Xã hội

Nỗi đau sập cống Hiệp Hòa và lời hứa chưa thành

02/12/2023, 08:30

Đã 45 năm sau sự kiện sập cống thủy lợi Hiệp Hòa ở huyện Đô Lương, Nghệ An làm 98 người tử nạn, đến nay công trình Bia chứng tích tưởng niệm vẫn chưa được triển khai, dù đã có chủ trương từ lâu.

Buổi trưa định mệnh

Những ngày cuối tháng 11, PV Báo Giao thông có mặt tại cống thủy lợi Hiệp Hòa (thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, Đô Lương). Dù đã 45 năm, trải qua sự bào mòn của thời gian và nước chảy nhưng nhiều dấu tích còn sót lại từ vụ tai nạn sập cống làm 98 người tử nạn năm xưa vẫn còn đó.

Nỗi đau sập cống Hiệp Hòa và lời hứa chưa thành - Ảnh 1.

Cống Hiệp Hoà nơi xảy ra vụ tai nạn khiến 98 người tử vong.

Ông Nguyễn Đình Quế (SN 1971, ở thôn Hiệp Hòa) cho biết: "Nghe các cụ cao niên trong làng kể, kênh thủy lợi xuyên núi này được xây dựng thời Pháp thuộc. Nhìn dòng nước phía dưới tưởng là cạn thế thôi, thực chất từ mặt nước xuống chạm đáy còn sâu bằng 2 lần chiều cao người lớn. Trước đây, khi nhà nước nạo vét, chủ yếu thi công bằng sức người, sau này khi công nghệ hiện đại, máy múc và xe tải chạy phía dưới luôn".

Cống Hiệp Hòa là công trình đại thủy nông giải quyết vấn đề nước tưới cho hàng chục vạn ha lúa của Nghệ An từ nhiều thập kỷ. Trước sự tàn phá của chiến tranh và yêu cầu nâng lưu lượng nước tưới phục vụ sản xuất, năm 1977, tỉnh Nghệ An đã huy động 21.000 người của 7 huyện cùng sự hỗ trợ của Sư đoàn 337 - Quân khu 4 mở rộng, nâng cấp công trình này.

Nỗi đau sập cống Hiệp Hòa và lời hứa chưa thành - Ảnh 2.

Ô̂ng Nguyễn Đình Quế (SN 1971, ở thôn Hiệp Hòa) kể lại câu chuyện năm xưa và trăn trở hiện tại.

Khi công trình gần hoàn thành thì trưa 3/1/1978, cống sập, kéo theo một lượng đất đá khổng lồ đổ ập xuống. Phải mất 3 ngày đào bới bùn đất, cơ quan chức năng mới tìm thấy 98 thi thể, hầu hết họ còn rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 17.

Trong số thanh niên tử nạn khi thi công cống Hiệp Hòa, có tới 94 người thuộc Tổng đội Thanh Chương. Nhiều nhất là ở xã Cát Văn (37 người), Phong Thịnh (18 người), Thanh Liên (11 người).

"Năm xảy ra vụ tai nạn, tôi mới 8 tuổi. Tôi còn nhớ vụ việc xảy ra vào buổi trưa. Lúc đó, chúng tôi đang chơi trong làng thì nghe một tiếng động rất lớn. Sau đó thấy người dân nháo nhác, mọi người nói sập cống, rồi ùa nhau chạy ra công trường đang thi công", ông Quế nhớ lại.

Theo ông Quế, do cống được xây dựng từ lâu, lại chịu ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh nên trên cống xuất hiện các vết nứt. Trước lúc xảy ra tai nạn, công nhân đang dựng dàn giáo để sửa chữa lại.

"Năm đó, bố tôi cũng làm công nhân tại cống này, may mắn sao hôm đó ông được điều động đi chở sỏi. Còn cậu ruột là chỉ huy trưởng công trường, sau này cậu phải đi tù vì chịu trách nhiệm người đứng đầu", ông Quế cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phú (SN 1967, ở thôn Hiệp Hòa) kể thêm, những người thi công sửa chữa kênh thủy lợi phần lớn là thanh niên xung phong, tuổi đời còn rất trẻ. Cậu mợ của bà cũng tham gia, hai người đã tổ chức lễ ăn hỏi, đang chờ ngày cưới thì người mợ gặp nạn.

"Hôm sập cống, khi lực lượng cứu hộ đưa lên bờ, người mợ còn nóng, đến lúc cậu bế trên tay, mợ mới trút hơi thở cuối cùng.

Ban đầu người ta định tổ chức mai táng cho những công nhân gặp nạn ở ngay ngọn đồi gần đấy. Thế nhưng, sau đó lại quyết định đưa về các địa phương để chôn cất", bà Phú kể. 

Lời hứa chưa thành

Một năm sau sự cố sập cống, năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc bấy giờ chưa tách Nghệ An và Hà Tĩnh) đã truy tặng bằng Ghi công đối với 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa. Tỉnh cũng trợ cấp hàng tháng cho thân nhân người tử nạn 6kg gạo. Năm 2001, mức trợ cấp đã được nâng lên bằng mức trợ cấp xã hội hiện hành.

Nỗi đau sập cống Hiệp Hòa và lời hứa chưa thành - Ảnh 3.

Nơi đây hiện chỉ mới có một cái miếu nhỏ dựng bên vệ đường.

Tuy nhiên, đến nay, người thân, gia đình các nạn nhân và người dân địa phương vẫn còn trăn trở khi việc xây dựng Bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa năm 1978 vẫn chưa được triển khai, dù đã được Tỉnh uỷ Nghệ An cho chủ trương từ năm 2018.

Nhìn ngôi miếu nhỏ dựng chênh vênh trên mô đá ven đường, ông Nguyễn Đình Quế và bà Nguyễn Thị Phú cho biết, đầu tháng 6/2018, tỉnh tổ chức đại lễ cầu siêu cho 98 người tử nạn, bà con rất xúc động. Ai cũng phấn khởi khi nghe tin Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa sẽ được xây dựng trên ngọn đồi thoai thoải, cạnh tuyến đường quản lý vận hành kênh. Nhưng 5 năm rồi, công trình này vẫn chưa thấy đâu.

"Sự kiện sập cống Hiệp Hòa diễn ra cách đây đúng tròn 45 năm, thế hệ chúng tôi chứng kiến còn nhớ, chứ rất nhiều bạn trẻ bây giờ không biết. Nếu không có công trình ghi lại công lao của các anh, các chị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thì thật có lỗi với tiền nhân", ông Quế nói.

Ông Nguyễn Bá Bình, nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn, thương binh chống Mỹ, quê ở Cát Văn, huyện Thanh Chương, hiện đang sống tại TP.HCM, có em gái tử vong trong vụ sập cống cho hay, xã Cát Văn là địa phương có nhiều mất mát về người trong vụ sập cống. Trước nguyện vọng tha thiết của bà con, ông đã có đơn kiến nghị gửi tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. 

Tháng 6/2018, UBND tỉnh đã có văn bản trả lời, cho biết hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, chuẩn bị các thủ tục theo quy định, triển khai kêu gọi các tập thể, cá nhân chung tay ủng hộ để tiến hành xây dựng Bia chứng tích, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Theo tìm hiểu, ngay khi có chủ trương, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, lập dự án thực hiện. Sau đó, Sở này đã xây dựng 2 phương án cho hạng mục bia tưởng niệm, nguồn vốn từ dự án JICA 2. Tuy nhiên, công trình phải tạm dừng do chưa đủ điều kiện theo quy định về vốn ODA.

"Sau khi công trình thực hiện từ dự án JICA 2 tạm dừng, tỉnh đã giao huyện Đô Lương làm tờ trình, lập dự toán sơ bộ báo cáo tỉnh để thực hiện theo hình thức đầu tư công. UBND huyện đã gửi tờ trình và báo cáo dự toán cho UBND tỉnh.

Hiện Sở Kế hoạch và đầu tư đang chủ trì xin ý kiến của các sở, ban ngành liên quan. Đây là công trình tâm linh, là nguyện vọng chính đáng của gia đình, người thân người bị nạn, của nhân dân địa phương và nhiều cán bộ, đảng viên. Vì vậy, rất mong sự quan tâm của các sở, ban ngành để công trình sớm được triển khai", ông Bùi Duy Đông, Bí thư Huyện ủy Đô Lương chia sẻ.

Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 1934, nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An).

Trải qua thời gian bị lắng cặn và chiến tranh tàn phá, lưu lượng nước qua đây không đủ để tưới tiêu nên phải mở rộng cống. Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa do bom Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, dòng chảy bị thu hẹp, không đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.