Đường bộ

Những khối cát đầu tiên về công trường cao tốc trục ngang qua Cần Thơ

17/04/2024, 13:58

Những khối cát đầu tiên từ An Giang ngược dòng sông Hậu để đến công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau bao ngày chờ đợi.

Khởi công 10 tháng qua, dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua Cần Thơ luôn trong tình trạng đói cát.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Chỉ huy trưởng gói thầu 11 (thuộc Tập đoàn Định An) cho biết, thời gian qua các đơn vị thi công chỉ biết dọn dẹp mặt bằng, bóc đất hữu cơ, xây cầu... để chờ cát.

Những khối cát đầu tiên về công trường cao tốc trục ngang qua Cần Thơ- Ảnh 1.

Những sà lan cát đầu tiên đã về đến công trường dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Khoảng ba ngày nay, những chiếc sà lan đã chở những khối cát đầu tiên về đến công trường. Theo ông Đạt, hiện có 7 sà lan, mỗi sà lan chở từ 800-900m3 cát từ mỏ Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) về tập kết ở huyện Vĩnh Thạnh. 

Có cát, các đơn vị thi công khẩn trương đem về công trường để thi công. Những khối cát đầu tiên khiến tinh thần của các nhà thầu, công ty liên danh lên rất cao. Biết sắp có cát, trước đó các đơn vị thi công đã tập trung đào đất, khi cát về là lập tức huy động các thiết bị để san lấp.

Tuy nhiên, việc vận chuyển cát từ sà lan về điểm tập kết cũng còn gặp khó khăn khi vướng mặt bằng nhà dân. Theo ông Đạt, cát được bơm từ sà lan lên điểm tập kết, sau đó sẽ có xe chở về các gói thầu.

Những khối cát đầu tiên về công trường cao tốc trục ngang qua Cần Thơ- Ảnh 2.

Công trường dự án thành phần 2 cao tốc trục ngang qua Cần Thơ "đói" cát nhiều tháng qua.

Đại diện đơn vị vận chuyển cát cho biết thêm, mỏ cát Bình Phước Xuân có công suất khai thác hơn 5.000m3 mỗi ngày. Trong quá trình vận chuyển cát từ mỏ, sà lan đều được gắn thiết bị định vị, đảm bảo công khai, minh bạch từ khâu khai thác đến vận chuyển.

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư) dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 7 triệu m3 cát đắp nền. Khai thác được mỏ cát Bình Phước Xuân, dự án vẫn cần hơn bốn triệu m3 cát nữa.

Ban cũng đã làm việc với các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang để giải quyết nhu cầu cát còn lại. Ngoài ra, hồi cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo về kết quả đánh giá cát biển để san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông. 

Những khối cát đầu tiên về công trường cao tốc trục ngang qua Cần Thơ- Ảnh 3.

Cát được bơm từ sà lan lên điểm tập kết trước khi đến từng gói thầu.

Trên cơ sở này, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cũng đã có công văn giới thiệu các nhà thầu đến làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để đăng ký nhu cầu sử dụng và thực hiện các thủ tục khai thác cát biển phục vụ dự án.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.

Dự án gồm bốn dự án thành phần, đồng loạt khởi công hồi 17/6/2023. Trong đó, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, dài hơn 57km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn Cần Thơ, chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.

Và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.