Xã hội

Những vấn đề "nóng" nào được ĐBQH quan tâm tại phiên chất vấn?

06/11/2023, 06:00

Từ ngày 6-8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Quan tâm đến lời hứa của thành viên Chính phủ

Chia sẻ trước phiên chất vấn, đại biểu Quản Minh Cường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai cho biết, ông quan tâm đến các vấn đề nóng mà người dân, cử tri Đồng Nai quan tâm.

Đó là các vấn đề sách giáo khoa mà cốt lõi là chất lượng dạy học của ngành giáo dục; Chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế; Tình hình tai nạn giao thông và trật tự an toàn giao thông...

Những vấn đề "nóng" nào được ĐBQH quan tâm tại phiên chất vấn? - Ảnh 1.

Ông Quản Minh Cường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Ông Cường cũng quan tâm tới vấn đề tội phạm có nguyên nhân xã hội, tức là tội phạm trong gia đình có chiều hướng gia tăng.

"Tội phạm gia đình gia tăng, vấn đề này phải tìm ra nguyên nhân, gốc của nó là vấn đề đạo đức", ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Cường kỳ vọng trong phiên chất vấn tới, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện đúng lời hứa của mình. 

"Có thể hứa chưa làm được vì phụ thuộc các yếu tố chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu xem xét, đánh giá là vị bộ trưởng, trưởng ngành đó có quyết tâm không, có thực sự hành động không? Có chính sách gì để thực hiện lời hứa hay tổ chức triển khai thực hiện lời hứa như thế nào?", ông Cường nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét đưa ra nội dung để tập trung chất vấn kỳ này.

Phiên chất vấn sẽ tập trung vào những vấn đề mà Ủy ban cho rằng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Tuy nhiên, các ĐBQH có quyền chất vấn bất kỳ vấn đề nào nằm trong các lời hứa của thành viên Chính phủ tại các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Qua phiên chất vấn, chúng tôi sẽ theo đuổi tới cùng việc các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện các nghị quyết. Riêng với tôi, sẽ quan tâm đặc biệt đến các vấn đề liên quan đến sự suy giảm của các trụ cột tăng trưởng kinh tế hiện nay", ông Sơn nói.

Những vấn đề "nóng" nào được ĐBQH quan tâm tại phiên chất vấn? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đồng thời, đại biểu Sơn cũng kỳ vọng sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thể hiện hiệu quả pháp lý của phiên chất vấn bằng một nghị quyết. Nghị quyết này sẽ đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đảm bảo hoạt động giám sát. 

"Đây có thể được xem như một cách làm mới, với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của các thành viên Chính phủ hơn", ông Sơn nhìn nhận.

Tập trung vào các vấn đề quan trọng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho hay, phiên chất vấn trong nhiệm kỳ này sẽ khác so với những phiên chất vấn trong các kỳ trước, đó là đặt câu hỏi cho bất kỳ thành viên Chính phủ nào.

Ông Sơn cho rằng, khi trả lời, các thành viên Chính phủ cần dựa vào thực tế đã triển khai hoạt động trong thời gian vừa qua. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng là một cách để đánh giá năng lực và khả năng điều hành của Chính phủ.

"Tôi tin rằng thông qua phiên chất vấn này, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc đối mặt với những việc chưa hoàn thành và tổ chức triển khai các yêu cầu của Quốc hội trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là trong kế hoạch thực hiện 5 năm", ông Sơn cho hay.

Những vấn đề "nóng" nào được ĐBQH quan tâm tại phiên chất vấn? - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau).

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Quốc hội là nơi bàn về quốc sách nên phải hỏi những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước, của quốc gia, dân tộc. Có chăng chỉ lấy vụ việc cụ thể để minh họa.

Đại biểu này cho rằng, nếu lấy một vụ việc ra chất vấn thì chưa hẳn các đại biểu khác muốn nghe một vụ việc cụ thể, ở một địa bàn cụ thể, vừa mất thời gian mà chưa hẳn các trưởng ngành đó nắm hết được.

"Đại biểu Quốc hội phải chất vấn đúng tầm, phải làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được bộ trưởng, trưởng ngành điều hành. Điều này sẽ phản ánh năng lực của các bộ trưởng, trưởng ngành", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Chia sẻ nội dung mình quan tâm tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay, ông quan tâm đến việc chấp hành pháp luật và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, người đứng đầu bộ, ngành trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành mình. Những gì liên quan đến công việc mà ngành đấy đảm nhiệm xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Có hiểu được như vậy mới biết giới hạn, phạm vi của mình để đề phòng trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.