Thế giới

Những điều ít biết về vụ mua bán tàu Liêu Ninh của Trung Quốc

25/10/2014, 06:31

Từ đầu năm 2011, dư luận thế giới rộ lên về chuyện Trung Quốc tậu được con tàu Varyag của Ukraine, nâng cấp nhằm tạo ra một tuần dương mẫu hạm mang màu sắc Trung Quốc...

img

Vài nét trích ngang của Varyag

Varyag (tên tiếng Nga Варяг) hay Viking là tàu sân bay do hãng South Nikolayev của Liên Xô chế tạo, bắt đầu khởi công ngày 4/12/1988, đến 1992 thì ngưng khi mới hoàn tất được 60%. Varyag thuộc thế hệ tàu sân bay Admiral Kuznetsov, tải trọng 33.000 tấn, dài 300m, tốc độ 32 hải lý/h (59 km/h), phạm vi hoạt động 7.130 km trong thời gian 45 ngày, chở được 1.960 thủy thủ và 40 nhân viên với trên 3.857 phòng.

Vũ khí chính gồm tên lửa HQ-9 tầm xa, bệ tên lửa chống tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1, bệ phóng tên lửa tầm gần FL-3000N cùng 60 tên lửa và nhiều vũ khí hiện đại khác. Varyag dừng chế tạo năm 1992 do nhà nước Liên Xô tan rã, sau đó được chuyển giao cho Ukraine nhưng quốc gia này không đủ khả năng để tiếp tục dự án.

Từ đó, Varyag rơi vào tình trạng không được bảo dưỡng, nhiều thiết bị bị tháo gỡ mang đi bán. Năm 1998, Trung Quốc mua lại Varyag với giá thắng thầu 20 triệu USD.

img

Hành trình mua bán tàu Varyag

Trong một cuộc tập luyện gần đây, tàu sân bay Liêu Ninh đã xảy ra một sự cố "đường ống trong lò hơi bị rò rỉ" làm giảm áp buồng đốt dẫn tới mất điện hoàn toàn. Nước nóng và hơi nước phun ra từ hầm động cơ khiến thủy thủ phải di tản, rất may không có ai bị thương.

Trước khi Trung Quốc đưa Liêu Ninh vào phiên chế chính thức trong lực lượng hải quân (9/2012), nhiều chuyên gia đã cảnh báo, thiết kế nồi hơi phức tạp, không đáng tin cậy chính là “quả bom hẹn giờ” đối với các tàu kiểu này.

Trung Quốc cho biết họ mua con tàu phế thải này để làm khách sạn và sòng bạc nổi tại Ma Cao nhưng sau khi thương vụ thành công, con tàu phế thải nói trên đã được kéo thẳng về cảng Đại Liên, Liêu Ninh để nâng cấp.

Theo nguồn tin hãng AFP, thì từ đầu tháng 4/2011, nhiều trang tin của Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã đồng loạt tung ảnh về chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên này và cho hay Varyag sẽ được dùng cho mục đích huấn luyện phi công, làm cơ sở để Trung Quốc tự chế tạo tàu sân bay trong tương lai.

Còn theo tờ Defenece News & Intelligence ( Mỹ) thì Varyag đã được tái trang bị, nâng cấp sẽ được đưa ra thử nghiệm trên biển vào mùa hè năm nay.

Nếu chỉ để làm sòng bạc thì mọi chuyện chẳng có gì để nói, song có rất nhiều chuyện "không khớp" trong phi vụ vụ mua bán này. Chuyện bắt đầu từ tháng 4/1998 khi Bộ trưởng Thương mại Ukraine- Roman Shpek tuyên bố, công ty của Hong Kong, Chong Lot Travel Agency Ltd đã thắng thầu với giá 20 triệu USD. Sau đó Chong Lot đề nghị dẫn kéo Varyag qua Biển Đen vượt kênh đào Suez vòng qua biển phía nam về Macau. Thay vì trở thành sòng bạc, Varyag lại trở thành vũ khí của hải quân Trung Quốc (PLAN).

Trước khi cuộc bán đấu giá kết thúc, các quan chức Macau đã được cảnh báo rằng Varyag sẽ không cập cảng Macao như dự kiến mà sẽ được đưa về Đại Liên. Cũng phải nói thêm rằng, Chong Lot Travel Agency Ltd là công ty con thuộc nhóm Chin Luck (Holdings) Company. Bốn trong số 6 thành viên hội đồng quản trị của công ty là người Yên Đài, Trung Quốc, nơi nhà máy đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc đặt bản doanh và chủ tịch Chin Luck đều là cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc.

Trong lịch sử Trung Quốc rất hiếm khi một cựu sĩ quan quân đội lại tham gia lĩnh vực du lịch, giải trí, bởi vậy giới thao tin cho rằng đây là một "kịch bản" chưa thật hoàn hảo.

img

Vào giữa năm 2000, Công ty tàu kéo Suhaili ITC của Hà Lan cùng thủy thủ đoàn người Philippines được thuê để kéo Varyag về Trung Quốc.  Do Chong Lot không xin được giấy phép từ phía chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để qua eo biển Bosporus nên công việc đã  bị giãn tiến độ. Varyag đã phải nằm lì ở Biển Đen suốt 16 tháng ròng.

Theo Hiệp ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho phép đi lại miễn phí nhưng nếu việc vận chuyển gây ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể từ chối. Đằng sau sự từ chối này là mối lo ngại trong chính giới Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề quân sự mà phía Nhật Bản đã cảnh báo nhân chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ của đoàn cấp cao Nhật Bản trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán Trung-Thổ.

Theo người Nhật, Varyag thật sự do chính phủ Trung Quốc đặt mua còn công ty Chong Lot Travel Agency Ltd chỉ là bình phong. Người Nhật tin rằng, mục đích của Trung Quốc là nghiên cứu mẫu tàu Varyag để đóng tàu sân bay mới. Phía Trung Quốc đã phủ nhận. Phía Trung Quốc còn tố Mỹ đứng đằng sau phi vụ này, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn mềm mỏng đàm phán để đạt được mục tiêu đề ra.

Cuối cùng, ngày 1/11/ 2001, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhượng bộ cho phép và nghe nói để có được phép đi qua eo Bosporus, Trung Quốc đã phải chi ra tới 361 triệu USD, gấp trên 18 lần so với giá thực của con tầu. Theo báo chí Nga, có tới 16 phi công và 250 thủy thủ đã được huy động cho cuộc dẫn tàu. Ngoài ra, nó còn được hộ tống bởi 27 tàu, gồm 11 tàu kéo và ba tàu dẫn đường và phải mất 6 giờ để đi qua eo biển, trong khi những tàu lớn khác chỉ mất một tiếng rưỡi.

Ngày 20/2/2002, Varyag đã về đến hải phận Trung Quốc và sau đó gần một tháng nữa mới về đến Nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tổng chi phí về tới Đại Liên là trên 30 triệu USD, gồm 25 triệu USD trả cho chính phủ Ukraine, gần 500.000 USD lệ phí quá cảnh, và 5 triệu USD cho tiền kéo, chưa kể 361 triệu USD tiền trả cho Thổ Nhĩ Kỳ.

img

Tương lai của Varyag

Tạp chí Jane"s Defence Weekly (JDW) cho hay, việc mua tàu Varyag (sau được đổi tên thành Liêu Ninh) của Trung Quốc là để phục vụ cho hải quân, bởi theo người Trung Quốc, thế kỷ 21 là "thế kỷ của biển" và mục tiêu hiện đại hóa hải quân mà Trung Quốc đã từng mong đợi trong nhiều thập kỷ, cố gắng xây dựng được vai trò ảnh hưởng quân sự của mình tại khu vực châu Á.

Tạp chí này còn cho biết thêm, Varyag mang cờ hiệu 83 và được đặt tên lại là Shi Lang, tên của một đô đốc có công lớn dưới triều đại Minh - Thanh, người đã từng chinh phục Đài Loan vào năm 1681.

Cuối năm 2008, tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết, tàu sân bay Varyag đã "gần như hoàn thành". Tháng 4/2009 đã được kéo vào xưởng đóng tàu số 3 của nhà máy đóng tàu Đại Liên. Từ cuối tháng 4/2009, công việc tập trung vào lắp đặt các thiết bị và sửa chữa thân tàu được liên tục tiến hành và mãi đến tháng 4/2010, tàu Varyag được kéo ra khỏi xưởng đóng tàu để  lắp đặt thêm một hệ thống điện tử hải quân mới.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ trang bị thêm cho Varyag loại tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và YJ-91. Máy bay trên boong sẽ là loại Shenyang J-15 do Trung Quốc tự sản xuất. Sau khi đưa vào hoạt động, Varyag có khả năng mang 26 máy bay chiến đấu và 24 trực thăng.

img

Giới phân tích quân sự Mỹ cho rằng, tàu Varyag có thể đi vào hoạt động trong năm 2012 để huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. Họ cũng ước tính Trung Quốc sẽ có một tàu sân bay tự đóng vào năm 2015. Nếu thành công trong việc xây dựng tàu sân bay, Trung Quốc sẽ là nước thứ ba ở châu Á có loại tàu này, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tàu sân bay được gọi là vương quốc di động, tấn công tàu sân bay có nghĩa là tuyên chiến với nước sở hữu tàu. Vì vậy, việc hạ thủy Varyag là điều nhiều nước có chung hải phận với Trung Quốc không mong muốn.

Riêng đối với Mỹ, việc Varyag hạ thủy không có ý nghĩa lớn bởi Mỹ có tới hơn 10 cụm tàu chiến đấu sân bay kiểu này đang lởn vởn ngoài khơi hải phận quốc tế.

 

Khắc Nam (Theo Net, Taiwan Time, Military-Today)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.