn sông Bến Nghé để tổ chức họp chợ dưới sông như chợ nổi Cái Răng. Hai bên bờ trang trí các loại hoa, cây cảnh như đường hoa Nguyễn Huệ. Cảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập sẽ tạo điểm nhấn du lịch độc đáo, khác biệt mà không nơi nào có được”, ông Mỹ nói.

Ông Đỗ Hoàng Vĩnh, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Gia còn đề xuất tổ chức Festival du thuyền trên sông từ Đà Nẵng về TP HCM dịp 30/4 hàng năm. Theo ông Vĩnh, tại TP.HCM hiện có nhiều doanh nghiệp, cá nhân có du thuyền, nếu kết nối tốt sẽ tạo được một câu lạc bộ du thuyền rất đông đảo. “Chúng ta đã có cuộc đua xe đạp vào dịp 30/4 hàng năm, nếu tổ chức thêm cuộc đua du thuyên để chào mừng ngày lễ trọng đại này, chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế đến với TP.HCM hơn”, ông Vĩnh đề xuất.

Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, muốn phát triển giao thông thủy trước hết thành phố cần quy hoạch lại hệ thống bến bãi, rất nhiều tàu du lịch, tàu khách, du thuyền hiện nay không có bến đỗ. Hiện nay hệ thống bến cảng cho vận tải hành hóa cơ bản đã có, nhưng bến cho hành khách, tàu du lịch chưa được quy củ. “Cần giữ lại hệ thống bến bãi dọc sông Sài Gòn, đặc biệt là cảng Sài Gòn - Khánh Hội để phục vụ phát triển du lịch, vận tải hành khách bằng đường thủy, tránh tình trạng các dự án bất động sản triển khai trên bờ chiếm luôn cả bờ sông bên dưới”, ông Xuân Anh kiến nghị.

Trấn an những lo ngại của các chuyên gia, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó có lĩnh vực giao thông.

Sở GTVT đang lập quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị để có đề xuất quy hoạch, khai thác các khu vực cảng một cách hợp lý. Quan điểm của thành phố là phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông thủy, trong đó luật đã quy định từ bờ lùi vào 50m là khu vực cảng bến do Nhà nước quản lý.

Ông Cường cũng chỉ ra thực trạng cảng bến hiện nay là chỉ mới đầu tư để phục vụ giao thông, tức là các bến chỉ cho hành khách lên xuống, chưa đầu tư nhà chờ, nhà vệ sinh, các dịch vụ giải khải, kết nối với các điểm du lịch. Sắp tới, Sở GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Sở Du lịch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc để điều chỉnh lại toàn bộ những vấn đề này.

Phát triển giao thông thủy phải gắn với du lịch, luồng tuyến phải có các điểm đến là nơi du lịch để phục vụ người dân đi làm việc hàng ngày, đồng thời cũng phục vụ một lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế muốn khám phá cảnh sông nước Sài Gòn.

Về cơ chế đầu tư, ông Cường khẳng định, tinh thần sẽ tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư trong việc đầu tư cảng bến, luồng tuyến phát triển giao thông thủy.

Trước đây, quan điểm kêu gọi nhà đầu tư đóng tàu, chạy tuyến rồi thu tiền của hành khách, còn cảng bến là của Nhà nước nên nhà đầu tư ngại. Giờ giao cho nhà đầu tư cải tạo cảng bến, có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước có thêm nguồn thu phí, người dân có phương tiện để đi và doanh nghiệp cũng có lợi nhuận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.