Xã hội

Những tỷ phú đan lưới ở Tân An

15/08/2021, 13:38

Có cơ ngơi khang trang, giàu có, nhưng chị Vân không bao giờ quên, hơn 30 năm trước, khi anh Đích và chị lấy nhau, chỉ có con thuyền rách...

Nghề đan lưới ở Tân An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) nổi tiếng từ bao đời nay, gắn liền với nghề đánh bắt thủy, hải sản. Có những giai đoạn, làng nghề trải qua thăng trầm nhưng gần đây đã hồi sinh trở lại. Nhiều người từ chỗ nghèo khó nay đã vươn lên thành tỷ phú.

img

Gia đình chị Lê Thị Tuyển xây được nhà kiên cố, mua được ô tô đắt tiền nhờ đan và kinh doanh lưới truyền thống

Đi lên từ... lưới rách

Công ty TNHH Tân Vân hiện là cơ sở sản xuất lưới lớn nhất ở Tân An do chị Lưu Thị Vân làm giám đốc. Doanh nghiệp này đã có hơn 15 năm hoạt động, chuyên sản xuất các loại lưới giã ván khơi, lưới vét, cánh ván giã, lưới kéo, túi đầm, túi đáy, te xiệc... phù hợp với mọi ngư trường trong nước. Sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tận vùng biển Quảng Ngãi, Kiên Giang…

Có cơ ngơi khang trang, giàu có, nhưng chị Vân không bao giờ quên, hơn 30 năm trước, khi anh Đích và chị lấy nhau, chỉ có con thuyền rách với vài tấm lưới vá chằng, vá đụp.

Ngày ngày, đôi vợ chồng trẻ chỉ đánh bắt được ít hải sản ở men sông Hốt. Nghèo đói bám riết, chị Vân nhớ đến nghề đan lưới gần như đã thất truyền ở Tân An.

Cùng kinh nghiệm đi biển của anh Đích, muốn đánh con tôm thì dùng lưới gì, con cá to thì lưới nào, anh chị đánh liều thành lập Công ty TNHH Tân Vân, chuyên cung cấp ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản.

Sau hơn 15 năm bươn trải, kinh doanh với số vốn ban đầu 800 triệu đồng và gần chục lao động đơn thuần làm thủ công, nay Công ty Tân Vân đã có gần 30 lao động, trên 50% sản phẩm được làm bằng dây chuyền công nghiệp, cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng, trừ các khoản chi phí.

img

Công ty TNHH Tân Vân luôn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động ở địa phương

Trong cơ sở đan lưới của gia đình chị Bùi Thị Dung ở khu Thống Nhất 1, xã Tân An rộng hàng trăm mét vuông, hơn chục lao động đang cần mẫn làm việc.

Chị Dung tay thoăn thoắt đan lưới, thủng thẳng kể, năm nay chị gần 50 tuổi song đã có tới hơn 40 năm làm nghề đan lưới. “Tôi cũng không biết được nghề đan lưới ở đây có từ bao giờ, nhưng từ thuở lên 9, lên 10 là tôi đã thành thạo nghề và gắn bó đến tận bây giờ”, chị Dung nói.

Cũng như hầu hết gia đình ở Tân An, vợ chồng chị Dung từ khi lấy nhau sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và đan lưới. Năm 2001, khi thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ lưới có cơ hội, chị bàn với chồng bỏ hẳn việc đi biển về mở cơ sở này.

Vốn liếng ban đầu của anh chị chỉ có vài triệu bạc để quây tạm mấy chục mét vuông đất vườn làm nơi tập kết nguyên liệu sản xuất.

Ngày ngày, chỉ có 2 vợ chồng đêm hôm xe sợi, đan lưới. Với đôi tay khéo léo, tảo tần lại có duyên bán hàng, dần dà, khách từ ở những địa phương ven biển từ trong Nam, ngoài Bắc tìm đến ngày một đông.

Nhờ vậy, đến nay, vợ chồng anh chị Dung đã có cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn chục lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Văn Chính, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Tân An cho biết, gia đình chị Dung, chị Vân, anh Tuyển ở khu Thống Nhất 2, anh Lâm ở khu Thống Nhất 1... là những hộ tiêu biểu trong việc gìn giữ, phát triển nghề đan lưới truyền thống ở Tân An. Từ hai bàn tay trắng, nhờ đan lưới, giờ nhiều gia đình ở đây đã trở thành tỷ phú…

Theo bà Vũ Ngân Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân An, đan lưới là nghề truyền thống lâu đời, đang tạo việc làm thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Sản phẩm lưới của xã không chỉ có mặt hầu khắp vùng biển của Quảng Ninh mà còn vươn vào tận nhiều địa phương ở phía Nam...

Vượt qua thăng trầm

img

Nhiều cơ sở đan lưới ở Tân An đã chuyển hướng đan lưới cho các sân bóng đá để giải quyết khó khăn trong lúc ế ẩm

Có một thực tế là, để có những cơ sở khang trang như hôm nay, các “tỷ phú đan lưới” cũng từng trải qua nhiều đận thăng trầm, bởi có thời điểm nghề đan lưới nguy cơ mai một.

Anh Lưu Văn Lâm, chủ cơ sở đan lưới ở khu Thống Nhất 1, phường Tân An cho biết: Khoảng hơn chục năm trước, trên ngư trường của Quảng Ninh và nhiều tỉnh trong nước đã du nhập nghề đánh bắt thủy sản với hình thức tận diệt.

Khắp vùng biển là những con tàu dùng kích điện, chã cào quần thảo. Thậm chí, việc sử dụng chất nổ khai thác thủy sản cũng diễn ra rầm rộ.

Thời điểm đó, đằng sau những chuyến tàu ra khơi đánh bắt thủy sản không phải là những tấm lưới nữa, lưới làm ra ế ẩm, nhiều cơ sở phải thu hẹp, đóng cửa.

“Có những thời điểm, nhiều vị cao niên làm nghề truyền thống phải nghỉ, lắm lúc “nhớ nghề” đành mang lưới ra đan vài mét cho đám nhỏ đánh cá trong ao, trong đầm chơi chơi...”, anh Lâm kể.

“Trong cái khó, ló cái khôn”, những người “quyết giữ nghề đan lưới” tại Tân An cũng có sự chuyển mình. Nữ Giám đốc Công ty TNHH Tân Vân chia sẻ, trong lúc chủ các phương tiện đánh bắt hải sản, chủ đầm nuôi tôm, cá “lãng quên” sản phẩm lưới bao năm gắn bó thì công ty chuyển sang sản xuất một số mặt hàng khác như lưới sân bóng đá, bóng rổ, lưới bãi biển… Một số cơ sở khác cũng chủ động mở rộng đối tác sang nhiều lĩnh vực có sử dụng đến lưới, vì vậy, cũng dần ổn định.

Rồi cách đánh bắt thuỷ sản tận diệt bị cơ quan chức năng nghiêm cấm, những tấm lưới trở lại gắn bó với những con thuyền ra khơi. Nghề đan lưới khởi sắc trở lại, trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây, nhất là tận dụng được đối tượng lao động là người già, phụ nữ, trẻ em với mức thu nhập khá ưu đãi.

Bà Đỗ Thị Liên, nhà ở phố Thống Nhất 1 cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề đan lưới từ năm 18 tuổi, đến nay tròn 50 năm làm công việc này rồi. Tôi học nghề đan lưới từ bố mẹ đẻ, khi đi lấy chồng, hai vợ chồng lại cùng làm nghề đan lưới, vá lưới và đã nuôi được các con trưởng thành. Giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tôi vẫn có thể làm nghề này ở nhà với mức thu nhập khá ổn...”.

Bà Vũ Ngân Hà cho biết, với việc các địa phương quyết liệt ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt, nên nhu cầu về lưới đã tăng cao trở lại trong hơn 2 năm gần đây. Cùng với đó, địa phương đang có quy hoạch khu chức năng đô thị Tân An nằm trong Khu phức hợp Hạ Long xanh, gắn với định hướng phát triển hiện đại, đồng bộ, quan tâm đến yếu tố bảo tồn các di tích văn hóa, làng nghề truyền thống... Do vậy, địa phương đang nghiên cứu đề xuất để phát triển nghề đan lưới thành “Làng nghề” và là một điểm du lịch trải nghiệm trong hệ thống tour du lịch sinh thái của thị xã trong tương lai gần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.