Chuyện dọc đường

Những lợi ích khi làm cầu cạn cao tốc

18/07/2023, 06:30

Xây cầu cạn kết hợp với những đoạn chạy trên mặt đất được coi là giải pháp khả thi để khắc phục việc thiếu cát, đất đắp nền cao tốc tại ĐBSCL.

Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai xây dựng và hoàn thành hàng loạt dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 463km.

Đó là các dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

img

Lựa chọn làm cầu cạn trên cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới không chỉ khắc phục được những rủi ro kỹ thuật mà còn giúp tuyến đường tăng tính thẩm mỹ qua khu vực đồi núi (Ảnh minh họa).

Theo tính toán, trong giai đoạn 2022-2025 vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền cao tốc. Với việc sử dụng cát sông, trữ lượng mỏ cát được cấp phép khai thác ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... chỉ đáp ứng một phần.

Trữ lượng cát sông được các tỉnh nói trên cấp phép khai thác trong giai đoạn này khoảng 5,6 triệu m3, trung bình mỗi năm chỉ khai thác được 1,9 triệu m3.

Hiện nay, tình hình nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển phục vụ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đã thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Tuy vậy, công tác thí điểm vẫn cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ công tác đánh giá tổng kết.

Khi giải pháp sử dụng cát biển đắp nền cao tốc chưa sẵn sàng thì xây cầu cạn kết hợp với những đoạn chạy trên mặt đất được coi là giải pháp khả thi, cần được tính đến.

Hơn nữa, nếu chọn làm cầu cạn cao tốc sẽ tạo đầu ra cho ba loại vật liệu đang dư thừa trong nước hiện nay là xi măng, thép, bê tông, điều này sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu trong nước.

Một khối bê tông tiêu thụ được 400kg xi măng, cứ như thế nhân với khối lượng sẽ cho thấy xi măng tiêu thụ rất lớn. Tương tự, sắt thép cũng như vậy. Quan trọng là nguyên vật liệu tự chúng ta sản xuất được, không phải nhập khẩu, không phải tiêu tốn ngoại tệ.

Thực tế cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những vị trí không làm cầu cạn không được. Bởi do nền đất yếu nên việc xử lý, gia cố khi xây cao tốc sẽ phải đợi hàng năm mới đạt yêu cầu kỹ thuật, trong khi việc làm cầu cạn sẽ tiết kiệm được thời gian thi công. Chưa kể, việc sử dụng cát, đất đắp thông thường sẽ phát sinh chi phí, còn làm cầu cạn gần như không có phát sinh.

Với những địa hình đất yếu như ĐBSCL, địa hình chia cắt như Tây Bắc, Đông Bắc hoặc khu vực nhiều mưa lũ như miền Trung cần tính toán tới giải pháp kết hợp xây dựng cầu cạn cao tốc với các đoạn cao tốc chạy trên mặt đất.

Ở nhiều nước, việc phát triển cao tốc tại những vùng này được gọi là xây đường địa hình, gặp núi khoét núi, gặp thung lũng, nền đất yếu thì xây cầu cạn. Đó thực sự là giải pháp hợp lý, tuy nhiên vẫn cần phải cân đối nguồn lực. Bởi như đã nói, với chi phí cao hơn thì rất cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Về nguồn lực huy động, có thể tiếp tục tiết giảm các dự án giao thông địa phương chưa cấp thiết để tăng cường nguồn vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia. Đây là việc cấp bách, nên cần thiết phải ưu tiên.

Nguyễn Quang Cung
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.