Hạ tầng

Những dự án BT “mắc kẹt” ở TP.HCM chờ hồi sinh

04/07/2023, 10:00

Loạt dự án BT dang dở, án binh bất động ở TP.HCM kỳ vọng sẽ được hồi sinh khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua.

Loạt dự án “đóng băng” chờ cơ chế

Mười năm trước, ông Nguyễn Văn Khải (58 tuổi, quận 8) cùng nhiều hộ dân sinh sống trên đường Cây Sung nghe thu hồi đất làm dự án cầu đường Bình Tiên đã khấp khởi vui mừng. Ai nấy cũng trông ngóng từng ngày công trình nối thẳng qua Nam Sài Gòn để đi lại thuận tiện.

img

Cầu Bình Tiên bắc qua kênh Tàu Hũ kỳ vọng sẽ được tái khởi động theo hình thức BT. Ảnh: Lê Hoàng

Nhưng rồi ông và những cư dân nơi đây mòn mỏi chờ đợi suốt một thập kỷ. Nhiều hộ dân gặp khó trong việc xây sửa nhà cửa vì lo ngại vướng dự án “treo”.

Khu vực người dân sinh sống tại nơi triển khai dự án cầu đường Bình Tiên chỉ cách khu đô thị sôi động và giàu tiềm năng bậc nhất phía Đông thành phố hơn 2km.

Nghị quyết mới được thông qua trong bối cảnh có nhiều tác động khách quan, chính sách pháp luật chồng chéo, xung đột.
Với điểm nghẽn hạ tầng đã nhìn rõ, thành phố cần khởi động các dự án đóng băng nhanh để lấy lại niềm tin. Bên cạnh việc triển khai những vấn đề kinh tế ngân sách, thành phố phải xác định việc xây dựng, hoàn thành dự án giao thông là đầu việc quan trọng.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư
Thành ủy TP.HCM

Thế nhưng, để đến được nơi này, người dân phải chọn đi vòng qua bến Bình Đông, cầu Nhị Thiên Đường hay quốc lộ 50. Còn dự án sau một thập kỷ trông đợi của họ vẫn “ở trong tưởng tượng”.

Dự án cầu, đường Bình Tiên dài 3,2km, nối các quận 6, 8 và huyện Bình Chánh.

Điểm đầu dự án tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào tuyến Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh).

Được HĐND TP.HCM đánh giá là dự án quan trọng không kém dự án Rạch Xuyên Tâm, tuy nhiên trải qua 4 nhiệm kỳ, công trình đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Hồi năm 2011, công trình được giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2015.

Tuy nhiên, sau đó phương án đổi đất lấy hạ tầng không đạt yêu cầu nên chủ đầu tư rút. Năm 2017, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục đầu tư theo hình thức BT với 4 nhà đầu tư tham gia, nhưng 3 năm sau, công trình bị dừng thực hiện theo hợp đồng này vì pháp lý chưa chặt chẽ.

Trong ngôi nhà đã xuống cấp, ông Khải không hiểu vì sao lâu như vậy công trình vẫn chưa được xây dựng. Người đàn ông lớn tuổi cũng như hàng chục hàng xóm khác chỉ biết tự hỏi nhau “không biết khi nào?”.

Ngoài dự án cầu đường Bình Tiên, các công trình lớn như cầu Cần Giờ (nối Nhà Bè và Cần Giờ), Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức với quận 7) dự kiến đầu tư theo hình thức PPP (bao gồm BT), đều phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư và bị ngừng triển khai sau khi Trung ương chủ trương dừng các dự án đầu tư theo hình thức BT vào năm 2018.

Trong đó, có dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 7, tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng. Đây là một trong 11 dự án trọng điểm dự kiến được UBND TP.HCM trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 7 tới. Nếu được thông qua, công trình dự kiến được triển khai theo hình thức BT, giai đoạn 2024 - 2027.

Cầu Thủ Thiêm 4 dài 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe, vận tốc 60km/h. Năm 2015, nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bằng hình thức BT, đổi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Riêng cầu Cần Giờ (thay phà Bình Khánh) có quy mô lớn nhất, bắc qua sông Soài Rạp, kết nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Công trình có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến kết hợp hợp đồng BT, vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn tồn tại nhiều dự án trọng điểm được áp dụng hợp đồng BT nhưng vướng thủ tục thanh toán gây trì hoãn tiến độ như Vành đai 2 (đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa); đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; dự án xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3)...

Kỳ vọng hồi sinh

img

Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM

Theo Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54) được áp dụng từ ngày 1/8, TP.HCM sẽ áp dụng trở lại thực hiện hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và Hợp đồng xây dựng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) cho một số công trình trọng điểm.

Theo đó, những dự án cấp bách sẽ thoát cảnh phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Về hướng áp dụng Nghị quyết cụ thể, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết theo cơ chế mới, TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

“Hiểu đơn giản là thay đổi hình thức đầu tư công sang hình thức BT (kêu gọi đầu tư), dự án sẽ được lập chủ trương đầu tư, thực hiện như dự án mới”, ông Bằng nói.

Theo đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được áp dụng tương tự dự án PPP. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án BT cũng được áp dụng như các dự án có vốn đầu tư công (theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng).

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thực hiện theo hợp đồng BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai, thiết kế cơ sở được phê duyệt. Về quy trình, ông Bằng cho hay, UBND TP.HCM sẽ chủ trì quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính.

HĐND TP quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình; hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu; đồng thời kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

Ông Bằng cũng lưu ý dự án BT chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn: “Tổng mức đầu tư dự án theo hợp đồng BT được xác định như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo pháp luật về xây dựng, lãi vay và lợi nhuận hợp lý”.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: Nghị quyết mới có 7 nhóm giải pháp lớn với 4 điều khoản, nhằm xây dựng cơ chế để khơi thông tối đa nguồn lực về các lĩnh vực như tài chính, đầu tư, tổ chức bộ máy, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.

Trong bối cảnh kế hoạch vốn trung hạn của TP.HCM có hạn, chỉ 142.000 tỷ đồng, không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết là 162.000 tỷ đồng, việc áp dụng hình thức đầu tư BT, BOT sẽ giúp TP.HCM kêu gọi thêm nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Cùng góc nhìn, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại TP.HCM là thiếu nguồn vốn.

“Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương lẫn các khoản vay ODA tối đa chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, 50% còn lại phải trông chờ vào các nguồn lực xã hội”, ông Phúc nói và cho rằng các chính sách, cơ chế đặc thù mới của Nghị quyết 98 sẽ tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông thông qua các phương thức như BT (trả chậm), BOT và mô hình TOD.

Với 13 triệu dân, quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước và đóng góp hơn 23% GDP quốc gia, TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, hàng đầu của Việt Nam.

Thế nhưng, nhiều năm qua, “chiếc áo” cơ chế ngày càng chật khiến thành phố đầu tàu đi chậm lại. Để tạo thêm không gian cho TP.HCM bứt phá, linh hoạt phát triển, tăng tính tự chủ và trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù thay thế Nghị quyết 54 (năm 2017) hôm 24/6. Nghị quyết mới chính thức có hiệu lực từ 1/8.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.