Chất lượng sống

Những lễ hội lớn sau tết Nguyên đán

14/02/2024, 09:00

Sau tết Nguyên đán là dịp nhiều gia đình du xuân, vui chơi hội hè. Dưới đây là những lễ hội lớn diễn ra đầu năm ở khu vực phía bắc.

Hội chùa Hương

Đầu tiên phải kể đến Lễ hội Chùa Hương - lễ hội dài ngày nhất Việt Nam. Năm 2024, lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 11/2 đến hết ngày 11/5 (tức từ ngày mùng 2 tháng Tết đến hết ngày 4/4 năm Giáp Thìn).

Ngày khai hội chính thức diễn ra vào 15/2, tức ngày mùng 6 tháng Giêng tại sân chùa Thiên Trù - Chùa Hương.

Những lễ hội lớn sau tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Khai hội Chùa hương diễn ra ngày 15/2.

Đây là lễ hội đặc trưng với phần lễ hội tụ đầy đủ các nghi thức tôn giáo của Việt Nam: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.

Lễ hội chùa Hương mở đầu bằng nghi lễ khai sơn nhằm tạ ơn các vị thần núi, cảm tạ Chúa Sơn Lâm và mong ước một năm mưa thuận gió hòa, may mắn, mùa màng bội thu. Sau nghi lễ khai sơn là lễ dâng hương để tưởng nhớ các vị tướng của vua Hùng.

Năm nay, lễ hội đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp, đồng thời bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.

Hội khai ấn đền Trần

Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 20/2 đến 25/2 (tức ngày 11-16 tháng Giêng), với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Khai ấn đền Trần được diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

Những lễ hội lớn sau tết Nguyên đán- Ảnh 2.

Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra trong 5 ngày, từ 20/2 đến 25/2 (tức 11-16 tháng Giêng).

Lễ hội khai ấn đền Trần nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều nhà Trần trong dựng nước, khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi và truyền thống yêu nước, giữ nước với chiến công ba lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông.

Ngoài ra, năm nay lễ hội sẽ có nhiều điểm mới so với những năm trước như có thêm các hoạt động triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát xẩm, hát văn, múa rối nước...

Lễ hội đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ Quốc gia, với ý nghĩa hành hương trở về cội nguồn dân tộc. Lễ hội diễn ra tại đền Hùng, Phú Thọ, kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 (Âm lịch) hằng năm, trong đó mùng 10 là chính hội.

Lễ hội đền Hùng gồm có phần lễ và phần hội. Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là "lễ tam sinh" (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu...

Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp theo đến các cụ bô lão của làng, xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.

Những lễ hội lớn sau tết Nguyên đán- Ảnh 3.

Lễ hội đền Hùng diễn ra từ 8-11 tháng 3 (Âm lịch)

Lễ hội chùa Bái Đính

Trong số các lễ hội lớn không thể không kể đến lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình). Lễ hội này được khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Phần lễ ở chùa Bái Đính sẽ được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và bà chúa Thượng Ngàn, rước từ khu chùa cổ ra khu chùa mới. Tiếp đó là phần hội, bao gồm các trò chơi dân gian, ngắm cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật truyền thống…

Những lễ hội lớn sau tết Nguyên đán- Ảnh 4.

Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Ngoài ra, khu vực phía Bắc còn các lễ hội lớn khác như:

Lễ hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng áo vải huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Hội chùa Thầy hội diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch. Lễ hội bên cạnh phần lễ với những nghi thức truyền thống được thực hành đầy đủ, còn có những không gian tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, cùng các trò chơi dân gian gắn bó với người dân bản địa, như: Cờ tướng, cờ người, đánh đu, bịt mắt đập niêu, kéo co…

Hội Lim là lễ hội lớn truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, chính hội diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (hay 13/1 Âm lịch) hằng năm. Nét riêng biệt của hội Lim khác so với các lễ hội đó chính là hội của 6 làng chung nhau nên đám rước sẽ diễu hành, thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng của các làng dọc theo dòng sông Tiêu Tương.

Lễ hội Xuân Tây Yên Tử khai hội vào ngày 12 tháng Giêng.

Lễ hội chùa Tây Phương hàng năm diễn ra từ đầu xuân năm mới, chính hội là ngày 6/3 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.

Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17/2/2024 (tức ngày 6-8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 17/02/2024 (tức các ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng - Âm lịch). Hàng năm, ngày mùng 6 Tết là chính hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.